Trên 1.000 người trong độ tuổi lao động là học sinh, sinh viên các trường nghề, bộ đội chuẩn bị xuất ngũ, lao động chưa tìm được việc trên địa bàn các huyện, thành phố đã đến với Ngày hội việc làm tỉnh Hòa Bình năm 2024. Đây là năm thứ ba Sở LĐ-TB&XH tổ chức ngày hội với mục đích thúc đẩy công tác giải quyết việc làm, tạo "cầu nối” giữa doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và người lao động.


Bộ đội chuẩn bị xuất ngũ, sinh viên các trường nghề quan tâm tìm hiểu việc làm ngoài nước tại Ngày hội việc làm tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Khoảng 1 tháng nữa, Bùi Văn Trung đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đơn vị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sẽ xuất ngũ trở về quê nhà ở thôn Ninh Ngoại, xã An Bình (Lạc Thủy). Tham dự Ngày hội việc làm, Trung và những bạn trẻ chuẩn bị xuất ngũ đợt này mong muốn sớm tiếp cận và gia nhập thị trường lao động. Trung chia sẻ: Các doanh nghiệp, đơn vị đã thông tin, giới thiệu hàng nghìn việc làm trong nước, ngoài nước, từ công việc lao động giản đơn và những công việc đòi hỏi có tay nghề kỹ thuật cao. Đến đây, tôi tìm hiểu thông tin vị trí việc làm, mức lương, chính sách ưu đãi, nhất là chính sách đối với trường hợp bộ đội xuất ngũ được tư vấn, học nghề miễn phí; hỗ trợ vốn vay xuất khẩu lao động đối với lao động là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Tôi đã trao đổi số điện thoại với doanh nghiệp để sau khi xuất ngũ sẽ tiếp tục cân nhắc lựa chọn việc làm, trong đó, tôi quan tâm thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản với cơ hội nâng cao tay nghề, thu nhập hấp dẫn.

Chị Nguyễn Thị Hà ở xã Yên Mông (TP Hòa Bình) từng có 3 năm làm việc cho một công ty chuyên về ngành hàng may mặc ở tỉnh Bắc Ninh. Sau thời gian về nghỉ thai sản, chị quyết định thôi việc để có điều kiện chăm con nhỏ. Biết được thông tin diễn ra Ngày hội việc làm, chị Hà phấn khởi tham gia với hy vọng tìm được công việc gần nhà, phù hợp với khả năng. Chị Hà tâm sự: Cũng như hoàn cảnh của các chị em đang nuôi con nhỏ, nguyện vọng của tôi là vừa đảm đương vai trò của một người mẹ, vừa được làm nghề để tự chủ về thu nhập của bản thân. Đến với ngày hội, tôi đã đăng ký lịch hẹn phỏng vấn của Công ty Esquel Hòa Bình vì khoảng cách tương đối gần, mức lương và chế độ đãi ngộ cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Trong khuôn khổ Ngày hội việc làm, 31 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đã có sự chuẩn bị chu đáo về gian hàng tuyển dụng, gồm biển bảng, ghế ngồi, bàn tư vấn, tờ gấp, tờ rơi thông tin doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn viên giúp người lao động dễ dàng tiếp cận. Công tác tuyên truyền, thông tin về địa điểm, thời gian và các nội dung hoạt động ngày hội được đẩy mạnh trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có khoảng 540.000 người trong độ tuổi lao động. Số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh khoảng 100.000 người, còn lại làm các công việc phi chính thức hoặc đi làm việc ngoài tỉnh, làm nông, lâm, ngư nghiệp và khoảng 3.000 đang làm việc ở nước ngoài. Với chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thị trường lao động chưa phát triển, việc phân luồng giáo dục, định hướng nghề nghiệp và tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước có ý nghĩa quan trọng trong công tác giải quyết việc làm.

Năm 2024, tỉnh phấn đấu tạo việc làm cho trên 16.000 lao động, trong đó, xuất khẩu lao động 1.000 người. Bên cạnh các phiên giao dịch việc làm lưu động được triển khai ở 10/10 huyện, thành phố, Ngày hội việc làm cấp tỉnh năm 2024 tổ chức nhằm tăng cường hiệu quả công tác hỗ trợ việc làm bền vững, dịp để người lao động, nhất là lực lượng lao động trẻ nắm bắt cơ hội du học, xuất khẩu lao động. Các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông tin, quảng bá về thương hiệu, sản phẩm của mình, đồng thời tư vấn, phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tiếp và trực tuyến kết nối các tỉnh khu vực phía Bắc theo nhu cầu. Đặc biệt sau Ngày hội việc làm sẽ có nhiều lao động tìm kiếm được việc làm, lựa chọn nghề học phù hợp với bản thân hoặc thông tin, tuyên truyền cho bạn bè, người thân về việc làm và định hướng nghề nghiệp trong thời gian tới. 


Bùi Minh

Các tin khác


Hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện Kim Bôi

Với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kim Bôi được trang bị chuyên môn, kỹ năng, các kiến thức khoa học kỹ thuật để làm nghề, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Qua triển khai, thực hiện các hoạt động đã tạo nhiều việc làm, cải thiện thu nhập của lao động nông thôn, thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tích cực giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động

Công tác giải quyết việc làm (GQVL), trong đó xuất khẩu lao động (XKLĐ) có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Hàng năm, tỉnh Hoà Bình xây dựng kế hoạch tạo việc làm mới cho 16.000 lao động, trong đó XKLĐ khoảng 600 người.

Xã Nhân Mỹ giảm nghèo đa chiều

Cuối tháng 10 vừa qua, đoàn công tác Văn phòng Tỉnh ủy trở lại xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) để dự lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Đồng chí Bùi Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Về đích nông thôn mới từ năm 2023 nhưng đời sống của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Trong tổng hộ nghèo, ngoài xét về tiêu chí thu nhập, nhiều hộ nghèo thiếu hụt đa chiều về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Huyện Lạc Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Bên cạnh những dự án thành phần triển khai tích cực, việc triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Sơn năm 2024 còn chậm tiến độ. Điển hình là Dự án 2 và Tiểu dự án 1 - Dự án 3 do UBND các xã làm chủ đầu tư. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực tham gia thực hiện chương trình chưa đồng đều; tỷ lệ giải ngân chưa đảm bảo theo kế hoạch.

Phụ nữ xã Phú Nghĩa sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng giảm nghèo

Chồng mất từ lâu, con trai cả đã trưởng thành nhưng do ảnh hưởng sau tai nạn giao thông nên thần trí không ổn định, gia cảnh của chị Nguyễn Thị Thắng, hội viên phụ nữ thôn Bến Nghĩa, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) gặp rất nhiều khó khăn. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức hội, đoàn thể, chị được hỗ trợ kinh phí và ngày công sửa chữa nhà ở. Cùng với đó, chị được tiếp cận vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư phát triển chăn nuôi. Cuối năm 2023, khi kinh tế ổn định hơn, chị tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục