Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ làm tốt việc vận động người dân tích cực phát triển kinh tế, mà còn là những nhân tố tích cực góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Ông Bàn Sinh Lương, người có uy tín tại tổ 9, phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình là một tấm gương tiêu biểu trong việc lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc Dao tại địa phương.
Ông Bàn Sinh Lương (thứ 4 từ phải sang) giới thiệu văn hóa dân tộc Dao cho đoàn viên, thanh niên.
Sinh năm 1951, là người dân tộc Dao, năm nay dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Bàn Sinh Lương vẫn năng động, nhiệt huyết với các hoạt động phong trào và có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở địa phương.
Theo dòng chảy của xã hội hiện đại, hiện nay nhiều con em đồng bào Dao không còn mặn mà với bản sắc văn hóa dân tộc. Là người có uy tín, già làng trong tổ, ông Lương trăn trở phải làm thế nào để duy trì bản sắc của người Dao? Nghĩ là làm, vào những ngày nghỉ, nông nhàn, ông thường tranh thủ tổ chức các buổi luyện tập cho con cháu, thanh thiếu nhi trong tổ về các điệu nhảy, múa và hát tiếng dân tộc mình. Ngoài ra, ông tham gia giảng dạy lớp chữ Dao miễn phí do Đoàn Thanh niên phường Thống Nhất tổ chức cho trên 300 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Với sự ân cần, chỉ bảo tận tình của ông Lương, đến nay đã có nhiều bạn trẻ quay lại với truyền thống của đồng bào mình.
Được biết, từ khi còn trẻ, ông Lương đã tìm đến các cụ thông thạo chữ dân tộc Dao để học thêm chữ và các bài thực hành nghi lễ trong các dịp lễ, Tết. Vừa học, ông vừa sưu tầm, tìm đọc sách, rồi chép lại. Đến nay, ông đang cất giữ 47 cuốn sách cổ. Từ số sách này, ông đã sao chép toàn bộ lại, rồi đóng quyển cẩn thận để lưu giữ cho đời sau. Cùng với đó, ông còn thực hành thành thạo nghi lễ cúng trong các dịp quan trọng của người Dao như: lễ thanh minh, cơm mới, cấp sắc, tết nhảy, tơ hồng, đám chay, tạ mả, lễ hạ điền, thượng điền...
Không những vậy, ông còn là người tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Bàn Sinh Lương chia sẻ: "Người có uy tín, già làng, trưởng bản có vai trò, trách nhiệm rất lớn. Mình phải vận động bà con chấp hành chủ trương, chính sách, cái gì có lợi cho dân thì làm. Tất cả thành công là do công tác dân vận. Mình khéo vận động thế nào để bà con hiểu và mình tận dụng mọi thời cơ. Ví dụ, khi có hội nghị tổng kết hoặc ngày lễ, Tết, mình tận dụng tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với dân”. Nhờ vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc, ông Bàn Sinh Lương đã phát huy vai trò quan trọng của người có uy tín trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, xóa các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, cùng đồng bào Dao xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa, ông Bàn Sinh Lương đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tập quán xã hội và tín ngưỡng); được các cấp trong tỉnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Trên cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở địa phương.
Nguyễn Yến
Phòng Dân tộc thành phố Hoà Bình
Được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 xã Đồng Môn, An Lạc và Liên Hoà, xã Thống Nhất (Lạc Thuỷ) hiện có trên 6.500 nhân khẩu, trong đó gần 74% là người dân tộc Mường. Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và địa phương, cuộc sống của người dân trên địa bàn xã từng bước được cải thiện, cuộc sống ấm no, diện mạo nông thôn khang trang.
Không phải ngẫu nhiên khi ông Sùng A Dếnh ở bản Thung Mặn, xã Hang Kia (Mai Châu) được người dân ví như cây đại thụ, tỏa bóng, che chở bản làng. Bằng những việc làm ý nghĩa, ngày nối ngày ông tiếp tục góp phần mang lại sự bình yên cho quê hương.
Nằm ở cuối huyện Lương Sơn, xóm Suối Bến, xã Liên Sơn có 70 hộ, 340 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao. Do địa hình bao bọc bởi núi cao, diện tích đất canh tác ít nên nguồn thu nhập chính của xóm dựa vào rừng. Ngoài nguồn thu nhập từ 150 ha giữ rừng, bà con nơi đây trồng cây lâm nghiệp, măng và ngô. Với lợi thế gần Hà Nội, đường giao thông, những năm gần đây, xóm phát triển cây củ riềng gia vị.
Bà Bùi Thị Sừ, 68 tuổi ở xóm Lâu Kỵ, xã Tân Lập (Lạc Sơn) là tấm gương sáng của người phụ nữ dân tộc Mường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Từ việc gìn giữ nghề dệt vải, đến vai trò tiên phong trong các phong trào xã hội, bà đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ cao tuổi trong xây dựng cộng đồng. Với nghị lực vượt khó và tinh thần trách nhiệm cao, bà xứng đáng là hình mẫu phụ nữ thời đại mới, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh.
Từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Cao Phong vượt lên khó khăn, phát triển kinh tế để cải thiện thu nhập.
Quyết Chiến là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc. Toàn xã có 367 hộ, trên 1.700 nhân khẩu, trong đó trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được cấp ủy, chính quyền xã chú trọng triển khai, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.