Bài 2 - Nâng tầm du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) -  Sau giấc ngủ dài, những nàng công chúa ven hồ Hòa Bình được đánh thức bằng những chuyến tàu chở khách du lịch ghé thăm. Các xã: Suối Hoa, Tiền Phong, Hiền Lương… trở nên tấp nập, nhộn nhịp. Chủ và khách cùng đồng hành trong hành trình khám phá, chinh phục non nước, núi rừng và tìm hiểu sự độc đáo trong nền văn hóa Hòa Bình. 

 

Khu du lịch cộng đồng Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) là điểm đến lý tưởng, thu hút số lượng lớn khách nước ngoài tới khám phá. 

Tạo đà để du lịch cất cánh

Những chủ trương, đường lối phát triển du lịch là điểm tựa quan trọng giúp du lịch hồ Hòa Bình phát triển. Ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Theo đó, KDL quốc gia hồ Hòa Bình nằm trên địa bàn TP Hòa Bình và 4 huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu.

Để thúc đẩy nhanh sự phát triển của KDL quốc gia hồ Hòa Bình, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia, trong đó đặt mục tiêu: Đến năm 2020, xây dựng KDL hồ Hòa Bình bước đầu đáp ứng các điều kiện trở thành KDL quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản đạt các điều kiện trở thành KDL quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, KDL hồ Hòa Bình trở thành KDL quốc gia có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, phong phú, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; trở thành trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh; là 1 trong 12 KDL trọng tâm của vùng trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ. Từ Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU, các huyện, thành phố ban hành các nghị quyết, văn bản định hướng phát triển du lịch tại các địa phương nằm trong quy hoạch KDL quốc gia hồ Hòa Bình. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự tham gia tích cực của các sở, ngành, KDL quốc gia hồ Hòa Bình đã thu hút được nhiều dự án quan trọng, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng hồ.

Hiện nay, có 8 dự án đầu tư vào KDL hồ Hòa Bình với tổng số vốn lên tới hơn 2.400 tỷ đồng, gồm: dự án du lịch sinh thái Ba Khan, dự án khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình, dự án khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa…

Ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Hòa Bình chia sẻ: Công ty chúng tôi xác định hồ Hòa Bình có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Chính vì vậy, qua nghiên cứu, khảo sát Công ty CP Du lịch Hòa Bình tập trung nguồn lực đầu tư một số dự án trọng điểm trong KDL quốc gia hồ Hòa Bình. Trong đó, dự án KDL bản Ngòi đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn đón khách trong nước và quốc tế, tạo việc làm ổn định cho hàng chục hộ dân trong bản. Công viên nước nổi tại bản Ngòi với 34 cụm trò chơi kết cấu phao nổi trên mặt nước và các môn thể thao dưới nước đã được khai trương. Hiện nay, Công ty đang triển khai dự án KDL thiên nhiên Robinson tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc). Đây là dự án quan trọng của KDL quốc gia hồ Hòa Bình gồm các hạng mục chính: nhà điều hành, biệt thự, khách sạn, bể bơi, trung tâm spa… Trong tương lai, KDL Robinson hứa hẹn là điểm nhấn trên hồ Hòa Bình.

 Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 kết nối quốc lộ 6 tới cảng Bình Thanh, cảng Thung Nai (Cao Phong) và vịnh Ngòi Hoa (Tân Lạc); xây dựng cảng du lịch vịnh Ngòi Hòa theo tiêu chuẩn cấp II tại vị trí cuối tuyến. Cảng rộng 4 ha, phần mặt bằng xây dựng công trình 2 ha, phần vùng mặt nước 2 ha. Cảng được thiết kế đồng bộ các hạng mục như: nhà chờ khách, nhà điều hành, bãi đỗ xe, hệ thống điện chiếu sáng… đủ năng lực đón 12 vạn khách/năm, tàu tải trọng 300 khách... tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm quan khu vực vịnh Ngòi Hoa trên KDL hồ Hòa Bình. Trong KDL hồ Hòa Bình có khoảng trên 300 tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch, trong đó, gần 100 tàu, thuyền đủ điều kiện đã được đăng kiểm phục vụ vận chuyển khách du lịch. KDL hồ Hòa Bình hiện có 1 khách sạn dự kiến công nhận hạng 2 sao; 2 nhà nghỉ và hơn 20 nhà nghỉ cộng đồng tại xóm Ké, xóm Đức Phong, xóm Sưng, huyện Đà Bắc và xóm Ngòi, huyện Tân Lạc.

