Anh Bùi Văn Liêm, Bí thư Chi đoàn xóm Rộc, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) phát triển hiệu quả mô hình chăn nuôi đại gia súc.
Không những gương mẫu, sôi nổi tham gia các phong trào xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, anh Bùi Văn Liêm, Bí thư Chi đoàn xóm Rộc còn được biết đến là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương. Mô hình chăn nuôi đại gia súc của anh được thực hiện từ năm 2016 với số vốn 11 triệu đồng tiền mua con giống. Đến nay phát triển tổng đàn 11 con, trung bình mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 3 - 4 con trâu, bò. Ngoài ra, anh còn chú trọng chăn nuôi gà, lợn để nâng cao thu nhập. Năm 2020, tổng thu nhập từ các mô hình kinh tế đạt khoảng 100 triệu đồng.
Anh Liêm chia sẻ: Với mong muốn nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình, tôi luôn tìm tòi, học hỏi áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, với vai trò là Bí thư chi đoàn, tôi muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến ĐVTN; tích cực phát huy vai trò, sức trẻ trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Xã Ngọc Sơn có gần 600 ĐVTN, sinh hoạt tại 7 chi đoàn. Xác định ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và xóa đói, giảm nghèo, thời gian qua, Đoàn xã tăng cường tuyên truyền, vận động ĐVTN năng động, sáng tạo, tận dụng lợi thế là trung tâm cụm xã vùng cao để phát triển, mở rộng quy mô các mô hình kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm, đại gia súc, kinh doanh dịch vụ thương mại, trồng cây có múi…
Vấn đề đặt ra đối với lực lượng ĐVTN xã trong phong trào thi đua khởi nghiệp sáng tạo là địa bàn vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn; diện tích đất canh tác ít, địa hình chủ yếu đồi, núi cao; khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên hứng chịu thiên tai. Hiện nay, các mô hình khởi nghiệp của ĐVTN trên địa bàn xã chủ yếu là thuần nông, chưa có nhiều ý tưởng sáng tạo, cách làm hay. Nguồn vốn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất còn hạn hẹp; thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức sản xuất. Sau khi tốt nghiệp THPT, trên 50% ĐVTN lựa chọn việc rời quê hương để đi làm thuê ở các khu, cụm công nghiệp tại các thành phố lớn.
Để tạo cơ hội cho lực lượng ĐVTN phát huy sức sáng tạo, định hướng phát triển kinh tế, từ đầu năm đến nay, Đoàn xã phối hợp các ngành, đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tham gia các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn huyện. Đầu tháng 7 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ cho trên 30 ĐVTN xã về các ngành nghề phù hợp năng lực, điều kiện thực tế tại cơ sở. Ngoài ra, Đoàn xã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện giải quyết nguồn vốn vay cho các hộ, trong đó nhiều đối tượng là ĐVTN.
Đồng chí Bùi Văn Hiệu, Phó bí thư Đoàn xã cho biết: "Thời gian tới, Đoàn xã tiếp tục tuyên tuyền, vận động ĐVTN phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế đem lại thu nhập ổn định. Mong muốn chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể khai thác tiềm năng, lợi thế để đầu tư, xây dựng các dự án giải quyết nguồn lực ĐVTN. Đồng thời, tạo điều kiện cho thanh niên được tiếp cận nguồn vốn, tiến bộ KHKT áp dụng vào sản xuất. Qua đó, lan tỏa phong trào thi đua khởi nghiệp sáng tạo, khẳng định vai trò của ĐVTN trong xây dựng quê hương, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Đức Anh