Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, có chiều dài khoảng 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh. Khu vực vùng lòng hồ có hàng trăm đảo lớn nhỏ, dọc theo những dãy núi đá vôi là hệ thống hang động với vô vàn khối nhũ đá, mang dáng vẻ và màu sắc huyền ảo. Trên hồ còn có những vịnh nước nhỏ, trong xanh bốn mùa. Hai bên hồ là những cánh rừng bạt ngàn với hệ động, thực vật phong phú. Bên cạnh thiên nhiên kỳ vỹ là những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số với giá trị truyền thống còn nguyên vẹn. Đây là điều kiện để đầu tư, phát triển đa dạng các loại hình du lịch ở vùng lòng hồ sông Đà rộng lớn.
Những năm qua, để thúc đẩy phát triển du lịch trên hồ Hòa Bình, tỉnh đã quan tâm đầu tư về hạ tầng thiết yếu. Người dân chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc truyền thống. Đến nay, với mỗi điểm dừng chân trên vùng lòng hồ rộng lớn đều đem lại trải nghiệm thú vị đối với du khách. Để bắt đầu hành trình thưởng ngoạn trên vùng lòng hồ, du khách có thể lựa chọn nhiều điểm xuất phát. Gần trung tâm TP Hoà Bình nhất là Cảng Bích Hạ. Cảng nằm phía sau Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, rất thuận lợi đưa đón du khách. Ngoài ra, trên lòng hồ còn có bến thuyền Bãi Sang (Mai Châu), Hiền Lương (Đà Bắc), thuận tiện cho du khách lựa chọn hướng xuất phát để khám phá vùng hồ Hoà Bình.
Đặc biệt, từ TP Hoà Bình di chuyển đường bộ khoảng 25 km về hướng Tây Bắc, hành trình khám phá vùng hồ từ Cảng Thung Nai, thuộc xã Thung Nai (Cao Phong). Đây là hồ chứa nước khổng lồ với những hòn đảo nhấp nhô. Tại đây, du khách có thể lựa chọn một số điểm đến phù hợp cho lưu trú, nghỉ ngơi, như: nhà nghỉ Cối Xay Gió, đảo Dừa, đảo Ngọc Xanh. Trong đó, nhà nghỉ đảo Dừa thuộc xã Vầy Nưa (Đà Bắc) được nhiều du khách lựa chọn.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện tại, khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình có trên 100 cơ sở lưu trú, với khoảng 300 phương tiện vận chuyển khách. Trong đó có nhiều bản du lịch cộng đồng du khách không thể bỏ qua mỗi khi du ngoạn vùng lòng hồ, như bản Ngòi, bản của người Mường cổ nằm ven vịnh Ngòi Hoa, thuộc xã Suối Hoa (Tân Lạc); hay trải nghiệm cuộc sống của người Mường Ao Tá tại bản Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc); các điểm du lịch hấp dẫn khác như: xóm Ké, Mó Hém, xã Hiền Lương (Đà Bắc)... Từ các điểm du lịch cộng đồng, du khách có thể đến trải nghiệm đời sống của người dân ở nhiều bản làng khác nằm ven lòng hồ Hoà Bình, như ghé thăm điểm du lịch cộng đồng xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), đây là bản làng của đồng bào Dao Tiền, còn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét văn hoá truyền thống.
Ngoài ra, trên KDL hồ Hoà Bình còn có 2 khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp, gồm: Mai Châu Hideaway và Ba Khan Village Resort. Với những điểm dừng chân hấp dẫn, những năm qua, lượng khách đến tham quan tại KDL hồ Hoà Bình ngày càng tăng. Năm 2022, KDL đã đón 400 nghìn lượt khách, dự báo những năm tiếp theo đạt 500 nghìn lượt khách mỗi năm. Bên cạnh thu hút đầu tư, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch trên KDL vùng hồ Hoà Bình. Theo đó, hàng năm, tỉnh tổ chức các đoàn Famtrip và Presstrip, mời Hiệp hội du lịch của một số tỉnh cùng các công ty lữ hành và cơ quan truyền thông trong, ngoài tỉnh đi khảo sát xây dựng các tour du lịch và tuyên truyền, quảng bá về du lịch của Hòa Bình.
Viết Đào