Anh Yên trao đổi về dự án gà đồi sạch cho các hội viên nông dân trên địa bàn thị trấn Kỳ Sơn.

Anh Yên trao đổi về dự án gà đồi sạch cho các hội viên nông dân trên địa bàn thị trấn Kỳ Sơn.

(HBĐT) - Tại hội nghị gặp gỡ các đối tượng lầm lỡ ở thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) năm 2013, có một đối tượng đã thực sự làm nhiều người trong hội nghị ngạc nhiên lẫn khâm phục. Ngạc nhiên bởi nụ cười hiền hiền và dáng người thư sinh của anh, khâm phục bởi cuộc đời sóng gió, quá trình hoàn lương kỳ diệu của anh. Đó chính là anh Trịnh Văn Yên (TK II – TT Kỳ Sơn). Từng là một ông trùm buôn lậu gỗ, bị kết án 10 năm nhưng giờ đây anh là chiến sỹ thi đua của ngành nông nghiệp, ông chủ của hơn 400 ha rừng và một trang trại cho thu lợi hàng trăm triệu đồng/năm.

 

Hẹn gặp mãi, cuối cùng chúng tôi cũng được đến thăm ngôi nhà ấm cúng của anh Yên vào những ngày nắng nóng cuối tháng 5. 7 giờ sáng, ông chủ của hơn 400 ha rừng đang … vào bếp làm gà. Lý giải cho sự bất thường ấy, người đàn ông đã từng là ông trùm buôn lậu gỗ một thời cười hiền: “ Hôm nay là sinh nhật vợ, theo truyền thống từ ngày lấy nhau, ngày này mình phải tự tay vào bếp nấu nướng cho vợ và đưa vợ, con đi chơi”. Cắt ngang công việc bếp núc chúng tôi kéo anh vào thăm trang trại R-V- A- C của anh tại khu Đoàn Kết, thị trấn Kỳ Sơn, nơi mà anh bắt đầu khởi nghiệp sau những ngày chịu án tại trại giam.

 

Trong ngôi lán nhỏ giữa rừng keo bạt ngàn, anh kể cho chúng tôi về quá khứ của mình. Sinh năm 1964, trong một gia đình có 4 anh chị em, từ nhỏ Trịnh Văn Yên đã thể hiện là một câu bé lanh lợi và học hành khá giỏi giang. Chính vì vậy, Yên đã từng là sự kỳ vọng lớn của bố mẹ lớn lên sẽ làm rạng danh gia đình. Nhưng sự kỳ vọng đã không thành hiện thực, năm 19 tuổi, Yên đã gia nhập đường dây buôn gỗ ở Hoà Bình. Lợi nhuận lớn của những lần đi gỗ khiến Yên ngày càng ngập sâu vào con đường tội lỗi. Năm 1988, trong một lần đi cùng vài người bạn đến “xử” một ông chủ đã làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn của cả hội, anh bị dính án đồng phạm và từ đó bắt đầu những tháng ngày trốn chạy. Đến năm 1998, anh bị công an tỉnh bắt, 10 năm trốn chạy kết thúc, dù không gây thêm tội danh nào nhưng anh vẫn phải trả giá bằng 10 năm tù giam.

 

Năm 2005, do quá trình cải tạo tốt, anh được đặc xá về trước thời hạn 3 năm. Trở về địa phương với hai bàn tay trắng và một quá khứ lầm lỗi, đã có lúc anh Yên rơi vào tuyệt vọng nhưng rồi được gia đình, anh em, họ hàng quan tâm, động viên, anh đã lấy lại được tinh thần. Nhớ lại những ngày ở trong trại cải tạo, hàng ngày tham gia sản xuất, trồng rau, anh được những cán bộ quản giáo ở đây nói rất nhiều về rừng và những mô hình kinh tế trang trang có thể làm giàu không nhanh nhưng bền vững chứ không cần phải chặt phá rừng “giàu nhanh thật đấy nhưng trả giá cũng quá đắt”. Anh Yên chia sẻ.

 

Vấp ngã ở đâu, đứng lên ở đó, trở về, anh Yên mạnh dạn làm một đề án phát triển mô hình trang trại với đầy đủ rừng - vườn – ao - chuồng. Trong đó, kinh tế rừng được anh Yên xác định là nòng cốt. Xúc động với bản kế hoạch của anh nhưng ngân hàng khi đó cũng chỉ có thể giải quyết cho anh vay 30 triệu đồng bởi anh hoàn toàn không có bất cứ một tài sản thế chấp nào. Không từ bỏ, anh tiếp tục vay gia đình, bạn bè lấy vốn xin thầu lại toàn bộ 1,3 ha mặt nước của HTX Đoàn Kết và gần 4 ha mặt ao của một số hộ dân ở khu I2 thị trấn Kỳ Sơn bỏ hoang để đầu tư nuôi vịt. Xung quanh bờ, anh còn thầu thêm trồng 6 ha keo tai tượng. 2 năm sau, khi mẻ cá đầu tiên sắp sửa cho thu hoạch thì bão, lốc đi qua, toàn bộ nỗ lực của anh mất trắng. Trong cái rủi có cái may, dù không có khả năng trả nợ ngân hàng nhưng chính những việc làm thực tế của anh đã thuyết phục được ngân hàng, anh lại tiếp tục được vay thêm 100 triệu đồng để đầu tư làm trang trại, trồng rừng. Với đầu óc thông minh, sự quyết tâm, anh đã có thành quả. Đến năm 2008, anh đã có trong tay 200 ha rừng keo 3 năm tuổi, hơn 1.000 con vịt đẻ và số lượng gà cũng tương đương. Đến năm 2010, anh đã có trên 300 ha rừng và là chiến sĩ thi đua của ngành nông nghiệp. Giờ rừng của anh đã phủ xanh cả ở Kỳ Sơn, Cao Phong và tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục với dự án gà đồi sạch. Anh Yên bật mí thêm: hiện, anh đã liên kết được với Bộ KH - CN để đăng ký thương hiệu gà đồi Hoà Bình và anh đang trải qua thử thách 90 ngày để khẳng định chất lượng gà đồi Hoà Bình. Với dự án này, nếu thành công anh sẽ hợp tác, bỏ vốn, giống, kỹ thuật để đầu tư cho 20 hộ gia đình nghèo trên địa bàn huyện thật sự tâm huyết, có trách nhiệm để tham gia dự án. Đây sẽ là một hướng thoát nghèo rất hiệu quả cho các hộ gia đình bởi tỉnh có thế mạnh về rừng, gà đồi Hoà Bình cũng đã có “tiếng” trên thị trường hiện nay. Giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, anh cũng không quên giúp đỡ những người lầm lỡ đã hoàn lương. Hiện nay, anh thu nạp được 2 đối tượng đã thực sự đã hoàn lương để giúp họ làm lại cuộc đời.

 

Chia tay Trịnh Văn Yên, trong cái nắng chang chang như đổ lửa những ngày tháng 5, khi anh lại tất bật cho dự án gà của mình. Chúng tôi chợt nghĩ, cuộc đời không ai tránh được vấp ngã, điều quan trọng là sau khi vấp ngã đã đứng lên như thế nào. Những người như thế không chỉ đòi hỏi ý chí nghị lực mà còn rất cần sự quan tâm, trợ giúp, hơn tất cả là sự tin tưởng của gia đình, cộng đồng.

 

 

                                                         Phưong Linh

 

 

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục