Ông Vàng A Chống (phải), xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) nâng niu cây khèn như báu vật của gia đình.
Người Mông cho rằng mọi vật đều có linh hồn và ngôi nhà cũng như vậy. Trong ngôi nhà có thần cửa, thần cột, thần bếp... để bảo vệ người Mông trước mọi thế lực. Vì vậy, khi ra khỏi nhà, người ta phải có một vật gì đó đem theo mình như thứ bùa để bảo vệ họ khỏi ma quỷ.
Khèn là nhạc cụ không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông. Đây cũng là phần quan trọng tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa Mông ở xã Hang Kia. Cây khèn giữ vai trò đặc biệt trong tín ngưỡng của đồng bào Mông. Vào thăm gia đình ông Vàng A Chống, ở xóm Hang Kia chúng tôi thấy chiếc khèn được treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Cây khèn ông Chống mới mua với giá 8 triệu đồng, được ông gìn giữ và coi như báu vật của gia đình. Theo ông chia sẻ, chiếc khèn đối với người Mông được coi như bảo bối trong nhà, cho dù văn hóa hiện đại đang dần hiện diện ở gần hết các xóm, bản vùng cao nhưng người dân đam mê tiếng khèn vẫn chưa bao giờ dứt. Tiếng khèn cất lên trong những ngày hội xuân, những ngày đầu năm mới. Khi hoa đào, hoa mận bắt đầu nở rực rỡ là những lúc tiếng khèn được cất lên, vang vọng núi rừng.
Theo lời kể của ông Chống, người đàn ông biết thổi khèn hay thì được nhiều người con gái thích. Chàng thanh niên nào vừa biết đối đáp, nói chuyện hay và biết thổi nhiều bài khèn thì càng dễ lấy vợ. Tiếng khèn chính là nhạc cụ chủ yếu được cất lên trong lễ hội Gàu Tào của xã. Đây cũng là dịp các chàng trai, cô gái người Mông có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu. Tiếng khèn của chàng trai sẽ thay lời gửi gắm tiếng lòng mình với người bạn tình.
Đồng chí Vàng A Lánh, cán bộ văn hóa xã Hang Kia cho biết: Dân tộc Mông trên địa bàn xã Hang Kia còn lưu giữ nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống, những nét đặc sắc trong cuộc sống sinh hoạt, lao động, như tục lệ đám cưới cổ truyền; bài thuốc dân gian; làm khèn, múa khèn… Nghề truyền thống, như: dệt vải, thêu thùa, đan lát… với hoa văn đặc trưng của dân tộc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phục vụ nhu cầu gia đình. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức thi đấu, vui chơi thường xuyên, như: tu lu, đẩy gậy… Chúng tôi duy trì tuyên truyền đến người dân ý thức gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Để truyền lửa cho văn hóa dân tộc Mông ngày càng phát triển và trường tồn đến thế hệ mai sau, ngoài những nỗ lực của chính người Mông thì cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm tạo điều kiện để người dân được giao lưu, kết nối giữa văn hóa dân tộc Mông nhiều địa phương. Từ đó nhân lên lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Nhắc nhở thế hệ mai sau bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc để mãi mãi trường tồn với thời gian.
Đồng Hương