Huyện Kim Bôi có 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được huyện quan tâm, là tiền đề để nâng tầm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong cuộc sống hôm nay.


Các thành viên CLB chiêng Mường xóm Bèo, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) tập luyện đánh chiêng.

Những năm gần đây, UBND huyện đã phục dựng, tổ chức các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Mường Động (xã Vĩnh Đồng), hội chùa Sim (xã Hợp Tiến), lễ hội Đình Lập (xã Kim Lập), lễ hội Đền Nè (xã Xuân Thủy), hội chùa Bôi (xã Nam Thượng), hội đình Ba Bị (xã Hùng Sơn), hội chùa Đa (xã Tú Sơn)... Cùng với đó, huyện thực hiện bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) vật thể như nhà sàn, đồ dùng sinh hoạt, sản xuất của người Mường và DSVH phi vật thể như mo Mường, hát thường đang, bọ mẹng...

Chúng tôi đến thăm bà Bạch Thị Đào - nghệ nhân ưu tú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Truyền dạy hát dân ca và đánh chiêng Mường xóm Bèo, xã Xuân Thủy. Bà Đào chia sẻ: Nhờ sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương, CLB chiêng Mường được thành lập năm 2017. Từ đó đến nay đã tập hợp, thu hút trên 52 hội viên có chung đam mê, sở thích. Các thành viên mới tham gia CLB được các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy đánh chiêng Mường và cùng tập luyện những làn điệu dân ca, dân vũ.

Mỗi khi CLB của xóm tham gia các hội diễn, liên hoan cấp huyện, cấp tỉnh, nghệ nhân Bạch Thị Đào luôn là người đi đầu tham gia, hỗ trợ các thành viên tập luyện các tiết mục đậm bản sắc dân tộc. Ngoài ra, vào các dịp lễ lớn, thành viên CLB, đội văn nghệ các xóm tổ chức giao lưu văn nghệ dân gian và đánh chiêng Mường, tạo không khí phấn khởi. CLB được thành lập không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, mà còn góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Thực hiện công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, UBND huyện Kim Bôi đã tiến hành kiểm kê và đưa vào hồ sơ 29 di tích, danh lam thắng cảnh. Trong đó, 1 di tích khảo cổ học cấp quốc gia -khu mộ cổ Đống Thếch (xã Vĩnh Đồng), 7 di tích danh thắng cấp tỉnh. Để giới thiệu di tích đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, năm 2023 huyện đã thực hiện số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh 4 di tích: Di tích khảo cổ học quốc gia khu mộ cổ Đống Thếch, Di tích địa điểm Bác Hồ về thăm Huyện ủy Kim Bôi, Di tích lịch sử văn hóa chùa Bôi, Di tích lịch sử văn hóa đình Chiềng. Các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của huyện. 

Ngoài ra, năm 2023 huyện đã tổ chức 1 lớp tập huấn về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường và giới thiệu bộ chữ dân tộc Mường cho các công chức văn hóa xã và nghệ nhân mo Mường. Các câu lạc bộ dân ca Mường, chiêng Mường và văn hóa dân gian Mường được thành lập ở 17 xã, thị trấn và hoạt động thường xuyên, hiệu quả góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Huyện cũng quan tâm mở các lớp truyền dạy đánh chiêng Mường, hát thường đang, bọ mẹng… cho thế hệ trẻ. Phối hợp Sở VH-TT&DL mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ cơ sở nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; hướng dẫn thành lập các CLB về DSVH tại các địa phương. Đặc biệt, toàn huyện có 2 nghệ nhân được Nhà nước công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú là bà Bạch Thị Đào (xóm Bèo, xã Xuân Thủy) và ông Bùi Tiến Xô (thôn 168, xã Vĩnh Tiến).

Đồng chí Nguyễn Vũ Hoà, Trưởng phòng VH-TT huyện Kim Bôi cho biết: Nhằm bảo tồn, phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa dân tộc Mường, UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị nổi bật của các di sản văn hóa bằng nhiều hình thức nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường trên địa bàn.



Mạnh Cường

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Giải ngân 967 triệu đồng thực hiện các hoạt động giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Từ năm 2022 đến nay, thực hiện tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi về đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, huyện Lạc Sơn tích cực triển khai các hoạt động, giải pháp góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Trên 2.100 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Giai đoạn 2021- 2024, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh là trên 2.168 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương 2.035 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 132,3 tỷ đồng.

Huyện Cao Phong: Trên 77 tỷ đồng đầu tư các công trình vùng dân tộc thiểu số

Từ năm 2019-2024, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Cao Phong đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc 4 dự án.

Anh Triệu Văn Hội - Trưởng xóm người Dao gương mẫu

Đồng chí Đặng Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Đú Sáng (Kim Bôi) cho biết: Anh Triệu Văn Hội là trưởng xóm gương mẫu, luôn năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bản Dao suối Rèo đổi thay nhờ chính sách dân tộc

Bản Dao Suối Rèo, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) có 84 hộ, 426 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao quần chẹt sinh sống với 3 dòng họ chính là Triệu, Lý, Phùng. Nhờ những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của bà con đổi thay rõ rệt.

Hỗ trợ 1 tỷ đồng cho các nhóm sinh kế của phụ nữ

Từ tháng 3/2024, tại huyện Lạc Sơn, Dự án "Cải thiện chất lượng cuộc sống của các cộng đồng đặc biệt khó khăn tại huyện Đà Bắc và huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình” (Care) do Tổ chức Care tại Việt Nam tài trợ đã khảo sát địa bàn thực hiện dự án tại 2 xã Miền Đồi, Quyết Thắng. 2 xã đã họp xóm, khảo sát nhu cầu thành lập mô hình sinh kế, lựa chọn thành viên và loại hình sản xuất để hỗ trợ thành lập nhóm sinh kế; khảo sát nhu cầu tập huấn, nâng cao năng lực và phát triển sinh kế...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục