Mô hình xuất phát từ nhu cầu thực tế và ý nghĩa xã hội lớn
Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Tính đến tháng 12/2016, tổng số người tham gia BHYT toàn tỉnh là 766.665 người, đạt tỷ lệ 92,22%. Hầu hết đối tượng tham BHYT thuộc diện do ngân sách Nhà nước hỗ trợ (được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT) và được sự hỗ trợ từ Dự án NORED cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Mặc dù kết quả đạt được với tỷ lệ khá cao nhưng chưa thực sự bền vững, nhất là công tác vận động mua BHYT theo hộ gia đình của một số địa phương, đặc biệt là các xã vừa ra khỏi Chương trình 135 của Chính phủ và các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM còn gặp nhiều khó khăn.
Hội viên phụ nữ xã Vũ Lâm (Lạc Sơn) hưởng ứng mô hình tiết kiệm mua BHYT.
Với mục đích góp phần đảm bảo tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân đạt 93% vào năm 2020, đặc biệt nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ về quyền, trách nhiệm khi tham gia BHYT; giúp đỡ, tạo điều kiện để hội viên và các thành viên trong gia đình tham gia, hưởng quyền lợi từ BHYT, hướng tới tham gia BHXH tự nguyện, góp phần xoá đói - giảm nghèo, xây dựng NTM và đô thị văn minh; góp phần hình thành thói quen tiết kiệm của chị em gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó thể hiện sâu sắc tinh thần tương thân, tương ái, đạo lý nhân nghĩa của dân tộc...
Từ đầu năm 2017, Hội LHPN tỉnh có kế hoạch xây dựng và triển khai mô hình "Vận động phụ nữ tiết kiệm mua BHYT – vì sức khoẻ gia đình”; thống nhất ban hành quy chế phối hợp thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT giai đoạn 2017-2020. Giữa tháng 5/2017, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN huyện Lương Sơn ra mắt mô hình "Vận động phụ nữ tiết kiệm mua BHYT – vì sức khoẻ gia đình” tại xã Tân Vinh. Từ mô hình điểm này, đến nay, các địa phương trong tỉnh triển khai nhân rộng và nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên phụ nữ.
Xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng thành phong trào
Mô hình điểm "Vận động phụ nữ tiết kiệm mua BHYT – vì sức khoẻ gia đình” được xây dựng tại xã Tân Vinh (Lương Sơn), xã có tỷ lệ hội viên phụ nữ và người dân tham gia BHYT thấp (61%) và có chiều hướng giảm. Mô hình được thành lập với 15 thành viên, là những hội viên chưa tham gia đóng BHYT. Mỗi thành viên đóng 200.000 đồng /tháng quay vòng vốn, mỗi tháng giúp từ 2 hội viên trở lên có điều kiện để mua BHYT. Mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực của các hội viên. Nhiều hội viên phụ nữ các chi hội khác trong xã Tân Vinh cũng học tập, làm theo. Hội LHPN xã tin tưởng mục tiêu phấn đấu đặt ra là hàng năm vận động hội viên phụ nữ, nhân dân tham gia mua BHYT tăng từ 1-2% không khó để đạt được. Cùng với thành lập mô hình điểm, Hội LHPN huyện Lương Sơn còn tổ chức hội thảo chuyên đề về vận động phụ nữ mua BHYT tại xã Trung Sơn; phối hợp với BHXH huyện ký hợp đồng thu mua BHYT trên địa bàn huyện với các nội dung thỏa thuận cụ thể, qua đó góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và nhân dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT, đồng thời góp phần lan tỏa sâu rộng việc thúc đẩy thực hiện mô hình trong toàn huyện.
Từ mô hình điểm tại huyện Lương Sơn, hiện toàn tỉnh có 14 mô hình với 249 thành viên tham gia. Tại 11 huyện, thành phố đều có văn bản ký kết thực hiện mô hình và tổ chức 21 lớp tập huấn, tuyên truyền cho trên 2.000 hội viên. Với mức đóng bình quân từ 80.000 -100.000 đồng /thành viên, các mô hình điểm tại các huyện đã hỗ trợ mua 208 thẻ BHYT cho 208 chị.
Xác định tính chắc chắn, bền vững của mô hình
Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để thực hiện mô hình thành công và mang tính bền vững, Hội LHPN tỉnh đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể và có hướng dẫn phương pháp, cách thức xây dựng, thực hiện mô hình. Trong đó chú trọng các nội dung chủ yếu như: tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật BHYT tới 100% hội viên phụ nữ. Việc tuyên truyền rất quan trọng bởi chị em là người giữ "tay hòm chìa khóa” trong gia đình nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của việc tham gia mua BHYT thì mới tích cực, tự nguyện tham gia mua BHYT cho mình và người thân.