Khẳng định thương hiệu điểm đến lý tưởng

KDL quốc gia hồ Hòa Bình tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và độc đáo như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch vui chơi giải trí trên mặt hồ, du lịch tâm linh…

Để phát triển du lịch, người dân bản Ngòi, xóm Ké, xóm Đức Phong... luôn ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Người dân nơi đây mến khách, sống chan hòa với thiên nhiên. Phong tục, tập quán cổ xưa của người Mường được giữ gìn qua từng nếp nhà sàn, làn điệu dân ca Mường, màn diễn xướng Mo Mường hay màn trình diễn chiêng Mường đặc sắc của các mế, các chị… Không chỉ có vậy, du khách còn được trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng người dân như: nuôi cá lồng, bắt cá trên sông Đà; khám phá những hang động karst, đi rừng, đua bè mảng, chèo thuyền kayak... Dường như ranh giới giữa chủ và khách không còn, tất cả cùng vào bếp chế biến món ăn truyền thống của người Mường như: cá nướng, gà nấu măng chua, xôi ngũ sắc... Khi màn đêm buông xuống, họ lại tay trong tay bên đống lửa nhảy sạp, uống rượu cần.

Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định: Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều dự án được đầu tư vào KDL quốc gia hồ Hòa Bình góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch tới khám phá các điểm du lịch trên KDL quốc gia hồ Hòa Bình. Từng là một ốc đảo ít người biết đến nhưng giờ đây bản Ngòi, xóm Đức Phong, xóm Ké, xóm Sưng là những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Đặc biệt, KDL cộng đồng Đá Bia là 1 trong 3 KDL của cả nước đạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2018. Giải thưởng đã khẳng định chất lượng, sự chuyên nghiệp của khu du lịch cộng đồng Đá Bia đạt tiêu chuẩn ASEAN.

Từ khi được quy hoạch là KDL quốc gia, KDL hồ Hòa Bình đã khẳng định được vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Số lượng khách trong nước và quốc tế đến hồ Hòa Bình tăng nhanh. Năm 2016, KDL quốc gia hồ Hòa Bình thu hút 447.000 lượt người, trong đó, khách quốc tế 208.000 lượt người, khách nội địa 239.000 lượt người; tổng thu từ du lịch 142 tỷ đồng. Năm 2019 đón 579.000 lượt người (khách quốc tế 266.000 lượt người, khách nội địa 313.000 lượt người); tổng thu từ du lịch đạt 282 tỷ đồng.

 "Từ cảng Bích Hạ đoàn chúng tôi đến khám phá Đá Bia, khi thuyền sắp cập bến xa xa tôi đã nhìn thấy những cô gái duyên dáng trong bộ trang phục dân tộc đánh chiêng chào đón du khách. 2 ngày ở Đá Bia thật ngắn nhưng tôi đã được thư giãn và trải nghiệm cuộc sống của người Mường Ao Tá. Nơi đây còn giữ được nguyên vẹn những gì thuộc về tự nhiên. Tôi cùng đoàn trải nghiệm các dịch vụ đạp xe, đi bộ thăm bản, phục vụ ăn uống tại nhà dân. Điều khiến tôi ấn tượng nhất tại Đá Bia là mặc dù chỉ có 5 hộ làm du lịch nhưng tất cả người dân trong xóm đều tham gia hoạt động du lịch. Người dân thân thiện, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và luôn có ý thức bảo vệ môi trường" - chị Tô Phương Quỳnh, TP Hải Phòng chia sẻ.

Nhờ sự phát triển của du lịch mà những vùng đất khó ven hồ đổi thay, đời sống KT-XH các xã: Suối Hoa, Tiền Phong, Hiền Lương, Cao Sơn… được nâng cao. Nông sản, hàng hóa của người dân vùng hồ được khách du lịch ưa chuộng quảng bá; tình hình ANTT ổn định; giao thông được cải thiện... Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của các xã như Tiền Phong, Hiền Lương tăng lên 18 - 23 triệu đồng.  

 Trong thời gian tới, để KDL quốc gia hồ Hòa Bình tiếp tục khẳng định là điểm đến lý tưởng, tỉnh cần tăng cường công tác tuyên tuyền nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch; xây dựng chính sách, thu hút đầu tư phát triển du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp; tăng cường công tác quảng bá du lịch…



 Thu Thủy

 

Các tin khác


Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch giữa hai tỉnh Hòa Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 5/4, tại thành phố Hoà Bình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình và Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Khám phá đảo thiên đường trên cao nguyên Mộc Châu

Được ví như đảo thiên đường của đại ngàn Tây Bắc, khu du lịch (KDL) Mộc Châu Island thuộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá. Sản phẩm hấp dẫn của KDL là các công trình nhân tạo đồ sộ, mô hình lưu trú độc đáo cùng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới lạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục