(HBĐT) - Công trình bảo tồn và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền Chúa Thác Bờ đã chính thức hoàn thành và đưa vào khai thác đang là điểm du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh trên hồ Hòa Bình, đem lại sự bình yên và cảm nhận tốt đẹp cho du khách gần xa. Từ vài năm nay, lượng du khách đến thăm quan di tích Bia Lê Lợi - đền Chúa Thác Bờ tăng lên rõ rệt, nhất là dịp đầu xuân.




Quần thể di tích Bia Lê Lợi - đền Chúa Thác Bờ đưa vào khai thác  là điểm du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh trên hồ Hòa Bình.

Chúng ta có thể đến thăm di tích Bia Lê Lợi - đền Chúa Thác Bờ từ thành phố Hòa Bình đi đường bộ 435 đến bến thuyền Thung Nai (Cao Phong), rồi đi bằng đường thủy mất khoảng 20 - 30 phút hoặc có thể xuất phát bằng thuyền du lịch từ cảng Bích Hạ (TP Hòa Bình) mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Đi trên tàu du lịch, du khách sẽ cảm nhận không khí trong lành, mây nước lững lờ trôi, chiêm ngưỡng những ngọn núi xếp lô nhô, thấm đẫm màu xanh đại ngàn, làn nước trong xanh, mát rượi như lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hồ sông Đà đẹp mộng mơ, được bao quanh là những thảm rừng với hệ sinh thái đa dạng, phong phú cùng hệ thống hang động, núi đá vôi hùng vĩ.

Quần thể di tích Bia Lê Lợi - đền Chúa Thác Bờ tọa lạc trên vùng non nước hữu tình, cảnh quan thơ mộng, được xây dựng quy mô, diện tích khoảng 5.000 m2, trên đỉnh đồi Hang Thần, xóm Phố Bờ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc). Đền được xây dựng trên cơ sở những truyền thuyết, tài liệu để lại. Thác Bờ xưa còn gọi là thác Vạn Bờ được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn, nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà gầm thét ồn ào, cảnh quan kỳ vĩ, được coi là thác nguy hiểm nhất trên sông Đà xưa. Tương truyền, đền Bờ thờ bà Chúa Thác Bờ là bà Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường và một bà người dân tộc Dao (không rõ tên) ở Vầy Nưa. Hai bà đã có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn. Sau khi mất, 2 bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hoà. Vua Lê Lợi truy phong công trạng, ban chiếu cho dân lập đền thờ phụng, tưởng nhớ 2 vị liệt nữ anh hùng dân tộc.

Trên cơ sở truyền thuyết này, di tích được quy hoạch và xây dựng đồng bộ các hạng mục chính như: Đền chính; hai dãy nhà tả vu – hữu vu, tam quan… và các hạng mục phụ trợ đáp ứng nhu cầu thăm quan, vãn cảnh, tâm linh của du khách. 

Bia Lê Lợi cũng được di chuyển và đặt ở vị trí trang trọng nhất, là điểm nhấn của quần thể di tích. Truyền thuyết kể lại, Bia Lê Lợi còn có tên là Bia Cổ Hào Tráng được khắc trên một phiến đá lớn ở sườn núi Thác Bờ, xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc trước đây. Đó là mỏm đá vôi được mài nhẵn cao hơn 4m, tạo thành một mặt phẳng, dài gần 1,5m, cao gần 1m. Tương truyền về tấm  văn bia khắc trên đá của vua Lê Lợi tại Thác Bờ, sau khi dẹp xong loạn đảng Đèo Cát Hãn, trên đường về kinh, nhà vua chọn vách đá đẹp rút kiếm, cọ mài, đề tiểu dẫn và bài thơ thất ngôn bát cú. Bài thơ tựa nói: "Ta đi đánh Đèo Cát Hãn về qua đây, làm một bài thơ, nói về đường lối phong nhung địch cho đời sau biết”. Việc vua Lê Lợi đề thơ trên đá vừa có ý nghĩa khẳng định chủ quyền về mặt cương thổ đất nước lúc bấy giờ, vừa răn đe, giáo hóa những kẻ có mưu đồ phản nghịch và mong muốn giang sơn muôn thuở bền vững, thái hòa của vua Lê Thái Tổ. Bia là một trong những văn bia của các vị vua phong kiến Việt Nam ở xa kinh thành nhất. 

Thăm quần thể di tích Bia Lê Lợi - đền Chúa Thác Bờ, du khách được tận hưởng không khí trong lành, ngắm vẻ đẹp non nước hữu tình của hồ Hòa Bình, cầu mong sự bình an, đem lại cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, tâm hồn thanh tịnh. Trong hành trình thăm chốn tâm linh văn hóa, lịch sử Bia Lê Lợi - đền Chúa Thác Bờ, du khách có thể tìm hiểu, tận hưởng, hòa mình, trải nghiệm những nét đẹp trong văn hóa, sinh hoạt, sản xuất, cuộc sống người dân địa phương, mang lại ấn tượng khó quên khi khám phá, trải nghiệm hồ Hòa Bình.

L.C

Các tin khác


Sức sống trên dòng Đà Giang

Bài 1 - Chuyển giao sứ mệnh

(HBĐT) - Đà Giang - sông Đà vốn hoang sơ, hùng vĩ và nổi tiếng với những dòng thác oai linh. Từ khi có bàn tay, khối óc của con người đắp đập, ngăn sông, trị thủy để tích nguồn điện sáng, dòng sông Đà không còn hung dữ. Nhưng, dòng Đà Giang vẫn chảy, bồi lấp những vạt phù sa màu mỡ với nhiều nguồn sống sinh sôi.     

Đá Bia - một ngày không... wifi

(HBĐT) - Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) - điểm du lịch cộng đồng thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc) không chỉ có núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, con người thân thiện, hiền hòa mà còn có điều đặc biệt, giờ không ở mấy đâu có...

Lưu giữ miền ký ức thác Bờ - phố Bờ xưa

(HBĐT) -Nhà văn Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, người nặng lòng với quá khứ, có mặt tại chợ Bờ từ những năm 70 của thế kỷ trước, chứng kiến trọn vẹn công cuộc di dân, chuyển huyện khỏi vùng ngập để phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ông luôn đau đáu hoài niệm về sông Đà, phố Bờ xưa. Sau nhiều năm dày công sưu tầm, ông vừa xuất bản tập sách ảnh "Bờ xưa" với 100 trang và hơn 70 bức ảnh thác Bờ, chợ Bờ, phố Bờ thời chưa đắp đập thủy điện Hòa Bình. Cuốn sách giữ lại những bức ảnh, tư liệu quý cho các thế hệ độc giả về những kỷ niệm, ký ức nay đã chìm sâu dưới đáy hồ sông Đà, nối dài quá khứ với hiện tại và tương lai.

Mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, có điểm nhấn là quần thể di tích tâm linh Thác Bờ, từ nhiều năm qua, hồ Hòa Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, tháng 6/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia. Từ đây, công tác đầu tư, tôn tạo di tích, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm nhiều hơn, góp phần mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.

Đánh thức những "Nàng công chúa ngủ quên" ven hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh quan nguyên sơ, hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi”. Ven hồ Hòa Bình có những xóm, bản như những "nàng công chúa ngủ quên" nằm ẩn mình nơi sông nước mênh mang, núi rừng huyền bí. Mỗi nàng công chúa mang một vẻ đẹp riêng. Sau giấc ngủ dài, bản Ngòi, xã Ngòi Hoa - nay là xã Suối Hoa (Tân Lạc), xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) hay xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong và xóm Mó Hẻm - nay là xóm Đoàn Kết (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc)... được đánh thức trước sự ghé thăm của du khách trong và ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục