Cùng là hội viên cựu chiến binh (CCB) phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình), tôi quen bác Nguyễn Quốc Ấn qua những lần đi dự lớp tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tôi thích nghe bác kể chuyện chiến đấu ở Điện Biên Phủ năm 1954; nghe chuyện ở mặt trận chống Mỹ cứu nước năm 1966 - 1975. Bác Ấn khiêm tốn, ít nói về mình. Quê bác ở Hội An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bác Ấn là lính tình nguyện đi đánh giặc Pháp. Năm 1953, bác được tuyển quân và được biên chế vào Tiểu đoàn 9. Sau đó bác cùng 20 chiến sỹ tiểu đoàn được cử đi học lớp quản lý pháo và kỹ thuật tháo lắp pháo.
Vợ chồng bác Nguyễn Quốc Ấn luôn quan tâm đọc Báo Hòa Bình.
Hôm kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), tại Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh, bác Ấn vinh dự được Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh Quách Thế Tản mời kể chuyện chiến trường Điện Biên Phủ. Ở tuổi 96, giọng bác vẫn trầm ấm, hội trường gần 100 CBB im lặng ngồi nghe: Năm 1954, ở chiến trường Điện Biên Phủ, giặc Pháp liên tục ném bom, bắn phá vào nơi đóng quân của ta. Trận địa pháo của chúng tôi, pháo hư hỏng nặng, nhiều đồng chí bị đất đá vùi lấp. Chúng tôi bới đất chui lên đến cỗ pháo, cùng nhau nhanh chóng sửa chữa, bảo dưỡng pháo. Pháo lại cùng bộ đội xung trận. Pháo ta bắn áp đảo, tiêu diệt giặc, tạo điều kiện cho lính bộ binh xung phong lên phía trước tiêu diệt giặc.
Giọng bác trùng xuống: Chiến tranh đã cướp đi nhiều đồng đội. Những người lính tuổi đời 18 - 20 vĩnh viễn nằm xuống hòa xương máu vào đất Điện Biên. Chiến trường khốc liệt biết bao liệt sỹ vô danh. Đồng đội chiến đấu ngoan cường, giành lấy từng tấc đất, góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu… Sau ngày hòa bình, thị xã Hòa Bình thành lập "Ban CCB Điện Biên Phủ”, tất cả có 49 CCB. Nhiều lần chúng tôi được thăm lại chiến trường xưa. Thời gian đã tiễn đưa dần đồng chí, đồng đội về phía thế giới khác. Nay Ban CCB Điện Biên Phủ chỉ còn 4 người, ông Dương Hồng Kỳ đang yếu dần. Còn tôi 96 tuổi. Ông Mai Đại Xá 91 tuổi vẫn thích làm thơ, thích đi bộ, vui với con cháu, vui với tuổi già…
Năm 1966, bác Ấn được điều động vào Nam chiến đấu, biên chế vào Đoàn 1, Phòng Quân khí Quân khu 5. Rồi bác cùng Đoàn 1 về Quảng Ngãi nhận súng đạn ở tàu không số, xác định kỹ thuật, thay mặt cho quân khu cấp phát súng, đạn cho các đơn vị đi chiến đấu. Năm 1971, bác được phong quân hàm Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng pháo binh, tiểu đoàn ra trận đều mang chiến thắng. Đơn vị bác đã góp phần nhỏ vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Ngày 31/12/1977, bác Ấn được chuyển ra Bắc với quân hàm Đại úy, bác nghỉ hưu về ở tại số nhà 10, tổ 13, phố Can, phường Đồng Tiến, thị xã Hòa Bình, nay là TP Hòa Bình.
Trải qua chiến trường chống Pháp, đánh Mỹ, khi về nghỉ hưu, bác nuôi gà, nuôi ong, nuôi cá, nuôi ba ba, trồng cây ăn quả… Năm 1989, phố Can thành lập chi bộ, bác được bầu làm Bí thư chi bộ nhiều nhiệm kỳ, từ năm 1989 - 2004. Phố Can ngày ấy còn nhỏ, người ta cũng hay gọi xóm Can. Bác đã cùng tập thể chi bộ bồi dưỡng, kết nạp được 7 đảng viên. Bác luôn đi đầu trong công tác phòng, chống ma túy; chi bộ xây dựng được "Câu lạc bộ phòng chống ma túy”, bác được nhận 2 bằng khen của UBND tỉnh về công tác phòng, chống ma túy. Bác tham gia Đảng ủy phường 2 khóa (X và XII), Đảng ủy giao nhiệm vụ bác đều hoàn thành xuất sắc.
Đầu tháng 3/2025, bác Ấn đến thăm ngôi nhà nhỏ bé của tôi. Hai bác cháu thân mật nói chuyện chiến đấu, chuyện chuẩn bị đón ngày 30/4. Vậy là đã 50 năm trôi qua, đất nước yên bình, vươn lên lớn mạnh. Bác vui vẻ chia sẻ: Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng nhờ sự đảm đang, giúp đỡ của bác gái Nguyễn Thị Nhạ. Thời kỳ vào Nam chiến đấu, bác Nhạ làm công nhân quốc phòng ở huyện Tân Lạc, vừa nuôi con nhỏ vừa công tác, thủy chung với chồng đi chiến đấu ở mặt trận xa. Bác gái có người em trai hy sinh ở sông Thạch Hãn khi mới 21 tuổi. Bác gái được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Hai.
CCB Nguyễn Quốc Ấn được Nhà nước tặng thưởng 8 huân chương. Đến thăm, bác cho tôi xem Huân chương Chiến thắng hạng Hai - bộ đội Điện Biên Phủ, Huân chương Chiến sỹ giải phóng miền Nam, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và 5 huân chương khác… Tôi chụp tặng hai bác một số ảnh. Bác gái vui khi nhìn kiểu ảnh hai bác xem Báo Hòa Bình. Bác bảo, đọc Báo Hòa Bình giúp tuổi già thêm sáng mắt, sáng lòng, học được nhiều điều quý. Quê hương thanh bình vững bước đi lên. Tình yêu thương của hai bác ở tuổi ngoài 90 cao đẹp, xanh tươi như hai trái núi. Hạnh phúc của hai bác nằm trong tình yêu Tổ quốc.
Quốc Dũng (CTV)
Ở xã Kim Bôi (huyện Kim Bôi), không ai không biết đến gia đình "kình ngư” - ông Bùi Văn Bính, khi cả ông và hai con trai đều là vận động viên tiêu biểu thường xuyên thi đấu các giải bơi trong và ngoài tỉnh. Hơn 30 năm gắn bó với bộ môn bơi, hành trình của ông Bùi Văn Bính không chỉ là những thành tích cá nhân ấn tượng, mà còn là câu chuyện đầy cảm hứng về sự cống hiến và truyền lửa đam mê thể thao cho thế hệ trẻ, đóng góp vào sự phát triển thể thao tại địa phương.
Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Tân Lạc luôn quan tâm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm vững mạnh, rộng khắp, gắn với phát triển kinh tế. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hàng năm, nhiều chiến sỹ "sao vuông" còn trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng quê hương. Tiêu biểu có đồng chí Nguyễn Văn Được, khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức là tấm gương sáng phát triển kinh tế và trong phong trào dân quân khởi nghiệp.
Sống xanh là lối sống lành mạnh, tích cực, bền vững, không chỉ góp phần bảo vệ cuộc sống, môi trường sống, mà còn giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Trong đó, giảm bớt lượng tiêu thụ nhựa là một trong nhiều cách để theo đuổi lối sống xanh.
Tưởng rằng cựu chiến binh (CCB) là những người đã lớn tuổi, nhưng bên cạnh đó cũng có những CCB tuổi đời còn trẻ. Họ là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Với sức trẻ, tinh thần trách nhiệm, những CCB "9X” đã đóng góp tích cực vào phong trào, hoạt động ở cơ sở.
Cô Khương Thị Thanh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Sáng, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) là người có nhiều sáng kiến, tác động tích cực đến công tác dạy và học trong ngành GD&ĐT tỉnh.
Là Liên đội trưởng của Trường TH&THCS Vụ Bản (Lạc Sơn), em Phạm Minh Phương không chỉ năng nổ, nhiệt huyết trong công tác đội mà còn là một học sinh gương mẫu, đạt nhiều thành tích học tập xuất sắc.