Bản Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm văn hóa địa phương.
Bản Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) có trên 40 hộ dân tộc Mường sinh sống, nằm bên lòng hồ thơ mộng, hoang sơ và quyến rũ, núi non trùng điệp đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Trong bản có nhiều hộ tham gia liên kết làm du lịch cộng đồng, cung cấp các sản phẩm du lịch riêng có, được công nhận điểm du lịch cộng đồng Asean năm 2018. Chị Bùi Thị Nhềm, hộ làm du lịch cộng đồng cho biết: Bản Đá Bia còn lưu giữ nguyên bản cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc, người dân thân thiện, dễ gần, có quán bán hàng tự giác, có những món ẩm thực tinh tế, phong phú, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp..., trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh mỗi khi thăm quan, khám phá hồ sông Đà. Tại đây, du khách được trải nghiệm nghỉ tại nhà dân, thưởng thức ẩm thực truyền thống, xem biểu diễn văn nghệ, mua các sản phẩm địa phương, tham gia các hoạt động bơi bè mảng, chèo thuyền kayak, câu cá, tắm thác, lội suối, khám phá hang động ở các khu vực xung quanh, đạp xe hoặc đi bộ thăm bản, đốt lửa trại... Lượng khách tìm đến trải nghiệm thiên nhiên, khám phá các điểm du lịch trên hồ nâng lên rõ rệt, không chỉ học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức mà có cả du khách nước ngoài đang góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Cùng với bản Đá Bia, bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) cũng có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hữu tình, thơ mộng. Bản tựa lưng vào dãy núi đá vôi hùng vĩ, nằm bên vịnh Ngòi Hoa bốn mùa nước trong xanh, yên bình, nhiều thác nước, hang động. Động Hoa Tiên không gian thoáng rộng với những nhũ đá kỳ thú, muôn hình vạn trạng mê hoặc lòng người. Bản Ngòi được coi là một trong những bản ven lòng hồ đẹp và nguyên sơ nhất của tỉnh. Bản là nơi cơ trú của đồng bào dân tộc Mường, vẫn giữ được nét đẹp truyền thống từ lâu đời của những ngôi nhà sàn người Mường. Người dân được tập huấn, trang bị kiến thức xây dựng các sản phẩm du lịch của địa phương như hỗ trợ xây nhà sàn, cải tạo cảnh quan, môi trường, nuôi ong, làm rượu cần, dệt cửi, khôi phục, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của người Mường; tập huấn kiến thức làm du lịch, cách thức giao tiếp, nấu ăn, nghiệp vụ buồng bàn..., từ đó xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Trong bản đã có 7 nhà làm du lịch cộng đồng, số lượng khách đến thăm quan, trải nghiệm văn hóa tại bản Ngòi tăng lên đáng kể, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Bên cạnh đó, còn nhiều xóm, bản ven hồ đã xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo sức hút đối với du khách thăm quan như bản Ké - xã Hiền Lương, bản Sưng - xã Cao Sơn (Đà Bắc)… Tỉnh đang thực hiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, khu du lịch sinh thái, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi. Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng khai thác giá trị văn hóa dân tộc Mường gắn với hệ sinh thái hồ Hòa Bình, phấn đấu xây dựng hồ Hòa Bình trở thành điểm đến của du khách xa gần.
L.C