(HBĐT) - Chưa thấy ở đâu, cả một cánh rừng nguyên sinh rộng hàng trăm ha được chăm chút, bảo vệ như diện tích rừng Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò giao cho vợ chồng Khà A Lứ, Vàng Y Mại ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) quản lý. Dù là điểm thăm quan, du lịch, nhưng trên lối mòn dẫn lên đỉnh núi Rồng - nơi được coi là cao nhất, đẹp nhất ở Hang Kia - Pà Cò tuyệt nhiên không có một cọng rác, mảnh ni lon vương vãi...
Vợ chồng Khà A Lứ cùng cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) kiểm tra diện tích rừng trong khu vực được giao quản lý, bảo vệ.
Vận động người dân không chặt phá rừng
Trò chuyện, Khà A Lứ cho biết: Nhà mình ở dưới chân ngọn núi Rồng này. Trước đây cũng chẳng ai giao nhưng mình thấy rừng là của Nhà nước nên mình tự bảo vệ. Sau này thì được BQL Khu BTTN tin tưởng giao quản lý. Nhờ vậy, bây giờ đây là một trong những khu rừng được bảo vệ tốt nhất vùng này.
Gia đình Khà A Lứ là hộ đầu tiên của xã Hang Kia được BQL Khu BTTN giao quản lý, bảo vệ hàng trăm ha rừng nguyên sinh ngay phía sau nhà. Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Khà A Lứ đã chủ động bảo vệ "tài sản” của mình bằng cách đến từng nhà, gặp từng người nói cho họ nghe, hiểu, để không chặt phá rừng. Không chỉ tuyên truyền, vận động anh em, họ hàng trong xóm, bản, Khà A Lứ và vợ là Vàng Y Mại còn cất công đến cả các xóm: Pà Cò Con, Pà Háng Con, Pà Háng Lớn... của xã Pà Cò để tuyên truyền, vận động bà con không lên rừng chặt cây, lấy gỗ, lấy củi...
Ban đầu, thấy vợ chồng Lứ đến ai cũng ghét, cũng lảng tránh. Bởi, "nhà Lứ đến nói toàn những chuyện không ưng cái bụng”. Người ta bảo: Người Mông vốn ở trên núi cao. Sống phụ thuộc vào rừng. Rừng cho cây lấy gỗ để dựng nhà, làm cái tủ, cái ghế. Mùa đông đến, nếu bếp không có than hồng, không có củi thì làm sao để người già, con trẻ sưởi ấm được. Nên bao đời nay, người Mông vẫn phải sống phụ thuộc vào rừng.
Có lẽ, suy nghĩ ấy sẽ còn hằn sâu vào tư duy, quan niệm sống của đồng bào người Mông ở Hang Kia, Pà Cò, nếu họ cứ bỏ ngoài tai chuyện hai vợ chồng nhà Lứ đến từng nhà kiên trì thuyết phục thay đổi lối nghĩ xưa cũ để sống có trách nhiệm hơn với rừng...
Sức hút từ khu du lịch
Công sức của vợ chồng nhà Lứ sẽ "bỏ sông, bỏ biển” nếu người ta không tin, không nghe. Khi ấy, chỉ có hai vợ chồng nhà Lứ đứng về một phía với quan điểm sống có trách nhiệm hơn với rừng. Còn ở phía đối ngược với họ là cả... cộng đồng dân bản, những người vẫn bảo lưu quan điểm sống phụ thuộc vào rừng. Nhưng may mắn là những người già, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông ở 2 xã đã hiểu, đồng tình với cách nghĩ của vợ chồng nhà Lứ. Nói như ông Sùng A Sa, người có uy tín ở xóm Pà Cò Con (xã Pà Cò) thì: Mình phải ghi nhận, trân trọng vợ chồng nhà Lứ chứ. Nó nói những điều phải, điều đúng, mình phải nghe. Còn mình, con cháu mình đang làm sai, xâm hại, phá rừng, mình phải răn bảo chúng. Bây giờ giữ được rừng sau này mới còn rừng cho con cháu.
Từ sự đồng cảm đó, nỗ lực của vợ chồng Lứ được đền đáp. Cả khu rừng đá vôi nguyên sinh rộng hàng trăm ha trên đỉnh núi Pà Cò từ chỗ thường xuyên bị xâm hại đã được gìn giữ. Giữ được rừng, cũng phải nghĩ làm sao để sống được nhờ rừng. Sau bao ngày trăn trở và được cán bộ BQL Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò gợi ý, hai vợ chồng Khà A Lứ đã quyết định làm du lịch, biến khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ, hoa quý như phong lan, đỗ quyên cổ thụ, thông Pà Cò... thành điểm du lịch sinh thái, tuyến đi bộ trải nghiệm trecking.
"Để giữ gìn cảnh quan nguyên sơ, chúng tôi đề ra quy định với khách là tuyệt đối không được xả rác bừa bãi. Bạn mang cái gì lên núi thì sẽ phải mang cái đó về. Tất cả rác sẽ được thu gom dưới chân núi. Chúng tôi khuyến khích mọi người có ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường. Bất kỳ ai có hành vi xâm hại, dù chỉ lấy một cành hoa, hay một cây phong lan từ trên núi xuống, đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của khu du lịch. Chúng tôi cũng chỉ cho lượng khách nhất định lên núi, chứ không vì chạy theo lợi nhuận mà để việc kinh doanh du lịch làm ảnh hưởng tới rừng” - Khà A Lứ chia sẻ.
Bình quân mỗi tháng, điểm du lịch của vợ chồng Khà A Lứ đón tiếp hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm. Trong số khách đến đây có cả người dân địa phương. Họ đến để được xem, được nghe, được trải nghiệm về câu chuyện giữ cho rừng mãi xanh tốt của vợ chồng A Lứ ở chính quê hương mình. Đó là một điều đáng để trân quý...
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Vào khoảng 14h30 phút ngày 17/5, tại xã Mai Hịch (Mai Châu) đã xảy ra mưa đá rất to. Thời gian mưa đá kéo dài khoảng 30 phút, những viên đá to đã gây thiệt hại nặng nề cho cuộc sống, sản xuất của người dân tại các xóm: Hịch 1, Hịch 2, Cha Lang, Ngõa…
(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mai Châu, 20h30' ngày 7/5, tại địa bàn xã Sơn Thuỷ (Mai Châu) đã xảy ra gió lốc kèm theo mưa làm thiệt hại về cơ sở hạ tầng, hoa màu.
(HBĐT) - Khu chờ khám chật chội, thiếu ghế, nóng bức; khu xếp hàng chờ lấy số đông, lộn xộn, không theo hàng lối; chưa có chỉ dẫn từ khoa khám bệnh đến các khoa lâm sàng; môi trường làm việc không đảm bảo, thường xuyên ùn tắc; buồng khám chưa liên hoàn… Đó là những bất cập, tồn tại ở Trung tâm Y tế huyện Mai Châu, đòi hỏi phải khẩn trương thực hiện cải tiến chất lượng dịch vụ tại Khoa Khám bệnh.
(HBĐT) - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu đã thực hiện nhiều giải pháp để từng bước ngăn chặn, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn nạn tảo hôn. Theo số liệu thông kê của Phòng Dân số -KHHGĐ (Trung tâm Y tế huyện), quý I năm nay, toàn huyện có 16 cặp vợ chồng tảo hôn, giảm 19 cặp so với cùng kỳ năm 2019. Nạn tảo hôn chỉ xảy ra tại 2 xã Hang Kia và Pà Cò.
(HBĐT) - Huyện Mai Châu là vùng đất sở hữu thiên nhiên tươi đẹp, mộng mơ và quyến rũ, văn hóa các dân tộc độc đáo, đang tạo sự cuốn hút, hấp dẫn, từ lâu đã có tên trong bản đồ du lịch Việt Nam. Thung lũng Mai Châu từng được đánh giá là 1/10 điểm du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị.