Buổi bàn giao con giống, thức ăn chăn nuôi do Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững tổ chức tại nhà văn hoá xóm Đảng 2, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) có mặt đông đủ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong diện thụ hưởng. Ông Bùi Văn Nởm, hộ nghèo xóm Đảng 2 chia sẻ: Tôi và các gia đình tham gia mô hình nuôi gà ri Lạc Sơn rất phấn khởi được dự án quan tâm. Với nguồn hỗ trợ quan trọng này, chúng tôi có cơ hội và động lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Anh Bùi Văn Huế, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện, đại diện đơn vị cung ứng giống gà ri Lạc Sơn cho dự án trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho hộ nghèo xóm Đảng 2, xã Quyết Thắng.
Cũng như các hộ trong nhóm gia đình được hỗ trợ từ dự án, vợ chồng bà Bùi Thị Hon ở xóm Đảng 2 trực tiếp đến nhận con giống gà ri Lạc Sơn và thức ăn chăn nuôi. Trước đó, gia đình bà đã chuẩn bị sẵn điều kiện về chuồng trại, tiến hành vệ sinh, khử trùng, tiêu độc quanh khu vực chăn nuôi. Ngay sau buổi bàn giao, cán bộ kỹ thuật của đơn vị cung ứng giống đến từng hộ hướng dẫn để bà con nắm vững quy trình chăm sóc, an toàn phòng bệnh.
Theo Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG xã Quyết Thắng, việc bàn giao con giống cho các nhóm hộ thụ hưởng từ dự án được tiến hành 3 đợt, chậm nhất đến ngày 20/9 sẽ bàn giao xong. Tổng số có 115 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ mô hình chăn nuôi gà ri Lạc Sơn với 5 nhóm hộ gia đình, tổng trị giá hỗ trợ 344 triệu đồng/nhóm. Cụ thể, mỗi hộ được hỗ trợ 60 con gà giống và 234 kg cám. Bên cạnh mô hình hỗ trợ chăn nuôi gà ri Lạc Sơn, trên địa bàn 4 xóm (Ba Khoang, Quyển, Châu Tróng, Chiềng) được Dự án hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò sinh sản với số lượng 34 con bò sẽ được cấp trong thời gian tới.
Là vùng đặc biệt khó khăn, dân số gần 14.400 người, xã Quyết Thắng đang nỗ lực thực hiện 3 chương trình MTQG, gồm: Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm thoát khỏi tình trạng khó khăn, nâng cao đời sống người dân. Những năm qua, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước, các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi và được hỗ trợ vật tư, tư liệu sản xuất, chuyển đổi nghề. Tổ chức phi chính phủ Tầm nhìn thế giới cũng có những viện trợ thiết thực nhằm cải thiện đời sống người dân. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 29,7%.
Đồng chí Bùi Văn Nên, Chủ tịch UBND xã cho rằng: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện trên địa bàn sẽ góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu KT-XH, QP-AN mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Để mô hình tạo nguồn sinh kế cũng như tác động vào kết quả giảm nghèo tại địa phương, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG xã đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trang bị kiến thức phòng bệnh, chăm sóc gà ri Lạc Sơn cho bà con và yêu cầu đơn vị cung ứng giống có trách nhiệm hướng dẫn hộ chăn nuôi theo phương pháp "cầm tay chỉ việc”.
Hiện nay, sản phẩm hàng hoá gà ri Lạc Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng khắp. Việc chọn mô hình nuôi gà đặc sản giống bản địa phù hợp tập quán sản xuất, điều kiện của các hộ dân. Với nguồn con giống thời điểm bàn giao đạt 45 ngày tuổi, kỳ xuất bán gà thương phẩm dự kiến vào cuối năm 2024. Các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia mô hình cũng yên tâm bởi đơn vị cung ứng giống là Hợp tác xã Chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện cam kết thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG xã sẽ đồng hành, bám sát việc triển khai thực hiện mô hình để dự án đạt kết quả đầu ra mong muốn.
Bùi Minh
Để Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn đạt mục tiêu, hiệu quả, huyện Lạc Sơn đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, góp phần tạo động lực và sự lan toả chương trình.
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 9,2%. Hoà Bình đang thực hiện mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) từ 2,3 - 2,5%, còn 6,9 - 6,7%.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Lạc Sơn đã có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Đây là điều kiện giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có được nguồn vốn để phát triển sản xuất, vượt lên khó khăn.
Cun Pheo là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và người dân đã phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Kim Bôi ổn định, an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân được quan tâm. Đặc biệt, thực hiện công tác giảm nghèo, các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó thực hiện đa dạng hình thức truyền thông, thông tin (TT,TT) về giảm nghèo, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bình quân hàng năm, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo cho trên 15.000 người, trong đó có khoảng 13.000 lao động nông thôn. Cùng với việc đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng, công tác đào tạo nghề góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh.