(HBĐT) - Tại cuộc thi "Thách thức sáng kiến kinh doanh năm 2022” do Hội Liên hiệp thanh niên các tỉnh: Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu phối hợp với AEA Việt Nam tổ chức, cô gái người Dao Tiền Lý Thị Hằng ở xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã xuất sắc giành giải bạc với dự án "Củng cố và phát triển sản phẩm thổ cẩm xóm Sưng”. Dự án với ý tưởng khôi phục, gìn giữ và phát huy các sản phẩm thổ cẩm để nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định, đồng thời quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc đến với du khách trong nước và quốc tế.


Chị Lý Thị Hằng (giữa) chia sẻ kinh nghiệm cùng các thành viên tổ hợp tác về các sản phẩm thổ cẩm tại xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Trong căn phòng rộng chừng hơn 10 m2, ánh mắt chăm chú, bàn tay khéo léo của những người phụ nữ người Dao Tiền thêu dệt nên những sản phẩm thổ cẩm đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Qua tìm hiểu được biết, những phụ nữ Dao Tiền này được tiếp xúc và học thêu, vẽ sáp ong từ khi chưa tròn 10 tuổi. Các sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ đời sống gia đình.

Chị Lý Thị Hằng, tổ trưởng tổ hợp tác (THT) sản phẩm thổ cẩm xóm Sưng chia sẻ: "Là nơi sinh sống tập trung của người Dao Tiền, xóm Sưng có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và nét văn hóa độc đáo, tinh thần đoàn kết. Năm 2017, xóm được lựa chọn triển khai mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ). Bình quân mỗi năm, điểm DLCĐ xóm Sưng tiếp đón trên 2.000 lượt du khách đến thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm, trong đó du khách quốc tế chiếm trên 90%. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn có, chúng tôi thành lập THT sản phẩm thổ cẩm xóm Sưng vào năm 2019 với mục đích khôi phục, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Vừa quảng bá, giới thiệu với du khách về những tinh hoa thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao Tiền, vừa giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập từ phát triển DLCĐ, cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Với lợi thế được truyền dạy nghề truyền thống từ nhỏ nên phụ nữ Dao Tiền sử dụng thành thạo các kỹ năng thêu, nhuộm, vẽ sáp ong. Một số sản phẩm được cung cấp ra thị trường như: các loại túi đeo thời trang, bao đựng ipad, laptop, ví mỹ phẩm, khăn quàng, băng đô, thảm trải sàn, vỏ gối, khăn trải bàn… Nét độc đáo của sản phẩm là được sản xuất thủ công bởi những cô gái người Dao với chất liệu sẵn có từ thiên nhiên, được lưu truyền qua bao đời nay. Mỗi họa tiết, hoa văn trang trí trên sản phẩm thổ cẩm đều mang câu chuyện truyền thuyết gắn liền với nguồn cội, đời sống văn hóa, tinh thần đoàn kết của người Dao Tiền.

"Tham dự cuộc thi "Thách thức sáng kiến kinh doanh năm 2022” với mong muốn huy động nguồn lực để thực hiện ý tưởng củng cố, khôi phục nghề dệt thổ cẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao, THT sản phẩm thổ cẩm xóm Sưng đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp trong việc lưu giữ các giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên THT được tham gia tập huấn nâng cao năng lực, trang bị kỹ năng xây dựng ý tưởng, thiết kế… Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội, trang thương mại điện tử. Thông qua điểm DLCĐ trên địa bàn xóm để giới thiệu sản phẩm, giúp du khách trực tiếp xem hoặc tham gia quy trình sản xuất các sản phẩm dệt thổ cẩm" - chị Hằng cho biết thêm.

Đồng chí Đinh Thái Sơn, Bí thư Huyện Đoàn Đà Bắc chia sẻ: "Ý tưởng khôi phục, bảo tồn và phát triển các sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của người Dao Tiền được chị Lý Thị Hằng triển khai được đánh giá là một trong những mô hình khởi nghiệp ấn tượng. Việc thúc đẩy phát triển mô hình nhằm quảng bá văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao, đồng thời giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Thời gian tới, Huyện Đoàn mong muốn trên địa bàn có nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, đặc biệt đối với thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều ý tưởng sáng tạo. Qua đó phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, sáng tạo, tiên phong trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh”.

 Đức Anh


Các tin khác


Thắp lửa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên xã Ngọc Lương

(HBĐT) - Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã Ngọc Lương (Yên Thủy) luôn khát khao lập thân, lập nghiệp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, không ngừng đóng góp ý tưởng khởi nghiệp, thi đua lao động sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuổi trẻ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Tuổi trẻ thị trấn Mãn Đức thi đua khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Có lợi thế vị trí địa lý nằm ở khu vực trung tâm huyện với hệ thống đường giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không ngừng nỗ lực sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Đoàn phường Thái Bình tiếp lửa phong trào khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Phường Thái Bình (TP Hòa Bình) có trên 2.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó khoảng 400 ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Thành công từ nuôi cấy đông trùng hạ thảo

(HBĐT) - Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, trường Đại học Lâm nghiệp, anh Ngô Kim Quyền, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) đã thành công với ý tưởng nuôi cấy đông trùng hạ thảo (ĐTHT), một trong những thảo dược quý có giá trị kinh tế cao. Bước đầu mô hình đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Quyền, đồng thời "thổi lửa” thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn.

Bí thư chi đoàn với khát vọng khởi nghiệp từ du lịch cộng đồng

(HBĐT) - Là Bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt huyết và sáng tạo, Vì Thị Đích Mai ở tiểu khu 1, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) luôn nung nấu ước mơ quảng bá, giới thiệu về những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái đến với bạn bè bốn phương. Khởi nghiệp từ năm 2018 với mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) homestay, Vì Thị Đích Mai đã dần khẳng định được uy tín, thương hiệu với du khách thập phương. Từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương, đồng thời thỏa niềm mong ước làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Tín dụng chính sách - điểm tựa giúp thanh niên khởi nghiệp

(HBĐT) - Những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã nỗ lực làm tốt công tác ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), qua đó, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ngày càng nhiều ĐVTN có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục