Cửa Nánh nhìn từ tuyến tỉnh lộ 433.

Cửa Nánh nhìn từ tuyến tỉnh lộ 433.

(HBĐT) - Nằm cách trung tâm huyện lỵ 72 km, Suối Nánh là xã lòng hồ của huyện vùng cao Đà Bắc. Khi công trình thủy điện Hòa Bình được xây dựng, nhiều nóc nhà cùng những “bờ xôi ruộng mật” của đồng bào Mường, Dao nơi đấy đã chìm sâu dưới hàng trăm mét nước và cuộc mưu sinh trên những “sườn dốc sống trâu” cũng bắt đầu từ đấy. Trở lại Suối Nánh trong những ngày đầu năm, dường như cuộc sống của người dân nơi đây đang dần đổi thay khi đường tỉnh lộ 433, khu chợ cụm Tuổng - Nghê - Nánh cùng trạm y tế, trường học đã được xây mới khang trang, chúng tôi có cảm giác Suối Nánh không còn xa.

 

Nơi  ngã ba sông 

 

Vượt hơn 70 km đường đèo dốc quanh co, 10 giờ sáng chúng tôi mới đến được UBND xã Suối Nánh, lúc này sương núi cũng bắt đầu tan loãng để nhìn rõ mặt người. Ở đây, đâu đó những bông đào, mai nở muộn vẫn thưa thớt trên cành nhưng trên những vạt nương người dân đã bắt đầu cho một mùa vụ mới. Phiên chợ chạy đầu tiên của năm mới cũng đã được mở ở khu chợ cụm Tuổng  Nghê- Nánh. Tiếp chúng tôi, anh Bùi Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Suối Nánh ví von: Nếu như ở các xã vùng biên, con gà cất tiếng gáy cả ba nước đều nghe thì ở đây một con gà cất tiếng gáy ba tỉnh cùng nghe vì ở đây như ngã ba sông vậy, nhìn sang bên kia sông là đất Sơn La, đi thuyền chếch xuống dưới một chút là chạm đất Phú Thọ. Tiếp nối câu chuyện thú vị ấy, anh Phúc kể rằng, trước đây Suối Nánh không treo leo trên những sườn dốc như thế này, trung tâm xã nằm trên những bãi bồi của dòng Đà giang hùng vĩ với đất đai màu mỡ bao đời mang lại ấm no cho đồng bào Mường, Dao. Nhưng rồi công trình thủy điện sông Đà được xây dựng, mấy chục hộ dân ở đây cũng bắt đầu cuộc vén dân mưu sinh trên những sườn dốc. Giao thông chia cắt, diện tích canh tác ít trong khi điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt đã đẩy nhiều hộ dân xã Suối Nánh vào cuộc sống khó khăn.  Cả xã có 5 xóm nhưng chỉ có 3 xóm sống tập trung, còn lại 2 xóm nằm tít trên những sườn dốc. Nhiều xóm sau khi vén dân như xóm Bưa Sen, xóm Duốc thì không còn ruộng vườn mà chỉ còn cách làm nhà bám vào những hộc đá và mưu sinh trên những sườn núi hoặc trông chờ vào sự ưu đãi của dòng sông với nghề đánh bắt cá, thả đó tôm. Chính vì vậy, đã có nhiều hộ dân ở các xóm phải rời bỏ quê hương đi vùng kinh tế mới, anh Phúc tâm sự. 

 

“Suối Nánh không xa”

 

Tuy nhiên, đến Suối Nánh những ngày đầu năm, đã có một sự thay da đổi thịt trên mảnh đất này. ông Bùi Văn Ghiện, Bí thư Đảng ủy xã Suối Nánh cho biết: Sự đổi thay đầu tiên của vùng quê nghèo này chính là tuyến tỉnh lộ 433 được đầu tư xây dựng. Không chỉ kéo gần Suối Nánh hơn với huyện với tỉnh mà còn là động lực giúp Suối Nánh phát triển. Nói không đâu xa, có con đường mới, những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân sớm hơn, các nông lâm sản do bà con làm ra cũng dễ tiêu thụ hơn, không còn phải trông chờ vào những chuyến thuyền chợ một tuần mới ghé lại 1 lần như trước đây nữa. Có đường mới trẻ em đến trường cũng đã thuận lợi hơn nhiều, ông Ghiện tâm sự. Cùng với sự đầu tư về hệ thống đường giao thông, công trình chợ cụm Nánh  Tuổng  Nghê được xây dựng cũng đã thực sự mang lại bộ mặt mới cho xã. Có khu chợ tạm, hàng tuần thuyền bè ghé qua trao đổi buôn bán, người ở các tỉnh Sơn La, Phú Thọ cũng lên góp hàng nên hàng hóa lưu thông, kinh tế phát triển. Ngoài ra, hệ thống điện đường trường trạm ở đây cũng đã được đầu tư xây dựng. ông Viên cho biết nhờ các dự án của Chương trình 135, xóa đói giảm nghèo, hiện nay ba trường mầm non, TH và THCS, trạm y tế xã đã được đầu tư nâng cấp và xây mới khang trang.

 

Được đầu tư về cơ sở hạ tầng, Suối Nánh cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để có hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế. Năm 2006, sau nhiều lần khảo sát chất đất và thăm quan mô hình ở một số nơi, Đảng ủy, chính quyền xã Suối Nánh đã chọn cây ngô lai làm cây trồng chủ lực. Kể lại câu chuyện cây ngô giải bài toán xóa đói giảm nghèo, ông Bùi văn Ghiện, Bí thư Đảng ủy xã đưa chúng tôi đến bưa Sen, một trong những xóm không có ruộng ở Suối Nánh. Trước đây, bưa Sen có 40 hộ nhưng rồi do điều kiện kinh tế khó khăn, hơn 1/2 số hộ đã di dời vào Tây Nguyên đi kinh tế mới, còn lại 18 hộ sống bám vào những triền hốc đá. Nhưng đó là trước đây, bây giờ từ 18 hộ này, hơn 30 hộ dân đã được hình thành nhưng đây cũng là xóm có thu nhập cao và ổn định nhất xã. Nguyên nhân của sự đổi thay này chính là việc xóm đã thử nghiệm và đưa vào trồng đại trà đầu tiên giống ngô lai năng suất cao mà xã đã giới thiệu với bà con. Từ Bưa Sen, cây ngô lai đã được nhân rộng ra nhiều xóm trong xã. Trên những hộc đá hay trên những sườn dốc cao đều được bà con tận dụng trồng ngô. Chính vì xác định được cây trồng chủ lực, có đường giao thông đi lại thuận lợi, nên kinh tế Suối Nánh đã tăng lên đáng kể. Năm 2012, thu nhập bình quân của xã đạt gần 7 triệu đồng/ người/ năm, sản lượng lương thực đạt 780 kg/ người/ năm. 100% trẻ em đến trường đúng độ tuổi, phòng khám khu vực đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, 100% hộ dân trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia, 90% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

                                                                             

 

 

                                                          Phương Linh 

 

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục