(HBĐT) - Theo hơi ấm bếp lửa, theo tiếng khèn gọi mùa xuân, ngày đầu năm mới theo phong tục đón Tết của đồng bào người Mông, chúng tôi về bên bếp lửa cùng uống "vòng” rượu ngô, đón xuân cùng những người bạn ở vùng đất Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu)...

Xuân trên vùng đất Hang Kia, Pà Cò

Cũng chẳng còn nhớ đây đã là lần thứ bao nhiêu chúng tôi về Hang Kia, Pà Cò vui Tết cùng đồng bào Mông. Cái lạnh tê cóng của vùng núi cao len lỏi qua

từng lớp áo dày đã được sưởi ấm bằng những tia nắng xuân ấm áp. Dưới nắng, ở đâu cũng là hình ảnh quen thuộc với đám trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới rực rỡ sắc màu, đính thêm những đồng bạc hoa xoè nô đùa dưới tán mận già bung nở những chùm hoa trắng muốt. Từng khoảnh khắc ấy càng làm cho những ngày Tết ở đây thêm bình yên, thú vị.


Trong phong tục đón Tết của người Mông ở Hang Kia, Pà Cò còn lưu giữ nhiều nét đẹp, phong tục thú vị như ném pao, đánh tu lu...

Bên bếp lửa ấm áp giữa nhà anh bạn Vàng A Chếnh, một "vòng” rượu ngô nồng ấm được bày ra. Một điệu khèn vui tươi theo những giai điệu tình tứ ẩn chứa khát vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy được chính gia chủ cất lên thật trong trẻo càng làm cho "vòng” rượu thêm phần sôi nổi. Hết "vòng” rượu đầu chào khách, anh Giàng A Tráng, Phó trưởng Công an xã Hang Kia mới bảo: Tết của người Mông mình bắt đầu từ đầu tháng chạp (tháng 12 âm lịch) khi ngô, lúa trên nương đã được mang hết về nhà. Trong những ngày Tết, người Mông chỉ vui chơi. Đây là những ngày vui nhất. Tết của mỗi gia đình được ấn định bằng lễ cúng tiễn đưa năm cũ và đón năm mới để đón tổ tiên về cùng ăn Tết. Sau lễ cúng tiễn đưa năm cũ, người Mông chính thức đón năm mới.

Cuộc sống của đồng bào Mông ở Hang Kia, Pà Cò vẫn còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, trong những ngày Tết không thể thiếu bánh dày. Thứ bánh được làm bằng loại gạo nếp ngon nhất, trắng và dẻo nhất được trồng trên nương. Sau khi đồ chín, xôi được đổ vào cối giã khi còn nóng. Bánh dày ở đây được dùng trong lễ cúng và để ăn trong suốt những ngày Tết. Đây cũng là thứ quà Tết dành biếu khách phương xa.

Góp vui cùng câu chuyện đón Tết của đồng bào người Mông, anh bạn Vàng A Sếnh cho hay: Trước khi đón Tết, các gia đình thường mổ lợn. Lợn to, nhỏ là tùy theo điều kiện của mỗi nhà. Ngày mổ lợn cũng được coi là ngày vui sum vầy. Khi ấy, chủ nhà sẽ mời anh em, bè bạn tới ăn uống. Đối với người Mông, Tết là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong năm. Do vậy, họ thường chuẩn bị Tết trước đó cả tháng. Trước hết, người ta quét dọn nhà cửa. Trong đó việc đầu tiên là quét dọn bồ hóng trên gác bếp, xà nhà, tiếp đó mới dọn nhà. Với người Mông đây là việc rất quan trọng, mang ý nghĩa quét bỏ những điều xấu, thứ xấu để đón năm mới sạch sẽ, tốt lành.

Ông Sùng A Vờ ở xóm Pà Cò Con là người có uy tín trong đồng bào người Mông cho biết thêm: Khi nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm, người Mông mới chuẩn bị bàn thờ. Đó là một miếng giấy hình chữ nhật được cắt trang trí hình răng cưa ở phía dưới, có ý nghĩa giống như một thứ rào cản không cho ma quỷ vào làm hại gia chủ. Có một điều đặc biệt là chỉ trong dịp Tết, người Mông mới làm bát hương. Bát hương được đan bằng giang, tre trong đựng gạo và phía trên được đậy bằng một mảnh giấy và cạp bằng một sợi dây màu đỏ. Giấy dùng trong lễ cúng là loại giấy bổi được người phụ nữ Mông làm bằng cây sậy lấy trên núi về ngâm, giã thành bột rồi seo thành giấy. Loại giấy này tuy cứng nhưng dai, được dùng để dán vào tất cả các đồ vật trong nhà. Bởi theo quan niệm của người Mông, mọi vật đều có linh hồn nên trong những ngày Tết họ đều dán giấy và thắp hương cho chúng giống như là một sự tri ân sau một năm làm lụng vất vả...

Độc đáo với phong tục Tết "không tiền”

Theo những người bạn ở Hang Kia, Pà Cò thì từ xưa đến giờ Tết của người Mông luôn là cái Tết đặc biệt với những nét văn hoá, phong tục tập quán vô cùng độc đáo không có ở các dân tộc khác. Đầu tiên đó là trong những ngày Tết người Mông hoàn toàn không sử dụng tiền, bạc để trao đổi, mua bán. Theo phong tục, ngày mùng 1 người ta chỉ đi chúc Tết, uống rượu và đặc biệt kiêng kỵ việc tiêu tiền. Theo Vàng A Sếnh, đây là một điều kiêng kỵ. Trong những ngày Tết người Mông không dùng tiền bởi họ quan niệm tiền là của cải vật chất, là thứ cần phải lưu giữ trong nhà để nó sinh sôi nảy nở, mang lại điềm lành cho gia chủ. Cũng chính vì quan niệm này thế nên trong ngày Tết, đồng bào Mông không có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Bởi lẽ, khi có tiền trong tay, trẻ sẽ mang đi tiêu pha như vậy làm thất thoát của cải trong gia đình.

Ngoài ra, đến giờ, trong phong tục đón Tết của người Mông vẫn còn lưu giữ những nét đẹp đầy thú vị. Theo quan niệm, để cho mùa màng được tốt tươi, vật nuôi trong nhà sinh sôi phát triển, người Mông kiêng không giẫm lên bếp lò, không tắt lửa trong bếp, kiêng thổi lửa trong 3 ngày Tết. Trong 3 ngày Tết người Mông cũng không ăn cơm chan canh. Bởi người ta quan niệm, nếu ăn cơm chan với canh năm đó ruộng nương sẽ bị ngập lụt, làm ăn thất bát. Ngoài những tục lệ kiêng kỵ, người Mông cũng có những quan niệm mang may mắn vào trong gia đình vào ngày Tết rất riêng. Thêm một điều mới mẻ. Anh Giàng A Tráng, Phó Trưởng Công an xã Hang Kia chia sẻ với chúng tôi đó là: trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương và lực lượng Công an xã cùng với những người có uy tín trong các dòng họ đã vận động thành công người dân không uống rượu say. Tết đối với người Mông ngoài bánh dày, thịt lợn thì rượu là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Do vậy, vào những dịp Tết người ta uống rượu rất nhiều và có nhiều trường hợp uống rượu say làm mất ANTT. Tuy nhiên, sau khi được chính những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ tuyên truyền. Đến nay, đa phần người dân ở Hang Kia, Pà Cò không còn uống nhiều rượu, không uống rượu say. Ai cũng nhận thức việc uống rượu nên giữ ở một giới hạn nhất định theo quan niệm mới là "người uống rượu chứ không để rượu uống người”...

Dù trải qua nhiều tác động về KT-XH, sinh hoạt văn hóa của đồng bào người Mông ở Hang Kia, Pà Cò đã ít nhiều thay đổi. Nhưng cái cốt lõi, giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc, hồn cốt dân tộc trong những ngày Tết vẫn được gìn giữ vẹn nguyên. Chính điều này đã tạo nên những nét văn hóa riêng độc đáo so với những dân tộc khác.
Mạnh Hùng

Các tin khác


Huyện Mai Châu chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh

(HBĐT) - Từ cuối tháng 11/2017 đến nay, liên tục có các đợt không khí lạnh tăng cường làm cho nhiệt độ trên địa bàn tỉnh ta xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là ở huyện vùng cao như Mai Châu. Với 59 trường, gần 12.000 học sinh, ngành GD &ĐT huyện Mai Châu đã có nhiều giải pháp chủ động phòng, chống rét, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, ổn định công tác giảng dạy.

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm ma túy

(HBĐT) - Huyện Mai Châu có tỷ lệ người nghiện ma túy khá cao, hoạt động tội phạm ma túy mang tính nhỏ lẻ nhưng phương thức, thủ đoạn tinh vi. Nguồn ma túy chủ yếu do các đối tượng nghiện mua ở nơi khác về sử dụng, chia nhỏ và bán lẻ cho các đối tượng nghiện khác để kiếm lời hay các con nghiện ở nơi khác mang ma túy đến địa bàn móc nối, tiêu thụ đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện, bắt giữ.

Huyện Mai Châu phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư

(HBĐT) - Với đặc thù là huyện vùng cao, nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mai Châu đã chủ động xây dựng đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng. Từ đó phát huy vai trò của người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ KT-XH ở địa phương và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

(HBĐT) - Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Mai Châu có nhiều tấm gương CCB luôn đi đầu, gương mẫu trong các phong trào, đặc biệt là làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu là Chủ tịch Hội CCB xã Xăm Khòe Hà Văn Thoản.

Hiệu quả phân công nhiệm vụ đảng viên tại Đảng bộ xã Tòng Đậu

(HBĐT) - "Phân công nhiệm vụ cho đảng viên đúng năng lực, sở trường, phù hợp với thực tiễn sẽ quyết định đến việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Đảng ủy xã đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ này, qua đó tạo chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng”- Bí thư Đảng ủy xã Tòng Đậu (Mai Châu) Đinh Văn Long khẳng định.

Xã Chiềng Châu nâng cao nhận thức cho người dân về phòng - chống ma tuý

(HBĐT) - Là địa bàn phức tạp về ANTT, nhất là tệ nạn ma tuý, do vậy những năm qua, cấp uỷ, chính quyền xã Chiềng Châu (Mai Châu) xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng - chống ma tuý (PCMT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục