Con đường Hạnh Phúc kết nối cao nguyên đá Đồng Văn với mọi miền của Tổ quốc, là biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của con người vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Con đường Hạnh Phúc có chiều dài khoảng 185 km, bắt đầu từ thành phố Hà Giang xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn và kết thúc tại điểm giao với quốc lộ 34 thuộc xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Đây là cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam đồng thời cũng là cung đường du lịch "độc nhất vô nhị” trên đất nước tươi đẹp hình chữ S.
Cuối năm 2019 đánh dấu mốc thời gian 60 năm (1959 - 2019) khởi công xây dựng con đường Hạnh Phúc. Để mở đường, hơn 1.300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định đã phải cậy, đục, khoét, vác gần 3 triệu m3 đá bằng những dụng cụ thô sơ như búa, xẻng, xà beng... Đoạn khó nhất của toàn tuyến là 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, chính là con đèo Mã Pí Lèng với mức độ hiểm trở đúng như cái tên đầy tính tượng hình của nó: Mã Pí Lèng dịch từ tiếng địa phương nghĩa là "sống mũi con ngựa”. Chuyện kể rằng, con đèo có dốc cao thẳng đứng như sống mũi của con ngựa này đã khiến những con ngựa khỏe nhất cũng phải tắt thở trước khi lên đến đỉnh đèo! Thách thức là thế, vậy mà quyết tâm hoàn thành con đường qua đèo, hàng nghìn thanh niên xung phong đã thay nhau treo mình trên vách đá lưng chừng trời để đục từng thớ đá, lỗ mìn, mở thêm từng centimet đường. Bằng cách đó và kiên trì trong gần 2 năm, đoạn đường đã hình thành. Toàn bộ con đường được xây dựng qua hơn 6 năm (1959 - 1965) từ công sức của hàng vạn con người với hàng triệu ngày công lao động, trong đó, có cả xương máu của 14 thanh niên xung phong đã nằm lại nơi này... Mang trong mình nhiều hoài bão và kỳ vọng, đường Hạnh Phúc ngày nay vẫn thể hiện vẹn nguyên sức mạnh bất khuất của con người đã xuất sắc chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, tự hào kết nối miền biên viễn cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc.
Dừng chân tại dốc Thẩm Mã nằm trên cung đường Hạnh Phúc, du khách được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và thích thú với sự đáng yêu của các em bé Hà Giang.
Trải nghiệm con đường Hạnh Phúc đã mang tới cho chúng tôi những ấn tượng không thể quên. Bởi, chạy dọc theo con đường hàng trăm km một bên là vực sâu hun hút, một bên là dãy núi đá tai mèo dựng đứng, sắc nhọn, liên tiếp những khúc cua tay áo nguy hiểm khó lường, liên tiếp phải vượt qua những con đèo cao vút như Bắc Sum, Cổng Trời, Cán Tỷ, Mậu Duệ... Đặc biệt, "tứ đại đỉnh đèo” Mã Pí Lèng đã hoàn toàn chinh phục đoàn khách phương xa với vẻ đẹp vô cùng ngoạn mục và cuốn hút, quả xứng là một trong những "đệ nhất hùng quan” nổi tiếng của đất nước Việt Nam.
"Tôi không thể nào quên cảm giác choáng ngợp khi đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng nhìn xuống hẻm vực sông Nho Quế. Cực kỳ ấn tượng!” - Đó là lý do khiến anh Nguyễn Huy Cường (Gia Lâm, Hà Nội) quyết định quay trở lại Hà Giang. Với tay lái dạn dày kinh nghiệm của anh Cường, chúng tôi hào hứng vượt đèo, hào hứng đi trên cung đường uốn lượn như con rắn vắt mình từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Xe dừng lại để chúng tôi đi bộ lên đỉnh đèo Mã Pí Lèng - nơi có độ cao lên tới 2.000 m. Đứng ở đây, thấy dường như có thể giơ tay níu được áng mây trắng xốp đang treo lên bầu trời trong vắt trên kia. Rồi khi nhìn xuống dòng sông Nho Quế, cảm giác như mình là gã khổng lồ vừa cầm bút vẽ ra nét chữ mảnh mai và mềm mại phía dưới thung lũng. Màu xanh của sông Nho Quế là màu xanh đặc biệt nhất mà tôi đã từng thấy! Có lẽ nó phải đặc biệt đến thế để mang trong mình một huyền thoại đã có tự ngàn đời? Hay để xứng đáng trở thành biểu tượng vô song của cao nguyên đá Đồng Văn?