Bên cạnh công tác tuyên truyền cần tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền BHYT, BHXH cho 90% trở lên cán bộ, phụ nữ từ chi hội. Trong năm 2017, mỗi huyện, thành phố chọn 1 cơ sở để xây dựng mô hình điểm. Cần chọn những địa bàn có tỷ lệ hội viên, phụ nữ tham gia BHYT thấp, nhận thức về BHYT còn hạn chế. ưu tiên tập trung các xã chuẩn bị về đích NTM, các xã mới ra khỏi Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt phải rà soát, thống kê số lượng hội viên, phụ nữ chưa mua BHYT và tìm hiểu kỹ nguyên nhân hội viên, phụ nữ chưa tham gia; thành lập tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm. Mỗi tổ, nhóm nên có ít nhất từ 15-20 thành viên (lưu ý vận động phụ nữ thuộc các hộ chưa tham gia BHYT), hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội LHPN xã hoặc chi hội. Hình thức tiết kiệm quay vòng có thể theo ngày, tháng, quý hoặc có thể phát động theo đợt nhân các ngày lễ, kỷ niệm. Mức tiết kiệm do tổ, nhóm hoặc chi hội thống nhất và quyết định (mức tối thiểu 50.000 đồng /hội viên / tháng x hội viên = hỗ trợ mua thẻ cho 1 - 2 hội viên). Các chi hội, mô hình tham gia sinh hoạt định kỳ vào một ngày nhất định trong tháng. Tại buổi sinh hoạt tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động, tìm hiểu về Luật BHYT, BHXH, các văn bản liên quan, lựa chọn hội viên, phụ nữ và hộ gia đình để hỗ trợ, giúp đỡ mua BHYT…
Để hỗ trợ cho việc mua, cấp thẻ BHYT cho hội viên, phụ nữ được thuận lợi, Hội LHPN tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh, huyện, các đại lý thu BHYT, từ đó kịp thời nắm bắt khó khăn, theo dõi chặt chẽ số lượng hội viên, phụ nữ tham gia mua BHYT tại các cơ sở để tư vấn việc mua tiếp, mua mới, đặc biệt là ở những cơ sở tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp.
Hồng Duyên
* Cần hơn nữa sự tận tâm, trách nhiệm và ủng hộ mô hình
Nguyễn Thị Duyên
Chủ tịch Hội LHPN huyện Lương Sơn
Thực hiện mô hình "Vận động phụ nữ tiết kiệm mua BHYT” vẫn còn nhiều khó khăn như: Nhiều phụ nữ không muốn tham gia mô hình vì cho rằng, có tiền thì họ tự mua luôn, không cần phải thông qua Hội Phụ nữ, không cần góp tiền hàng tháng rồi chờ đợi đến lượt mình, mất thời gian và phức tạp...
Nếu cán bộ Hội không tận tâm với phong trào, không phát huy tinh thần trách nhiệm và sự cần cù, nhẫn nại thì mô hình không thể thành công và duy trì bền vững. Chính vì vậy rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của các ngành, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với ngành bảo hiểm để tiếp tục triển khai, duy trì mô hình. Phải tuyên truyền để phụ nữ và người dân thấy được việc mua BHYT không chỉ là sự cần thiết đối với chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình mà còn là điều bắt buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
* Tiếp tục nhân rộng mô hình trong toàn xã
Bùi Thị Thương
Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Lâm (Lạc Sơn)
Là xã đạt chuẩn NTM, tuy nhiên, tỷ lệ người dân tham gia BHYT lại giảm do lượng người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã không được cấp BHYT như trước. Cùng với đó là nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và người dân trong xã cần có BHYT, xã Vũ Lâm đã quyết tâm thực hiện mô hình "Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua BHYT - Vì sức khỏe gia đình” và thành lập mô hình điểm tại xóm Sơ.
Việc triển khai mô hình không chỉ phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho gia đình hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn khi ốm đau, bệnh tật, mô hình còn làm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của hội viên, phụ nữ và nhân dân về việc thực hành tiết kiệm mua BHYT, nâng cao ý thức và chủ động đi khám bệnh để chăm lo sức khỏe. Mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực của các thành viên tham gia và hội viên, phụ nữ tại xã. Hiện nay, xã đã nhân rộng được 3 mô hình và tiếp tục khảo sát nhu cầu tại các chi hội, từ đó nhân rộng trong toàn xã.
* Mô hình giúp nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm
Ngô Thị Phương
Xóm Lạc Vượng, xã Yên Lạc (Yên Thủy)
Xưa nay, nhắc tới vấn đề tảo hôn, người ta thường nghĩ đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số với phong tục tập quán còn ít nhiều lạc hậu hoặc trình độ hiểu biết hạn chế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tảo hôn đang trở thành vấn nạn khó kiểm soát tại tỉnh ta, không phân biệt vùng miền, dân tộc.