Tuổi trẻ xã Tây Phong sôi nổi phong trào khởi nghiệp sáng tạo
Thứ năm, 23/4/2020 | 9:24:18 Sáng
(HBĐT) - Đoàn Thanh niên xã Tây Phong (Cao Phong) hiện có 140 đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN), sinh hoạt tại 9 chi đoàn. Thời gian qua, ĐV-TN trên địa bàn đã mạnh dạn tìm tòi, khởi nghiệp với những cách làm hay, sáng tạo. Qua đó từng bước khẳng định là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phong trào phát triển KT-XH, góp sức trẻ xây dựng quê hương giàu mạnh.
Bí thư chi đoàn phố Bằng Lê Việt Cường (trái), xã Tây Phong (Cao Phong) khởi nghiệp thành công với mô hình kinh doanh điện máy.
Đến thăm cửa hàng điện máy nằm trên quốc lộ 6 của Bí thư chi đoàn phố Bằng Lê Việt Cường, chúng tôi thực sự ấn tượng với cơ ngơi của chàng trai 26 tuổi. Nắm bắt nhu cầu thị trường, tháng 7/2017, Cường mạnh dạn bỏ vốn gần 600 triệu đồng để mở cửa hàng kinh doanh điện máy, thời điểm đó, Cường chưa tốt nghiệp đại học. Số vốn này một phần của Cường tích lũy được trong 3 năm đi làm thêm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, còn lại là gia đình hỗ trợ. Cường xác định các sản phẩm điện máy, điện lạnh, nội thất là nhu cầu thiết yếu của khách hàng trong xây dựng. Hiện, cửa hàng điện máy của Cường là địa chỉ tin cậy, thu hút nhiều khách hàng trên địa bàn xã và các vùng lân cận.
Chia sẻ về những khó khăn khi bắt tay vào khởi nghiệp, Lê Việt Cường cho biết: "Uy tín là vấn đề trăn trở lớn nhất đối với tôi khi bắt tay vào kinh doanh. Tôi luôn mong muốn đưa đến tay người tiêu dùng các sản phẩm uy tín, chất lượng đảm bảo và giá tốt. Để giải quyết vấn đề này, cửa hàng tôi luôn chú trọng vào việc tư vấn về nhu cầu của khách hàng, quan tâm đến vấn đề bảo dưỡng sản phẩm. Đồng thời vào dịp lễ, Tết trong năm tổ chức chương trình tri ân khách hàng, trao tặng các phần quà có giá trị như xe máy, ti vi… Năm 2019, số lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường cao hơn hẳn so với giai đoạn 2017 - 2018, lợi nhuận đạt khoảng 300 - 350 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình hiện giải quyết việc làm cho 3 lao động, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Trên địa bàn xã hiện có nhiều ĐV-TN dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế. Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có về cây có múi, nhiều ĐV-TN cùng gia đình vay vốn, mở rộng quy mô vườn. Toàn xã hiện có 50 ĐV-TN phát triển mô hình trồng cây có múi. Trong đó, trên 20 hội viên thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm.
Để tạo sức lan tỏa trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời có những hỗ trợ cho ĐV-TN khi khởi nghiệp, Đoàn xã phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức 4 – 5 buổi tập huấn/năm về trồng trọt, chăn nuôi. Hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao KHCN ứng dụng vào quá trình sản xuất. Hiện, Đoàn xã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện quản lý 5 tổ vay vốn, tạo điều kiện cho ĐV-TN có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay.
Đồng chí Bùi Đức Vọng, Bí thư Đoàn xã Tây Phong khẳng định: "Phong trào khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương trong thời gian qua nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ ĐV-TN. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế về cách làm, lựa chọn ý tưởng khởi nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong thời gian tới, Đoàn xã tiếp tục tuyên truyền, vận động ĐV-TN năng động, sáng tạo, tìm tòi các mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả cao. Qua đó thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong ĐV-TN, phát huy vai trò tiên phong trong phát triển KT-XH”.
(HBĐT) - Trong bối cảnh thị trường nông nghiệp tràn lan thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hợp tác xã (HTX) 3T nông sản Cao Phong (3T Farm), trụ sở tại số nhà 91, khu 1, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) ra đời với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm cam sạch, chất lượng và an toàn cho sức khỏe.
(HBĐT) - Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) "Gà Lạc Thủy” vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu "Gà Lạc Thủy” - sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Lạc Thủy.Người dân xã Phú Thành đầu tư nuôi giống gà Lạc Thủy theo quy mô gia trại cho thu nhập cao, ổn định.
(HBĐT) - Đoàn công tác UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có chuyến đến Hòa Bình, trực tiếp đến vùng dổi Chí Đạo (Lạc Sơn) để mục sở thị cách trồng, giá trị, hiệu quả kinh tế của loài cây quý. Thời điểm đoàn đến thăm quan, tìm hiểu mô hình đúng lúc người dân vùng dổi hân hoan đón vụ thu hoạch.
(HBĐT) - Những trái ớt rừng nhỏ, có vị cay dịu, thơm, giòn đặc trưng của núi rừng Phú Lương (Lạc Sơn) đang được tổ hợp tác (THT) ớt rừng Phú Lương phát triển thành sản phẩm hàng hóa, kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu đặc sản của địa phương trụ vững trên thị trường. Năm 2020, Lạc Sơn dự kiến đưa sản phẩm ớt rừng Phú Lương là sản phẩm OCOP của huyện.
(HBĐT) - Là một hội viên phụ nữ năng nổ, nhiệt tình, chịu khó, không ngừng học hỏi, phấn đấu vươn lên và có ý thức trách nhiệm trong công việc, chị Quách thị Điệp, Trưởng nhóm rau hữu cơ Lầm Trong, xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi) là một tấm gương điển hình trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trồng trọt và chăn nuôi hữu cơ.
(HBĐT) - Nhằm giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong, huyện Cao Phong đã chú trọng triển khai mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP và tăng cường xúc tiến, quảng bá thương hiệu để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Từ khi triển khai đến nay, chuỗi cam VietGAP đã cho năng suất, chất lượng hơn hẳn so với cam được trồng theo hướng truyền thống.