Đến nay, đã hơn 10 năm Mã Pí Lèng được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, cũng chừng đó thời gian con sông Nho Quế được ngăn dòng để xây dựng hai nhà máy thủy điện có công suất lớn ở khu vực phía Bắc. Những kiệt tác thiên nhiên nơi cực Bắc xa xôi của Tổ quốc đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút hàng triệu du khách đến với Hà Giang.
Thống kê từ năm 2010 - khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là "Công viên địa chất toàn cầu” đến nay, tỷ lệ tăng trưởng du khách và doanh thu từ du lịch hàng năm của Hà Giang đều đạt trên 10%/năm. Mỗi năm có trên 1 triệu lượt du khách đến với Hà Giang, trong đó có những người đã quay trở lại nhiều lần vì hoàn toàn bị chinh phục bởi cảnh sắc, con người và cách làm du lịch của nơi này.
Sông Nho Quế có màu xanh đặc biệt,chảy quanh đá núi cao vời vợi, tạo nên một kiệt tác sơn thủy hữu tình của cao nguyên đá Đồng Văn.
"Tôi đã "phải lòng” Hà Giang đến mức mỗi năm nhất định phải đến đây một lần...” - anh Vũ Hoàng Hiếu (Việt Trì, Phú Thọ) cho biết. Năm nay, anh Hiếu tham gia đoàn phượt thủ đồng hương gồm 16 người để đến Hà Giang. Trong hành trình 3 ngày 2 đêm, họ đã có những trải nghiệm kỳ thú khi cùng nhau đổ đèo đi dọc con đường Hạnh Phúc, rồi dừng chân ở dốc Thẩm Mã, rẽ vào bãi đá di chỉ khảo cổ ở huyện Xí Mần, ghé thăm phố cổ Đồng Văn, trekking khám phá hẻm Tu Sản, thong thả đi thuyền trên sông Nho Quế, tìm hiểu khu di tích kiến trúc nhà Vương và Làng Văn hóa Du lịch Lũng Cẩm ở thung lũng Sủng Là, ngắm bạt ngàn hoa tam giác mạch ở Lũng Táo... Càng đi, càng thấy Hà Giang đẹp tuyệt vời với cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, cùng với đó là sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc bản địa. Riêng đối với anh Hiếu, mặc dù đã đi nhiều lần nhưng cảm giác vẫn tươi mới vẹn nguyên. Nhất là tại điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình: Cột cờ Lũng Cú - nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc.
Cột cờ Lũng Cú nằm ở độ cao trung bình 1.600 m so với mặt biển, là điểm có vĩ độ cao nhất trên bản đồ của Việt Nam. Đứng trên đỉnh Lũng Cú có thể nhìn bao quát quanh cảnh hùng vĩ của cả vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Phóng tầm mắt ra bao la đất trời và trập trùng núi đá, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp trước cảnh sắc ngoạn mục của nơi này, cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa thiên nhiên vĩ đại. Phía trên cao, lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh giữa bầu trời bình yên và lộng gió càng khiến tôi cảm nhận thật rõ niềm tự hào dân tộc đang hòa nhịp với tình yêu đặc biệt dành cho mảnh đất mình đang đặt chân đến. Chỉ đến khi đứng trong khung cảnh đó với cảm giác thiêng liêng đang tràn ngập trong tim, tôi mới thực sự hiểu tại sao đây lại là điểm du lịch mà ai cũng muốn một lần đặt chân đến, tôi mới thực sự hiểu nỗi lòng của Chế Lan Viên khi thốt lên câu thơ: "Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn…”!
Hà Giang ơi… Đất đã hóa tâm hồn! Nhất định tôi sẽ quay trở lại để một lần nữa được cảm nhận sâu sắc tâm hồn của đá núi Hà Giang, để một lần nữa thực sự hiểu tại sao nhiều người lại say mê Hà Giang đến thế!
Thu Trang