Nhiều năm làm việc trong ngành ngân hàng, gắn bó với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, thấu hiểu khó khăn của người dân, anh Đặng Hoàng Hoán, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Phong luôn tận tâm, trách nhiệm với nghề, góp phần đưa nguồn vốn chính sách đến với người dân, giúp dân thoát nghèo.


Anh Đặng Hoàng Hoán (thứ hai từ trái sang), Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Phong chỉ đạo cán bộ nghiệp vụ rà soát nguồn vốn cho vay.  

Quê ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), sau khi tốt nghiệp đại học, tháng 12/1982, anh Đặng Hoàng Hoán xách ba lô lên công tác ở tỉnh Hòa Bình. Anh được tuyển dụng làm ở vị trí cán bộ tín dụng Chi điếm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại huyện Lạc Sơn. Sau đó anh chuyển sang công tác tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp ở Lạc Sơn. Ngày 1/1/2000, anh chuyển về công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Tháng 3/2003, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh được thành lập, anh là một trong những người đầu tiên làm việc tại đây. 

Quá trình công tác tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh anh giữ các chức vụ như: Phó Trưởng phòng Kiểm tra, kiểm soát nội bộ; Trưởng phòng Kế hoạch - Tín dụng; Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính.    Đầu tháng 4/2021, anh được phân công về huyện Cao Phong làm Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. 

Nhận nhiệm vụ mới, anh thường xuyên dành thời gian đi cơ sở, đến những địa bàn khó khăn như: Thạch Yên, Thung Nai…, các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa nắm bắt tình hình, giúp bà con kiểm tra vốn, đảm bảo cấp vốn kịp thời cho người dân có nhu cầu. Sau 3 năm, cùng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ trong đơn vị đã đưa dư nợ của chi nhánh Cao Phong lên bình quân 54 tỷ đồng/cán bộ tín dụng, cao hơn so với các đơn vị khác và cao hơn so với ngày đầu anh vào nhận nhiệm vụ với dư nợ khoảng 45 tỷ đồng/cán bộ tín dụng. Dư nợ tín dụng của chi nhánh từ 296 tỷ đồng năm 2021 đến nay đạt 426 tỷ đồng, với trên 104 nghìn hộ được vay vốn từ ngân hàng. 

Theo lãnh đạo huyện Cao Phong, nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tìm được hướng đi để xóa đói, giảm nghèo. Có thể nói, vốn chính sách luôn đóng vai trò là "đòn bẩy" để người dân vượt khó vươn lên phát triển kinh tế. Qua đánh giá, việc sử dụng vốn, thu nợ và trả lãi của hộ nghèo, hộ chính sách được thực hiện tốt, hiệu quả. Công tác phối hợp, giao ban đánh giá hiệu quả sử dụng vốn giữa ngân hàng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác: Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân được duy trì. Do đó, hiện nợ quá hạn của đơn vị chỉ chiếm 0,03%.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, khi đi công tác anh dành sự quan tâm đến đời sống của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Có lần đến xã Thu Phong, biết có nhiều cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, anh tự bỏ tiền cùng kinh phí hỗ trợ từ công đoàn đơn vị giúp đỡ các cháu. Hay chuyến đi công tác tại xã Thạch Yên, được biết nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, anh bàn với đơn vị đề nghị công đoàn cơ quan hỗ trợ các cháu xe đạp, mỗi chiếc trị giá khoảng 2 triệu đồng, trong đó cũng có số tiền riêng của anh. Đợt đi công tác ở xã Dũng Phong, các thầy cô Trường TH&THCS Dũng Phong cho biết nhà trường có 1 học sinh lớp 2 gia đình khó khăn nhưng học giỏi. Anh đã vào tận gia đình thăm và hỗ trợ cháu một chiếc xe đạp, trao đúng dịp đầu năm học mới… Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, năm 2022, anh huy động bạn bè tại Hà Nội ủng hộ hàng nghìn khẩu trang cho MTTQ huyện hỗ trợ nhân dân. Anh Hoán cho hay, đến tháng 9 năm nay anh đến tuổi nghỉ hưu. Vừa qua, anh hứa với thầy cô Trường TH&THCS Dũng Phong tiếp tục tặng 2 học sinh giỏi mỗi cháu một chiếc xe đạp bằng chính tiền lương của mình…
Với những thành tích đạt được, anh Đặng Hoàng Hoán đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội; UBND huyện Cao Phong… 


Hồng Trung

Các tin khác


Huyện Đà Bắc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Dao

Huyện Đà Bắc có 5 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 90%, trong đó dân tộc Dao chiếm trên 14%. Những năm qua, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Dao được chú trọng, là tiền đề để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện vùng cao này.

Chăm lo đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hoà Bình luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc, miền núi nhằm giúp đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Nhờ vậy, KT - XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển khá toàn diện.

Huyện Cao Phong: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,48%/năm

Tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, góp phần cải thiện sinh kế, giúp các hộ dân tộc thiểu số nghèo vươn lên, 5 năm qua (2019-2024), huyện Cao Phong đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo. Trong đó, dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dự án Hỗ trợ phát triên sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Quan tâm thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, bảo vệ và phát triển rừng gắn với sinh kế ổn định cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình tập trung triển khai thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Qua đó, mở ra hướng đi mới, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Xã Cuối Hạ huy động nguồn lực chăm lo đời sống hộ dân tộc thiểu số nghèo

Với điều kiện kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, khuyến khích duy trì một số ngành nghề truyền thống. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được đẩy mạnh thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, huy động các nguồn lực chăm lo đời sống hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã Thành Sơn tạo sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thành Sơn là xã đặc biệt khó khăn được sáp nhập từ 3 xã vùng cao của huyện Mai Châu. Xã cơ bản là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm hơn 60%, dân tộc Mường chiếm hơn 30%. Thực hiện chính sách dân tộc, trong 2 năm qua, Thành Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi giúp đồng bào dân tộc nơi đây tiếp cận giống, vốn, khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, ổn định kinh tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục