Tín ngưỡng thờ thần bếp của người Thái Mai Châu
Người Thái quan niệm thần bếp đồng nghĩa với thần lửa. Thần lửa giữ vị trí thiêng liêng trong ngôi nhà, sưởi ấm các thành viên gia đình trong những ngày đông, tháng giá. Cơm dẻo, canh ngọt là do thần lửa, nấu rượu có ngon hay không ấy là do thần bếp. Vì vậy, trong sinh hoạt của người Thái Mai Châu diễn ra nhiều nghi thức cúng lễ thần bếp. Tiêu biểu trong số đó là nghi lễ cúng thần bếp trong ngày dọn về nhà mới (lễ khíp phày). Ngày này cột bếp phía trên đầu treo một quả bí xanh, vỏ phớt trắng. Theo ông Lò Cao Nhum, một người Thái Mai Châu gốc, luôn đam mê với văn hóa dân tộc thì tục treo quả bí xanh bắt nguồn từ truyền thuyết được giáo sư Đặng Nghiêm Vạn ghi lại trong cuốn "Tìm hiểu văn hóa cổ truyền của người Thái Mai Châu” như sau: Xưa mắt người sáng chiếu rọi xuyên ba quả núi, muông chim hoảng sợ vì ở đâu cũng bị người biết, săn giết, mới rủ nhau lên Then (vị thần tối cao trong đời sống tâm linh của người Thái) để kiện. Then đòi người lên lấy bột gạo tra vào mắt, cho mắt mờ đi. Khi Then thả người trở lại dưới trần, người không nhìn thấy gì. Người giẫm phải quả bí. Sau khi nghe chuyện, thương tình quả bí giúp lấy bớt bột gạo ở mắt người ra. Cho nên ngày nay, mắt người mới sáng nhưng thua kém chim muông, vỏ bí mới mốc trắng. ơn bí, người treo quả bí lên trên cột bếp để được hưởng hương khói của người. Người ăn gì thì quả bí được ăn nấy.
Nói thần bếp có ý nghĩa quan trọng với đồng bào Thái, bởi nó gắn bó mật thiết với mọi sinh hoạt, giải thích cho nhiều hiện tượng xuất hiện trong đời sống hàng ngày của họ. Cũng theo ông Lò Cao Nhum, những khi nấu rượu không ngon hoặc gà ấp trứng nở ít con, người Thái cho rằng do vía của thần bếp ốm yếu nên gia chủ phải sửa mâm lễ, nhất thiết phải có vò rượu cần để cạnh bếp. Khi cô dâu về nhà chồng ngoài việc lễ bàn thờ tổ tiên, cô còn được người nhà đưa xuống bếp lễ thần bếp, cầu thần phù trợ cho công việc bếp núc được tốt đẹp. Người Thái còn có tục những hôm mưa to, gió lớn, các bà lấy đũa cả ra cắm ở cạnh hòn đầu rau, ý muốn thần bếp giúp đỡ để ngôi nhà vững chãi chống trả mưa gió…
Độc đáo tục giữ lửa ngày Tết
Tục giữ lửa ngày Tết có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Thái Mai Châu. Trong tâm niệm của họ, lửa chính là cánh cửa vô hình, giúp truyền đạt nguyện vọng với các bậc thần làng, hoàng làng, trao đổi tâm tư với tổ tiên, với những người đã khuất. Lửa được xem là chìa khóa mở cánh cửa ngăn cách giữa cõi âm và cõi dương, là cách để họ hướng về nguồn cội. Chính vì lửa có một tầm quan trọng sâu sắc từ trong ý niệm bao đời như thế nên phong tục giữ lửa đêm 30 Tết được ra đời và truyền lại cho đến ngày nay. Họ quan niệm rằng, giữ được lửa từ đêm 30 cho đến hết ngày mùng 1 Tết chính là giữ được sự no ấm, sung túc, giữ được sự may mắn, giúp người thân đã khuất có thể về đây tụ hội, thu hút sự chú ý của thần linh, ban may mắn cho gia đình.
ông Lò Cao Nhum cho biết: Để chuẩn bị cho ngọn lửa được đỏ, than được hồng mãi trong đêm 30 Tết, củi được lựa chọn rất kỹ lưỡng, phải là củi to, chắc, thẳng, đượm lửa và than phải hồng được lâu. Người Thái cũng quan niệm củi có bền chặt, than có đỏ hồng mãi thì tình cảm gia đình mới vững chắc. Gần Tết, mỗi gia đình người Thái thường chọn 2 khúc củi to, đem về phơi khô. Việc phơi cũng phải tính toán sao cho vừa nắng để lửa cháy to nhưng than không bị tàn sớm. Đêm 30 Tết, sau khi cúng cuối năm, cả nhà quây quần bên bếp lửa vui vẻ trò chuyện, cùng mong cho những điều xấu, đen đủi năm cũ qua mau, may mắn, hạnh phúc đến trong năm mới. Trong ánh lửa bập bùng, tiếng lửa tí tách những bài dân ca Thái được cất lên với những nhắn nhủ của bố mẹ đến con cái, mong con cái sống vui vẻ, làm ăn phát đạt, con trẻ chóng lớn; con cái thì hát mong bố mẹ năm mới mạnh khỏe, sống lâu...
Thời điểm giao thừa qua, trước khi chuẩn bị đi ngủ, để ngọn lửa được giữ mãi trong đêm, người phụ nữ trong gia đình có nhiệm vụ vùi tro làm sao cho sáng hôm sau bếp vẫn đượm lửa. Quan niệm của người Thái cho rằng nếu bếp tàn thì mang lại điều đen đủi, gia đình năm mới không được yên ấm, no đủ. Là người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc bếp núc nên việc giữ lửa được giao cho họ. Sáng mùng một Tết, mọi thành viên trong gia đình cùng dậy sớm. Người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình có trách nhiệm khơi tro để ngọn lửa tiếp tục bùng cháy, sửa soạn mâm cúng đầu năm mới.
Ngày nay, nhiều nghi lễ, tập tục đẹp quanh bếp lửa của người Thái đã mai một. Hình ảnh quần tụ của các thành viên trong gia đình, hình ảnh những ngày làm vía, nhóm lửa, gọi lửa của già bản, hình ảnh gác thán chất chồng những bó lúa, trên gác "xà dáng” những túm ngô ám khói nâu óng, hình ảnh cái ninh đồng, chõ đồ xôi tỏa khói thơm, hình ảnh ba hòn đầu rau trầm tư cạnh bếp… đã không còn tồn tại trong nhiều nếp nhà sàn. Là người nặng lòng với văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc, ông Lò Cao Nhum không khỏi bùi ngùi, cho biết: Điều cần làm ngay đó là lưu giữ, bảo tồn những hình ảnh ấy ra sao, để các thế hệ mai sau hiểu rằng, dân tộc mình cũng có nền văn hóa đậm đà bản sắc như thế!
Hải Yến