Cán bộ y tế thôn bản xã Tân Pheo gặp gỡ, tư vấn  về biện pháp chăm sóc thai nhi cho em Lò Thị Thoại ở xóm Náy 2.

Cán bộ y tế thôn bản xã Tân Pheo gặp gỡ, tư vấn về biện pháp chăm sóc thai nhi cho em Lò Thị Thoại ở xóm Náy 2.

(HBĐT) - Người ta thường bảo tuổi 15 - 17 là cái tuổi vô lo, vô nghĩ, ăn chưa no, lo chưa tới, là thời kỳ trẻ mới lớn lên nên thể chất, tâm hồn còn non nớt lắm. Thế nhưng ở huyện Đà Bắc, trẻ vị thành niên phải làm vợ, làm mẹ lại là chuyện không hiếm. Trung tâm YTDP huyện Đà Bắc vừa thống kê một con số sửng sốt: 9 tháng năm 2012, toàn huyện có 75 trường hợp trẻ vị thành niên mang thai. Hiện còn 49 trẻ đang được theo dõi, quản lý thai nghén.

 

Cấm, phạt vẫn cưới

 

Vấn nạn tảo hôn tập trung nhiều ở những xã vùng cao, điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn như: Tiền Phong, Đoàn Kết, Tân Pheo... Trong số các trẻ vị thành niên đã làm vợ, làm mẹ hiện nay, đa số là người dân tộc Dao, Tày, phổ biến nhất ở tuổi 16.

 

Bà Hà Thị Cúc, y tế thôn bản xóm Náy 1, xã Tân Pheo kể: Các cặp tảo hôn ở đây đều làm cưới, hỏi cả đấy. Có người biết đến khuyên can, xóm, xã đến nói hết nhẽ mà họ chẳng nghe. ở đây, nhiều bà con người Dao, Tày vẫn theo phong tục, tập quán cũ, con gái học đến biết chữ là được rồi, lấy chồng sớm cũng giúp gia đình bớt đi gánh nặng. Tiệc cưới, hỏi của trẻ vị thành niên rôm rả, công khai chẳng khác cách tổ chức cưới, hỏi thường thấy, có đám làm cỗ mời anh em, bạn bè, họ mạc lên tới 50 - 60 mâm.

 

Có điều, vì bản thân người vợ, thậm chí có trường hợp cả người chồng và người vợ đều chưa đủ tuổi kết hôn nên các cặp đôi này dù đã tổ chức cưới xin vẫn không được pháp luật công nhận. Theo chị Lường Thị Bình, cán bộ tư pháp xã Tân Pheo, nạn tảo hôn diễn biến phức tạp trong 1, 2 năm nay, kéo theo đó là tình trạng làm mẹ ở tuổi vị thành niên nổi cộm. UBND xã vừa tiến hành xác minh, xử lý 11 trường hợp tảo hôn (vi phạm lĩnh vực hôn nhân và gia đình), trong đó có 3 trường hợp còn trây ì, 8 trường hợp đã chấp hành xử phạt hành chính. ông Lường Văn Thâm, Trưởng Trạm y tế xã cung cấp thêm danh sách trường hợp trẻ VTN mang thai trong 2 năm (2011 - 2012) như các em Lý Thị Lan, Bàn Thị Mai, 16 tuổi, dân tộc Dao ở xóm Bon, Bương; Xa Thị Thực, 16 tuổi, dân tộc Tày ở xóm Náy... Các em Lan, Mai đã sinh con, trong đó có 1 em phải sinh mổ.

 

 

Hệ lụy tảo hôn

 

Câu chuyện lấy chồng sớm của em Lò Thị Thoại, người dân tộc Tày ở xóm Náy 2, xã Tân Pheo là một thí dụ. Sinh năm 1995, Thoại học đến lớp 7 thì xin nghỉ, ở nhà làm nương rẫy. Tháng 12/2011, em về làm vợ một người con trai xóm Náy 1 khi tuổi mới vừa 16. Còn quá trẻ để làm dâu, con, mọi việc trong gia đình nhà chồng, Thoại chưa tự thu xếp được. Mẹ chồng bảo làm gì, Thoại làm nấy và cũng chỉ làm được mấy việc quét nhà, phụ mẹ nấu nướng mà thôi. Giờ, Thoại lại sắp làm mẹ. Chúng tôi gặp em khi em đang mang thai ở tháng thứ 9. Với sức nghĩ chưa đủ lớn, dường như em chưa biết tới đây sẽ đương đầu với những khó khăn khi phải làm mẹ thế nào. Chạnh lòng, xót xa khi Thoại ngơ ngác thổ lộ: Trước lúc mang thai, em được 40 kg. Giờ gần đến ngày sinh, em mới tăng được 5 kg. Vì ngại, tính lại hay quên nên trong suốt thời kỳ mang thai em bỏ, không uống bổ sung viên sắt.

 

Chưa đến tuổi kết hôn đã phải lấy chồng, chưa sẵn sàng cho việc mang thai đã trải qua cuộc đẻ, trẻ tuổi vị thành niên tảo hôn ở Đà Bắc với tâm, sinh lý chưa hoàn thiện, chưa được trang bị hành trang để đối mặt với những nguy cơ, thách thức lâu dài. Bác sĩ Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Đà Bắc chia sẻ: trước mắt, làm vợ, làm mẹ ở tuổi còn quá trẻ như thế, vị thành niên còn xấu hổ, giấu việc mình mang thai, ngại tiếp cận, thăm khám. Nhiều em do chưa biết cách chăm sóc bản thân, nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề chăm sóc thai nghén cũng chưa đến nơi, đến chốn dẫn đến nguy cơ cuộc đẻ nhiều tai biến, một vài trường hợp phá thai ở cơ sở y tế tư nhân bị tai biến dẫn đến vô sinh. Kỹ năng nuôi con sau đẻ của người mẹ trẻ cũng rất yếu nên đứa con dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, còi cọc. Với trường hợp trẻ vị thành niên sinh nở, trạm y tế cơ sở ít dám tiếp nhận, thường tư vấn đẻ ở bệnh viện tuyến huyện hoặc tuyến cao hơn để tránh tai biến sản khoa.

 

 

Cách nào xóa bỏ?

 

Trong quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, vi phạm tảo hôn sẽ chịu xử phạt hành chính. Việc xử phạt chủ yếu nhằm mục đích giáo dục để cá nhân nhận thức được sai phạm, tự nguyện sửa chữa, thực hiện nghĩa vụ pháp luật hoặc chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung. Với người vi phạm là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng cao, xa, có xem xét đến ảnh hưởng và tác động của phong tục, tập quán để vận dụng cho phù hợp (từ cảnh cáo đến xử phạt vi phạm hành chính).

 

Dù rằng vẫn còn một bộ phận đồng bào thiểu số có tư tưởng cũ, nặng về phong tục, tập quán nhưng nhìn nhận lại công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở huyện Đà Bắc những năm qua vẫn chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả. Sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể các xã trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật còn ở chừng mực nhất định. Vấn nạn tảo hôn ở vùng cao đang là một trong những thực trạng báo động. Theo bà Xa Thị Ngọc, Trưởng phòng Tư pháp huyện, Đối với trường hợp tảo hôn, cách được pháp luật cho phép là không đăng ký kết hôn cho họ. Để ngăn chặn vấn nạn này cần bắt đầu từ vai trò của chính quyền cơ sở. Đẩy mạnh, đổi mới phương pháp truyền thông, tư vấn sẽ tác động thiết thực, mạnh mẽ hơn, làm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về địa bàn vùng cao, xa cũng cần được tăng cường hơn nữa. Với trẻ vị thành niên và thanh niên vùng cao nên hướng cho các em được tiếp cận, tham gia hoạt động của các CLB pháp luật, SKSS của phụ nữ, thanh niên... Xây dựng quy ước, hương ước xóm, bản không có vấn nạn tảo hôn cũng là việc đáng làm.

 

 

 

                                                                                 Bùi Minh

 

 

Các tin khác

Nhờ Tráng Y Đua, Sùng A Lấu đã đoạn tuyệt với ma túy trở về với nếp nhà bình yên, hạnh phúc.
Số cổ vật được cất giữ tại xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) không được bảo quản có nguy cơ bị hư hỏng theo thời gian.
CB-CS Cảnh sát PCCC thường xuyên luyện tập các phương án, rèn luyện thể lực, kỹ năng... đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi thực tế công việc.
Lãnh đạo Ban Dân tộc và nhân dân xóm Đăm- xã Đồng Nghê vui mừng có đường giao thông.

Phía sau vụ tai nạn ở thủy điện suối Tráng

(HBĐT) - Dù đám tang người xấu số trong vụ tai nạn đã qua được nhiều ngày nhưng lối vào nhà anh Bùi Văn Phương ở xóm Dài, xã Bắc Phong (Cao Phong) vẫn còn vương kín tiền, vàng mã. Mùi nhang khói đọng lại trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo cứ cọt kẹt theo mỗi bước chân người cộng với những khuôn mặt thẫn thờ của ông lão ngoài 80 tuổi bên cửa voóng chốc chốc lại đưa vạt áo lên chấm giọt nước đặc quánh trên khóe mắt khiến người ta không khỏi chạnh lòng.

Rẻ quá… phận người

(HBĐT) - Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo phạm tội “mua bán người” và “mua bán trẻ em” tại TAND tỉnh ngày 27/8/2012 không có quá đông người tham dự. Nhưng lại có quá nhiều điều để nói về các hành vi, thủ đoạn phạm tội của các bị cáo khi còn quá trẻ. Đặc biệt hơn cả đó chính là thái độ của những nạn nhân của bọn buôn người vẫn chỉ coi đó như là một chuyến... phiêu lưu nơi xứ người.

“Dựa vào nhân dân, chúng tôi truy bắt được tội phạm đặc biệt nguy hiểm”

(HBĐT) - Ngày 26/8 vừa qua, sau 7 tiếng đồng hồ rượt đuổi đối tượng Tạ Văn Hùng, sinh năm 1965 tại xã Phong Vân, Tân Yên, Bắc Giang vận chuyển 100 bánh Hêrôin, 800 viên ma tuý tổng hợp, lực lượng phòng chống ma túy, công an tỉnh đã vây bắt và tiêu diệt đối tượng. Đây là một chiến công xuất sắc của Công an tỉnh trong những năm gần đây. Ngoài lòng dũng cảm và sự khôn khéo của lực lượng công an thì quần chúng nhân dân đóng góp không nhỏ vào thành tích trên.

Vò rượu cần... đánh giặc

(HBĐT) - Tính ra, câu chuyện được người dân Phú Lương (Lạc Sơn) kể nhiều nhất không phải là những mùa vàng bội thu mà đó là câu chuyện về những người con mưu trí, quả cảm chỉ bằng một... vò rượu cần đã tiêu diệt được 105 tên giặc. Câu chuyện đó đã được ghi vào trang sử vàng của dân và quân Mường Vang như một chiến công sáng chói trong những năm kháng chiến chống Pháp. Quá khứ đã xa nhưng lại thật gần trong ký ức và trong trang sử của người Yên Lương - Phú Lẫm (xã Phú Lương ngày nay).

Một đêm ở Lài

(HBĐT) - Đồng Nghê là xã xa nhất, cao nhất, khó khăn nhất của huyện Đà Bắc. Xóm Lài là xóm xa nhất, cao nhất, khó khăn của xã Đồng Nghê. Ở đây chỉ có 15 hộ dân với 80 nhân khẩu sinh sống. Bao năm nay, sống của họ dựa vào rừng. Giờ đây, rừng đã làm cuộc sống của họ dần thay đổi.

Liên Hòa - nơi ghi dấu chiến công đầu của lưới lửa phòng không tầm thấp

(HBĐT) - Dù đã 47 năm trôi qua nhưng trong tâm trí những người dân, chiến sỹ dân quân xóm Lục, xã Liên Hòa (nay là xã Yên Nghiệp - Lạc Sơn) khi xưa trên trận địa phòng không đồi Mèng, đồi Nâu vẫn luôn còn nguyên cảm giác sung sướng vỡ òa khi chiếc máy bay Mỹ trúng đạn bốc cháy rơi ở địa phận xã Văn Nghĩa. Chiến công đó đã mở đầu cho phong trào bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh của quân và dân các tỉnh thuộc Quân khu 3 trong những năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục