(HBĐT) - Những ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi có dịp về thăm xã Bắc Phong (Cao Phong). Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự năng động của người dân trên địa bàn, bộ mặt nông thôn và đời sống của bà con đổi thay từng ngày. Đường giao thông được đầu tư khang trang, trồng hoa 2 bên tạo nên bức tranh nông thôn đầy màu sắc.
Đường giao thông trên địa bàn xã Bắc Phong (Cao Phong) được đầu tư, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.
Đồng chí Khương Xuân Lịch, Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho biết: Xã có tổng diện tích tự nhiên trên 2.400 ha, có 1.170 hộ, 5.100 nhân khẩu sinh sống tại 10 cụm dân cư. Xã có lực lượng lao động dồi dào với trên 2.640 lao động trong độ tuổi. Xác định thế mạnh vẫn là trồng trọt, chăn nuôi, xã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế trên địa bàn.
Bắc Phong có tổng diện tích cây trồng 509 ha, đất đai màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng. Trên địa bàn có quốc lộ 6, các trục đường liên xã Bắc Phong - Thung Nai, Bắc Phong - Tây Phong đi qua, thuận lợi cho đi lại, giao thương hàng hóa. Ngoài duy trì diện tích cấy lúa, xã có 3 cây trồng chủ lực là cây có múi (cam, quýt) 216 ha, cây mía trắng và mía tím 26,6 ha.
Bên cạnh trồng trọt, người dân phát triển chăn nuôi với trên 700 con trâu, bò; trên 1.500 con lợn; 425 con dê và 177 đàn ong. Hiện nay, toàn xã có 37 hộ kinh doanh dịch vụ, bán lẻ hàng hóa. Trên địa bàn xã có Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023 thu hút 26.815 lượt du khách đến tham quan…
Trong những năm qua, với sự cần cù, chịu khó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày một nâng cao, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Năm 2021, xã đạt chuẩn NTM. Hiện nay, xã tập trung xây dựng NTM nâng cao, đã đạt 17/19 tiêu chí. Năm 2022, thu nhập bình quân của Bắc Phong đạt 42 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 6,86%; giải quyết việc làm cho 300 lao động; 10/10 xóm đạt danh hiệu làng văn hóa, 100% cơ quan văn hóa; 88,5% gia đình văn hóa; 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 99% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. AN-QP ổn định và giữ vững.
Đồng chí Khương Xuân Lịch, Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho biết thêm: Thời gian tới, để phát triển kinh tế trên địa bàn, về sản xuất nông nghiệp, xã quan tâm hỗ trợ vốn, cung ứng giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Khảo sát, tìm những mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; vận động nhân dân mạnh dạn cải tạo thay các vườn cây lâu năm bằng giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, ổn định và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Đối với trồng cây có múi, vận động bà con đầu tư trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, giữ vững và bảo vệ thương hiệu Cam Cao Phong. Về chăn nuôi, khuyến khích bà con đầu tư mở rộng chuồng trại với quy mô ngày càng lớn, ứng dụng KH-KT vào sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh các ngành nghề hiện có như: sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, chế biến nông sản, sửa chữa máy móc phục vụ vận chuyển và sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vốn mở rộng sản xuất. Phát huy lợi thế về giao thông, khuyến khích phát triển các hoạt động thương mại - dịch vụ, trao đổi hàng hóa phục vụ tiêu dùng và đầu tư xây dựng, sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa cho nông dân… Xã tập trung thu hút và vận động nguồn lực thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm” để hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa, trạm y tế, đường, mương… theo tiêu chí xây dựng NTM. Trên tinh thần khai thác tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Hương Lan
(HBĐT) - Trở lại xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn), chúng tôi được thấy diện mạo đổi thay của hạ tầng KT-XH và cuộc sống của người dân. Đồng chí Dương Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với những nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thực hiện nhiều giải pháp, công tác giảm nghèo bền vững (GNBV) tại địa phương đạt được kết quả đáng khích lệ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang tiến bước trên lộ trình về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023.
(HBĐT) - Xác định công tác giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) đã phát huy hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước, huy động nguồn lực cùng sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, sự quyết tâm, nỗ lực của mỗi người dân. Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn đạt kết quả đáng khích lệ.
(HBĐT) - Với quyết tâm thoát nghèo, chị Bùi Thị Huệ (SN 1985) ở xóm Ấm, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) đã mạnh dạn đi đầu trong việc phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu. Công việc của chị không chỉ duy trì trong gia đình mà còn mở rộng quy mô trở thành tổ hợp sản xuất, tạo việc làm và mang lại thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.
(HBĐT) - Trong những năm qua, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) đã huy động các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV). Trong đó tập trung phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, từ đó tạo nền tảng bền vững cho công cuộc giảm nghèo.