Hiến máu tình nguyện (HMTN) là nghĩa cử cao đẹp. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình. Tiêu biểu là anh Bùi Tiến Đạt, sinh năm 1986, khu Đồng Văn, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc). Trên cương vị là Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy, anh Đạt luôn gương mẫu trong công việc và tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, trong đó anh đã 38 lần tham gia HMTN.


Anh Bùi Tiến Đạt, khu Đồng Văn, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) tích cực tham gia hiến máu tình nguyện.

Chia sẻ về lần đầu tham gia hiến máu khi còn là sinh viên, anh Đạt cho biết: Trong một lần nhà trường tổ chức HMTN, tôi cùng mọi người trong lớp hăng hái tham gia. Khi viết lên tờ đăng ký hiến máu, tôi có cảm giác rất hồi hộp, lo lắng vì không biết có đủ điều kiện, sức khỏe để tham gia hiến máu hay không, hiến máu có ảnh hưởng đến sức khỏe không. Khi hiến máu xong, nghỉ ngơi theo hướng dẫn của cán bộ y tế, sức khỏe của tôi nhanh chóng ổn định lại bình thường. Sau lần đó, tôi đã thay đổi quan niệm về HMTN, thấy hào hứng mỗi khi trường tuyên truyền, thông báo có đợt hiến máu. Từ đó, năm nào tôi cũng tình nguyện tham gia hiến máu 1 - 2 lần, mỗi lần hiến gần 300ml máu.  Đến nay, tôi đã 38 lần tham gia HMTN.

Để đảm bảo lượng máu tốt cho những lần hiến máu kế tiếp, anh Đạt quan tâm ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tập thể dục thể thao, hạn chế uống rượu, bia để nâng cao sức khỏe. Về lý do sẵn sàng HMTN, anh Đạt chia sẻ: Mình còn trẻ, nếu đủ điều kiện thì hiến máu không có gì phải e ngại, không ảnh hưởng đến sức khỏe. HMTN là việc làm rất có ý nghĩa, mỗi lần hiến máu, tôi cảm thấy tinh thần thoải mái, hạnh phúc, lạc quan, yêu đời hơn vì biết rằng giọt máu của mình có thể giúp đỡ những bệnh nhân cần máu.

Không chỉ hăng hái tham gia hiến máu, anh Đạt còn là tuyên truyền viên tích cực, vận động được trên    40 người là đồng nghiệp, bạn bè, người thân cùng tham gia. Lúc đầu, nhiều người còn tâm lý e ngại nhưng khi được giải thích, tuyên truyền, mọi người dần hiểu hơn ý nghĩa, những lợi ích khi HMTN và khi không may đến lượt mình cần máu sẽ được ưu tiên. Anh rất vui vì các thành viên trong gia đình đều ủng hộ việc làm ý nghĩa này. Những người trong gia đình anh cũng là những gương mặt quen thuộc tại các đợt HMTN. Em trai của Đạt đã tham gia hiến máu 23 lần, cả gia đình anh đã 69 lần HMTN. Ngoài ra, anh Đạt tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế.

Tấm gương của anh Đạt đã góp phần thúc đẩy phong trào HMTN ngay tại cơ quan, địa phương. Các đồng nghiệp của anh tại huyện Tân Lạc cũng tích cực tham gia  hiến máu, trong đó nhiều đồng chí hiến máu trên 10 lần, có những người lớn tuổi vẫn hăng hái tham gia HMTN. "Được góp phần giúp đỡ những bệnh nhân đang cần máu là  niềm hạnh phúc của tôi và gia đình. Hy vọng ngày càng có nhiều người tham gia HMTN để giúp được nhiều người bệnh hơn nữa. Bản thân tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia HMTN khi còn đủ điều kiện” - anh Đạt chia sẻ.

Với sự sôi nổi, nhiệt tình, nhiều năm liền anh Bùi Tiến Đạt được Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh, huyện Tân Lạc tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu. Anh cũng vinh dự là đại diện của tỉnh tham dự Lễ tôn vinh người HMTN tiêu biểu toàn quốc năm 2024.


Hoàng Anh


Các tin khác


Nông dân thời 4.0 đam mê nông nghiệp xanh

Những năm qua, mô hình phát triển kinh tế "Trang trại giun quế Hoà Bình" của anh Bùi Văn Đáng ở xóm Cỏ Giữa, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) không chỉ mang lại giá trị kinh tế ổn định, mà còn thân thiện, bảo vệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Nữ ngư dân 11 lần cứu người nhảy cầu quyên sinh

Dáng người mảnh khảnh, nước da rám nắng, hàng ngày mưu sinh với nghề nuôi và đánh bắt cá vùng hạ lưu sông Đà, bà Nguyễn Thị Hiên, sinh năm 1964, trú tại tổ 14, phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình) được bà con làng vạn chài ví như "người hùng không áo choàng”. Không ít lần, bà vượt dòng nước xiết cứu người nhảy cầu quyên sinh, giúp họ tìm lại cuộc đời. Việc làm của bà là minh chứng về sự tử tế, lòng dũng cảm, tình thương người giữa đời thường, giúp xua tan "bóng đêm” trong tâm trí những người được cứu, tìm lại niềm tin trong cuộc sống.

Người lưu giữ hồn cốt văn hóa Dao giữa đại ngàn

Trên đỉnh núi Biều, nơi mây phủ quanh năm như chốn bồng lai có một bản nhỏ tên Sưng nằm lặng lẽ giữa đại ngàn xanh thẳm của xã Cao Sơn, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nơi ấy, có một người đã dành cả cuộc đời để chắt chiu từng con chữ, từng làn điệu dân ca, từng nếp sống cổ xưa của dân tộc Dao Tiền – ông Lý Văn Hềnh. Người dân nơi đây vẫn gọi ông bằng cái tên gần gũi, trìu mến: "Ông Hềnh giữ hồn Dao"

Người con xứ Mường đam mê lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống

Sau khi về nghỉ hưu theo chế độ, ông Bùi Văn Nỏm, nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn, hiện trú tại phố Hữu Nghị, thị trấn Vụ Bản dành nhiều thời gian, tâm huyết sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Gia đình "kình ngư" phát triển bộ môn bơi ở xã Kim Bôi

Ở xã Kim Bôi (huyện Kim Bôi), không ai không biết đến gia đình "kình ngư” - ông Bùi Văn Bính, khi cả ông và hai con trai đều là vận động viên tiêu biểu thường xuyên thi đấu các giải bơi trong và ngoài tỉnh. Hơn 30 năm gắn bó với bộ môn bơi, hành trình của ông Bùi Văn Bính không chỉ là những thành tích cá nhân ấn tượng, mà còn là câu chuyện đầy cảm hứng về sự cống hiến và truyền lửa đam mê thể thao cho thế hệ trẻ, đóng góp vào sự phát triển thể thao tại địa phương.

Chiến sỹ "sao vuông" làm kinh tế giỏi

Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Tân Lạc luôn quan tâm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm vững mạnh, rộng khắp, gắn với phát triển kinh tế. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hàng năm, nhiều chiến sỹ "sao vuông" còn trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng quê hương. Tiêu biểu có đồng chí Nguyễn Văn Được, khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức là tấm gương sáng phát triển kinh tế và trong phong trào dân quân khởi nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục