Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mai Châu khảo sát kết quả đầu ra sau đào tạo nghề làm nấm rơm của lao động xã Nà Phòn.
Qua khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mai Châu tiến hành mở lớp nghề, chủ yếu về trồng trọt, chăn nuôi, thêu ren, sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch. Ông Ngô Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương được triển khai bằng nguồn kinh phí thuộc các CTMTQG, trong đó có Tiểu dự án 1 - Dự án 4 thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững. Với ngành nghề học đa dạng, phù hợp với khả năng, điều kiện của người lao động (NLĐ), chương trình đào tạo, mở lớp nghề phát huy tác dụng, gắn với giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Tại huyện nghèo Đà Bắc, chương trình "Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” được đẩy mạnh và lựa chọn là kênh giải quyết việc làm quan trọng, giảm nghèo hiệu quả. Theo đó, huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền về lợi ích của xuất khẩu lao động (XKLĐ) tới NLĐ, tạo cơ hội kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và NLĐ, kịp thời triển khai chính sách của T. Ư, của tỉnh hỗ trợ NLĐ tham gia thị trường việc làm ngoài nước và tổ chức các phiên giao dịch việc làm về các xã, cụm xã. Với nhận thức ngày càng được nâng lên, cơ hội làm việc ở nước ngoài rộng mở, NLĐ trên địa bàn huyện đi XKLĐ với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tích luỹ được nhiều vốn và cải thiện rõ rệt kinh tế gia đình.
Giai đoạn 2021 - 2024, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững đã triển khai đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ việc làm bền vững cho đối tượng trọng tâm là người nghèo, người dân sinh sống ở vùng khó khăn và huyện nghèo Đà Bắc. Dự kiến đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành thực hiện 2 dự án về xây dựng khu liên hợp cơ sở thực hành, ký túc xá học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình, dự án mở rộng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình và nghề trọng điểm quốc gia; mở 235 lớp đào tạo nghề cho gần 6.900 học viên là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; tổ chức 6 buổi tập huấn, tham quan, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, gắn kết giữa doanh nghiệp và học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình.
Đối với Tiểu dự án 2 "Hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, trong năm 2024 sẽ hỗ trợ cho 165 NLĐ. Về hỗ trợ việc làm bền vững, thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hoá thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu của 10 huyện, thành phố, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm… Cụ thể là mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các đơn vị dạy nghề; xây dựng 6 phóng sự tuyên truyền, 3 cuộc toạ đàm về công tác đào tạo nghề cho hộ nghèo/cận nghèo/mới thoát nghèo; tổ chức ngày hội việc làm quy mô cấp tỉnh thu hút 40 doanh nghiệp và 1.000 lao động tham gia; 88 phiên giao dịch việc làm lưu động; 29 lớp tư vấn chuyên đề cho NLĐ là hộ nghèo/cận nghèo/mới thoát nghèo…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: Kết quả đầu ra về đào tạo nghề, tạo việc làm, XKLĐ cho thấy dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững hướng đến hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Dự án đồng thời đóng góp quan trọng thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025 bình quân mỗi năm giảm từ 2,5-3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 đạt 61%, tạo việc làm mới cho trên 19.500 lao động, trong đó XKLĐ chạm mốc 1.000 người. Riêng huyện Đà Bắc trung bình mỗi năm giảm 7,89% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 41,3 triệu đồng.
Bùi Minh