(HBĐT) - "Ai về viếng cảnh Khánh Hòa/ Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên…”, một phần vì lời thơ trên, một phần vì câu hát "Hoang sơ tháp cổ/ Hoang sơ vũ điệu xưa/ Cong cong năm ngón ngũ hành/ Trăm năm bước mộng du…” trong nhạc phẩm "Mưa bay tháp cổ” của nhạc sĩ Trần Tiến mà lần nào đến với tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi cũng ghé thăm Tháp Bà Ponagar.
Du khách ghi lại những bức ảnh đẹp trong khuôn viên khu di tích Tháp Bà Ponagar.
Lần này cũng vậy! Dẫu không phải dịp lễ hội thường niên nhưng chúng tôi vẫn ghé thăm Tháp Bà để một lần nữa được chiêm ngưỡng quần thể di tích được mệnh danh là biểu tượng du lịch của tỉnh Khánh Hòa.
Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên ngọn đồi Cù Lao có chiều cao, độ dốc khoảng 10m so với mặt nước hiền hòa của dòng sông Cái, thuộc phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang. Tháp được xây dựng khoảng năm 817, thờ nữ vương Po Ina Nagar. Đến đây, du khách được nghe về sự tích Tháp Bà Ponagar đã được Việt hóa, đó là: Thuở xa xưa, trên núi Đại An có đôi vợ chồng nọ sinh sống bằng nghề trồng dưa, tuy đã nhiều tuổi nhưng chưa có con. Mùa dưa chín thi thoảng mất đi vài trái ông lão đã đi rình. Sau nhiều lần theo dõi, ông lão bắt được kẻ trộm, đó là một cô gái xinh đẹp, không có cha mẹ. Thương cho số phận cô gái, vợ chồng lão nông nhận cô làm con nuôi, nhưng ông bà không hề biết cô ấy là tiên nữ giáng trần.
Một thời gian sau mưa lũ đổ về tàn phá cảnh vật ở trần gian khiến cô nhớ lại cõi tiên. Để tái hiện lại quang cảnh cõi tiên, cô gom hoa lá, cây cỏ và những tảng đá làm lên hòn non bộ. Người cha nuôi thấy cảnh đó rất tức giận và quát mắng cô. Hờn dỗi cha nuôi, cô bỏ đi, bắt gặp một khúc kỳ nam (khúc gỗ) trôi giữa dòng sông, cô bèn hóa thân vào nó rồi trôi dạt tới Trung Hoa.
Khi cô trong hình hài của khúc gỗ trôi tới Trung Hoa, người dân nơi đây kéo ra xem rất đông vì khúc gỗ tỏa hương thơm ngào ngạt. Nhiều người muốn mang về nhà nhưng không vác nổi. Nghe dân chúng truyền tai nhau chuyện lạ, vị thái tử nước này đã tới nhấc bổng khúc gỗ mang về. Một hôm, vị thái tử phát hiện có bóng người lạ ở trong cung điện. Lấy làm lạ, thái tử theo dõi, phát hiện đó là cô gái ẩn nấp trong khúc gỗ. Hai người gặp gỡ, chuyện trò, nàng tự xưng với thái tử là Thiên Y A Na rồi kể cho ngài nghe câu chuyện của mình. Đem lòng yêu mến cô gái, vị thái tử xin phép vua cha cho mình được thành thân với nàng. Họ có với nhau 2 người con.
Một ngày kia, Thiên Y A Na nhớ về quê hương và cha mẹ nuôi liền dẫn hai người con hóa vào khúc kỳ nam xuôi ra biển trở về quê nhà. Khi về đến cha mẹ nuôi đã không còn, bà xây mộ cho cha mẹ, sửa lại ngôi nhà để có nơi thờ cúng ông bà. Trở về đây, bà thấy người dân còn nghèo đói, khổ cực liền chia sẻ kiến thức đã tích cóp trong những năm tháng ở xứ Trung Hoa giúp dân chúng biết cách cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải… để cuộc sống ấm no, đủ đầy. Một ngày nọ có con chim hạc to lớn bay tới rước mẹ con bà về trời….
Để tỏ lòng biết ơn nữ thần Ponagar (tiếng Chăm là Mẹ xứ sở), người dân nơi đây đã tạc tượng và xây dựng tháp để thờ cúng. Kiến trúc được kiến tạo bằng tất cả những tinh hoa nghệ thuật trong văn hóa Chăm. Khu đền tháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Chăm. Trong khuôn viên rộng gần 50.000 m2 tháp được phân bố thành 3 tầng: Tầng đầu tiên cũng chính là lối dẫn lên tháp chính với những bậc tam cấp. Tầng thứ hai, còn có tên gọi khác là Mandapa, được tạm hiểu là nhà tĩnh tâm và sửa sang lại quần áo, chuẩn bị lễ vật trước khi dâng cúng. Đi qua 2 tầng trên du khách sẽ tới được Tháp bà Ponagar, ngọn tháp cao nhất hơn 23m, đứng ở vị trí này du khách có thể thu vào tầm mắt khung cảnh thiên nhiên vô cùng kì vĩ. Các tháp đều được xây dựng theo kiểu những viên gạch xây chồng lên nhau rất khít mạch mà không nhìn thấy bất kỳ một chất kết dính nào. Đây là nét độc đáo, bí ẩn mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa khám phá được.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật tiêu biểu, năm 1979, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Tháp Bà Ponagar là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đến thăm Tháp Bà Ponagar, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, tâm linh, du khách còn có dịp tìm hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc, riêng có của đồng bào Chăm. Và đó là lý do mỗi lần đến với Khánh Hòa chúng tôi đều ghé thăm Tháp Bà Ponagar!
Thúy Hằng (CTV)
(HBĐT) - Thác Dray Sap nằm ở ranh giới hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khoảng 39 km về phía Nam. Đây là một trong những thác nước đẹp trên dòng sông Serepok huyền thoại. Theo tiếng Ê Đê, Dray Sap nghĩa là thác khói, còn được gọi với tên khác là thác chồng. Cách đó không xa là thác Dray Nur, được người dân gọi là thác vợ.
(HBĐT) - Từng được biết đến là điểm đến hấp dẫn du khách, đầu năm 2023, du lịch Mai Châu tạo thêm dấu ấn mới khi Giải thưởng Traveller Review Award (giải thưởng nhằm tôn vinh sự nỗ lực, cố gắng và lòng hiếu khách của đối tác) đã công bố Mai Châu - Hòa Bình là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam.
(HBĐT) - Động Tiên Phi nằm trên đỉnh đồi Thúc (còn gọi là đồi Thung Phi), phường Tân Hòa (TP Hòa Bình), được phát hiện năm 1982. Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia từ tháng 6/2000.
UBND tỉnh Cao Bằng Kế hoạch số 2387/KH-UBND về việc tổ chức Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc năm 2023.
(HBĐT) - Là xã có diện tích rộng, đông dân, nhiều nét đặc trưng về văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan nông thôn tươi đẹp, Yên Trị (Yên Thủy) có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, xã xác định để du lịch trở thành mũi nhọn, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế cần có lộ trình với những định hướng, giải pháp hiệu quả.
(HBĐT) - Động Nam Sơn (địa phương gọi là động Tớn) thuộc xã Vân Sơn (Tân Lạc) được công nhận di tích danh thắng cấp quốc gia năm 2008. Trước đó, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và công nhận đây là hang động đẹp nhất trong quần thể các hang động được phát hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, với những khối đá phát triển qua quá trình hình thành khoảng 250 triệu năm.