Được tham gia các lớp tập huấn của Trạm KN-KL huyện tổ chức, nông dân Hà Văn Khương, xóm Cha, xã Tòng Đậu (Mai Châu) đầu tư nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hà Văn Khương, xóm Cha, xã Tòng Đậu làm nghề nông đã hàng chục năm. Được Hội Nông dân huyện, xã định hướng, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng mô hình V-A-C. Nhờ sự hướng dẫn, tập huấn ứng dụng KHKT vào sản xuất của cán bộ Trạm KN-KL huyện, khuyến nông viên cơ sở, ông đã quy hoạch được mô hình khoa học và chuẩn bị vật tư, vật liệu đào ao nuôi cá, xây dựng chuồng đảm bảo vệ sinh môi trường để nuôi bò vỗ béo. Đồng thời, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau sạch. Ông Khương cho biết: Việc tuân thủ những quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi do cán bộ địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cũng như chủ động sử dụng hợp lý vật tư nông nghiệp đã giúp tôi thành công với mô hình xây dựng. Các sản phẩm khi thu hoạch luôn đảm bảo chất lượng, vì vậy, việc tiêu thụ cũng trở nên thuận lợi, giá thành ổn định, cuộc sống gia đình vơi dần khó khăn. Thu nhập từ mô hình V-A-C của gia đình đến nay đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Với vai trò là cơ quan phụ trách công tác tuyên truyền và phổ biến kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ KH-KT trong sản xuất, Trạm KN-KL huyện đã phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình, kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi; tư vấn, tuyên truyền và đề ra biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, thời gian qua, Trạm phối hợp tổ chức 50 lớp học hiện trường cho 1.600 hộ nông dân theo nhu cầu của các xã về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp. Thông qua các lớp tập huấn, các hộ nông dân không chỉ nâng cao kỹ năng, được tiếp cận với ứng dụng KHKT tiên tiến mà còn có thêm kiến thức sản xuất nông nghiệp cần thiết, phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Nhằm lựa chọn được những giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, Trạm đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn. Thông qua các mô hình, nông dân được trực tiếp thực hiện, học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm. Đến nay, 17 mô hình trong toàn huyện tiếp tục có hiệu quả, được nông dân địa phương hưởng ứng nhân rộng như: mô hình trồng bắp cải trái vụ của HTX Khan Tân, xã Thành Sơn; mô hình nuôi ong lấy mật tại xóm Xô, xã Nà Phòn; tại xóm Nọt, xã Phúc Sạn, nông dân trồng khoai sọ đã biết gieo ươm giống bắp cải, su su, giữ giống khoai để trồng vụ tiếp theo và cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường, khoai sọ Phúc Sạn cũng đã xây dựng thành thương hiệu...
Đồng chí Vì Văn Dấng, Trạm trưởng Trạm KN-KL huyện cho biết: Là huyện vùng cao của tỉnh, việc triển khai ứng dụng KH-KT trong sản xuất nông nghiệp của huyện còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ canh tác của nông dân hạn chế, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và vốn hỗ trợ mô hình chưa nhiều. Thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của công tác khuyến nông trong chuyển giao KH-KT trong sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế, định hướng phát triển kinh tế địa phương, Trạm tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ KH-KT, công nghệ vào sản xuất. Đưa vào thử nghiệm rộng rãi các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các mô hình trình diễn theo quy hoạch phân vùng của huyện. Tăng cường thu hút đầu tư, kinh phí cho hoạt động khuyến nông.
Thu Hằng