Thầy mo (chủ tế) làm lễ tại đền làng Bôn ở lễ hội Xên Mường.
Đầu xuân là thời điểm thung lũng Mai Châu khoác lên mình tấm áo đẹp nhất, rạng ngời nhất. Đây cũng là khoảng thời gian người Thái háo hức chờ ngày hội Xên Mường. Trước ngày hội, mọi người, mọi nhà gác lại công việc để sắm sửa lễ vật. Cụ Lò Văn Yên, xóm Cha Long, xã Tòng Đậu chia sẻ: Năm nào tôi cũng tham dự lễ hội Xên Mường. Với người Thái chúng tôi, lễ hội Xên Mường có ý nghĩa to lớn. Thông qua lễ hội, người Thái muốn tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các vị tiền nhân có công lập nên bản người Thái tại Mai Châu. Lễ hội góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người Thái nói riêng và các dân tộc khác. Lễ hội lưu giữ cho con cháu sự tinh túy nhất về văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục…
Mọi người tham dự lễ hội Xên Mường được lắng nghe áng sử thi hào hùng về truyền thống vẻ vang của người Thái từ thời sơ khai lập nên bản Mường. Theo sử sách, Chiềng Châu được coi là thủ phủ đầu tiên, điểm phát tích của người Thái di cư từ Bắc Hà (Lào Cai) về vào thế kỷ XIII. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, các thế hệ chúa đất người Thái đã có công lao to lớn trong việc cùng với muôn dân khai khẩn đất đai lập nên bản, nên Mường. Vào thời Hậu Lê, Chúa người Thái tại Mai Châu đã lập công xuất sắc chống giặc phương Bắc, được vua Lê trọng thưởng phong danh "Tước hầu đại tư khấu trúc trung hầu” (người Thái gọi là "Tướng Sứ”).
Lễ hội Xên Mường thể hiện rõ những giá trị văn hóa truyền thống của người Thái. Trước tiên nghi thức làm lễ tế được thực hiện bởi thầy mo (chủ tế). Chủ tế phải là người gắn bó, được nhân dân tin tưởng tuyệt đối. Thầy mo thực hiện bài cúng bằng tiếng Thái tại sân khấu chính với các lễ vật chuẩn bị từ trước. Sau đó, thầy mo dẫn đầu đoàn rước kiệu ông Tướng Sứ lên đền làng Bôn và tiếp tục thực hiện nghi lễ cúng. Sự tôn thờ, kính trọng đối với các Chúa người Thái có công lập nên bản, nên Mường được thầy mo thể hiện qua bài cúng trang nghiêm. Thầy mo chính là cầu nối giữa thế hệ con cháu người Thái với các vị tiền nhân có công lập lên bản, nên Mường.
Đồng chí Khà Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết: Lễ hội Xên Mường diễn ra trong khuôn khổ cả huyện. Thông qua tổ chức lễ hội, người Thái dành sự tôn kính của thế hệ con cháu tới công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối với mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an, người người ăn nên làm ra, bản Mường no ấm, gia đình hạnh phúc, đất nước phồn thịnh. Người Thái Mai Châu tin tưởng rằng, mỗi khi tổ chức lễ hội thì hồn thiêng sông núi và hồn thiêng của Tướng Sứ cùng những hào trưởng "Cháu Sừn, chúa Xứa” các ngài sẽ về chứng giám, phù hộ độ trì cho con cháu hiện tại và tương lai đạt được ước nguyện.
Sức sống của lễ hội Xên Mường còn ở sự độc đáo của các tiết mục văn hóa, văn nghệ. Mặc dù không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng các trai tài, gái sắc của xã Chiềng Châu đã cống hiến cho khán giả những tiết mục văn nghệ hay, đặc sắc. Những điệu múa, lời ca của người Thái đã lôi cuốn bạn bè gần xa về trẩy hội. Với bản làng người Thái duyên dáng bên những cánh đồng lúa xanh mướt là điểm đến lý tưởng của khách trong nước và quốc tế.
Thu Thủy