Lễ hội Gầu tào là lễ hội có truyền thống lâu đời trong phong tục của người Mông. Từ năm 2017, lễ hội chính thức được phục dựng tại hai xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu. Lễ hội được chia làm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu từ nghi lễ trồng cây nêu. Cây nêu trong lễ hội Gầu tào mang biểu tượng cây thiêng nối trời với đất, nguyện cầu sinh con, vụ mùa bội thu. Từ lâu cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người Mông thường dựng cây nêu và coi đây là biểu tượng thiêng liêng, tránh những xui xẻo và mang lại may mắn cho năm mới. Sau nghi thức dựng cây nêu, trai gái bản Mông cùng nắm tay nhau múa vòng theo nhịp khèn. Trong văn hóa của người Mông, tiếng khèn thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống, là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của người Mông.
Nghi lễ chính trong lễ hội Gầu tào là lễ dựng cây Nêu với nguyện cầu sinh con và cầu mùa màng bội thu.
Trong tiếng khèn, trai gái bản Mông và du khách thập phương nắm tay vòng tròn múa theo nhịp khèn cũng là lúc không khí lễ hội Gầu tào chính thức bắt đầu.
Tại lễ hội Gầu tào, du khách được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Tại lễ hội Gầu tào còn có nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, các trò chơi dân gian, các môn thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và các gian hàng giới thiệu các đặc sản ẩm thực của đồng bào dân tộc Mông 2 xã Pà Cò, Hang Kia, huyện Mai Châu.
Những trò chơi dân gian độc đáo được tổ chức trong lễ hội Gầu tào.
Đồng bào Mông hai xã Hang Kia, Pà Cò trước đây sống biệt lập, với vốn kinh tế tự cung tự cấp là chính, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, xã đã triển khai nhiều chương trình kề hoạch, đặc biệt là các đề án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và CVĐ toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Mông hai xã Hang Kia, Pà Cò. Nhân dân không còn du canh du cư, sống tập trung đoàn kết xây dựng bản làng, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tiêu biểu như mô hình trồng chè shan tuyết, cây đào, mận, chanh leo... Việc phục dựng lễ hội Gầu tào là cơ hội đánh thức tiềm năng, thế mạnh của vùng đất có địa hình đồi núi thiên nhiên hùng vỹ, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian, phong tục tập quán tốt đẹp, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan du lịch. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội hai xã Hang Kia, Pà Cò.