Chị Lò Thị Là, xóm Chiềng Hạ, xã Mai Hạ (Mai Châu) chuẩn bị nguyên liệu nấu rượu.
Khi khách đến chơi nhà sẽ được chủ nhà tiếp đãi bằng chén rượu để làm quen. Đó là phong tục đẹp của người Thái nơi đây thể hiện sự mến khách. Từ đó, rượu Mai Hạ trở nên quen thuộc với mọi người, ai đã một lần thưởng thức rượu Mai Hạ cũng muốn được thưởng thức lại. Điều gì đã làm nên sức hút lạ kỳ của món quà quê nơi núi rừng yên tĩnh? Vị say của rượu Mai Hạ phải chăng được tạo nên từ cái "tình” của người nấu rượu?
Nghề nấu rượu tại xã Mai Hạ có từ bao giờ không ai nhớ, chỉ biết rằng theo thời gian, người Thái nơi đây cứ thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau bí quyết nấu rượu. Người Mai Hạ tin là không ở đâu có thể nấu được thức uống có vị đặc trưng như rượu Mai Hạ. Một số người đùa rằng, chắc do không khí của vùng đất Mai Hạ có đặc trưng riêng. Dường như đúng vậy, bởi cũng bí quyết ấy nhưng khi nấu rượu ở nơi khác không cho hương vị rượu thơm nồng, đậm đà như rượu nấu tại Mai Hạ.
Hiện toàn xã Mai Hạ có khoảng 46 hộ nấu rượu, chủ yếu là các hộ sinh sống tại xóm Chiềng Hạ. Chiềng Hạ chính là "lò” tạo ra thức uống làm "say” lòng người. Một số hộ trong xóm coi nấu rượu là nghề truyền thống "cha truyền con nối” như hộ gia đình bà Vì Thị Tồn, Hà Thị Biền, Lường Thị Nút, Ngần Thị Dung, Lò Thị Là… Họ chính là những nghệ nhân dành tất cả tâm tình làm ra quà quê đặc biệt mang tên rượu Mai Hạ.
Chị Lò Thị Là, người có kinh nghiệm nấu rượu gần 30 năm ở xóm Chiềng Hạ chia sẻ: Men để nấu rượu Mai Hạ là các loại lá cây do chính người dân tự đi hái. Để làm nên loại men rượu chuẩn phải gồm hơn chục loại lá cây khác nhau như riềng dại, gừng, ổi, hồng bì, bưởi... Các loại lá cây hái về được rửa sạch, phơi khô, giã nhỏ thành bột rồi đem trộn với bột gạo và bột sắn làm men. Tỷ lệ các loại lá phải đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn thì hương vị, độ đậm đà của rượu mới thơm. Tỷ lệ trộn men chỉ có những người phụ nữ nắm được, họ giữ cho mình làm bí quyết riêng, chỉ truyền lại cho con cháu trong nhà. Sau khi men được trộn đều người phụ nữ sẽ khéo léo nặn thành từng nắm tròn.
Nguyên liệu nấu rượu Mai Hạ thường là sắn. Sắn được phơi khô, đập nhỏ ngâm vào nước, sau đó vò và đãi sạch rồi trộn đều với trấu gạo đem đồ chín. Khi sắn đồ chín hong đều ra các nia, mẹt, để nguội ủ với men, sau đó cho vào chum sành ủ khoảng 1 tháng mang ra chưng cất. Rượu được chưng cất truyền thống bằng nồi gỗ theo nguyên lý chưng cách thủy. Củi để nấu rượu phải là gỗ phơi khô. Trong quá trình đun người nấu rượu phải ngồi trông bếp để đảm bảo cho lửa cháy đều thì chất lượng rượu mới đảm bảo.
"Hiện tại nhu cầu của thị trường đối với rượu Mai Hạ rất lớn. Để chuẩn bị phục vụ khách dịp Tết Nguyên đán gia đình tôi phải nấu rượu trước vài tháng. Trung bình mỗi tháng gia đình nấu được 500 - 600 lít rượu. Tuy nhiên, càng gần Tết đơn đặt hàng càng nhiều, gia đình không đáp ứng đủ. Nhiều khách hàng đến tận cơ sở sản xuất để tìm mua hàng nhưng đều cháy hàng. Hiện nay, có một số đơn vị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng làm đại lý phân phối rượu Mai Hạ” - Chị Lò Thị Là cho biết thêm.
Để giữ gìn thương hiệu rượu Mai Hạ các hộ nấu rượu cần quan tâm đến vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quan tâm hơn nữa tới việc quảng bá thương hiệu. Bên cạnh đó, cần mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ số lượng theo nhu cầu của thị trường. Hiện, Sở NN&PTNT tỉnh đang khảo sát để thành lập làng nghề truyền thống rượu Mai Hạ. Đây chính là cơ hội cho rượu Mai Hạ vươn xa tới các thị trường lớn trong và ngoài nước.
Thu Thủy