(HBĐT) - Quá nửa đêm, cả khu phố chìm trong giấc ngủ bỗng rộ lên tiếng cãi vã, một giọng đàn bà nói nhỏ nhưng đêm vắng vẫn đủ cho các nhà xung quanh nghe rõ:
- Đừng đánh nó, Hoàng ơi!
Giọng con trai nói như quát:
- Mẹ buông ra để con cho nó một trận.
Người mẹ nài nỉ:
- Mẹ xin con! Mẹ biết lỗi rồi. Lần sau mẹ không để như thế nữa.
- Thật không hiểu mẹ là người như thế nào nữa. Đã tuyên bố cấm chỉ rồi mà mẹ vẫn còn cho nó về nhà. - Giọng người con trai càng to hơn - Mẹ không nuôi được thì hôm ở Tòa án sao không để cho nó mang con bé đi.
- Mẹ xin con! Lần sau mẹ không thế nữa. Vào nhà đi. - Giọng người mẹ trở nên bất lực.
Người con trai dứt khoát:
- Không! Con không thiết sống trong cái nhà này nữa. Đấy mẹ muốn làm gì thì làm.
Chiếc xe ô tô taxi đỗ trước cổng từ nãy. Người con trai lên xe đóng sập cửa lại, chiếc xe lao vút đi, mặc cho người mẹ ngồi thụp xuống khóc rưng rức.
Thì ra là hai mẹ con nhà cô giáo Thủy. Từ trước đến giờ hàng xóm xung quanh không lạ gì chuyện cơm không lành, canh không ngọt của gia đình cô. Nhưng hôm nay, sự việc lại xảy ra lúc nửa đêm gây ồn ào khu phố. Chả là sau khi vợ chồng cậu con trai ly dị, bé Quỳnh Hoa hơn hai tuổi được Tòa án cho phép người chồng nuôi con vì gia đình bên chồng có điều kiện hơn. Nga - con dâu cô giáo Thủy nhớ con bé nên thi thoảng lẻn về thăm. Cô giáo Thủy thấy tội nghiệp không nói gì. Mấy lần Nga chào bé Quỳnh Hoa ra về, nó khóc giãy lên nên Nga đành ngủ lại qua đêm với con vì Nga biết rằng, Hoàng - bố của Quỳnh Hoa thường xuyên đi chơi bời, cờ bạc thâu đêm suốt sáng. Nhưng hôm đó không hiểu lý do gì mà hơn 1 giờ sáng Hoàng đột ngột về nhà. Cô giáo Thủy xuống mở cổng. Nga xuống theo lấy xe đạp điện để khi cô Thủy mở cổng cho Hoàng, Nga ra về luôn. Phát hiện thấy Nga đến ngủ với con, Hoàng nhảy vào đấm, đá. Nếu không có cô giáo Thủy can ngăn, Nga khó mà thoát thân được.
Sinh ra trong một gia đình khấm khá, bố của Hoàng, ông Thái làm Phó giám đốc một công ty xây dựng, mẹ dạy toán trường THPT. Khi Hoàng gần 10 tuổi, cô giáo Thủy mới sinh em gái Minh Thùy nên suốt thời gian thơ ấu, Hoàng lớn lên trong vòng tay của bà Hiền vú nuôi. Kể cả khi đi học lớp một cũng bà Hiền đưa đi, đón về. Bà Hiền thuộc dạng bảo sao làm vậy, nên nuôi trẻ đã là quá sức. Bố Hoàng là người ít nói lại có thói quen quát tháo ra lệnh cho cấp dưới, nên từ khi Hoàng còn bé hầu như chưa một lần bố Hoàng nói với con một lời tử tế. Cô giáo Thủy ngoài việc phó mặc nuôi con cho bà Hiền, cô lại rất cưng chiều con. Hoàng muốn gì cô cũng đáp ứng một cách thái quá, chưa nói đến các khoản chi phí khác mà cậu quý tử bịa ra để xin tiền. Chỉ đến khi Hoàng học hết lớp 3, bà Hiền mới thôi nhiệm vụ đưa đón, ở nhà chăm lo cơm nước, quét dọn. Hoàng đi học về là chui tọt vào phòng bật máy tính lên chơi game, cả tối cũng vậy, phòng ngủ của Hoàng là nơi “bất khả xâm phạm”. Bố mẹ vào phòng trong lúc Hoàng đang chơi game là Hoàng tỏ thái độ khó chịu, gắt gỏng.
Lên THPT, Hoàng học cùng trường mẹ dạy nên dù học yếu cũng vượt qua được và tốt nghiệp. Sau đó, Hoàng thi vào trường cao đẳng nghề học về điện lực. Học được nửa chừng, Hoàng bỏ học theo đám bạn bè chơi bời, lêu lổng. ông Thái sợ con sa vào con đường nghiện ngập nên đã đưa Hoàng vào làm nhân viên phòng hành chính của cơ quan ông. Có lần cô giáo Thủy hỏi chồng:
- Thằng Hoàng đâu mà không thấy nó về ăn cơm?
- Biết đâu đấy! Mấy hôm nay có thấy mặt nó đến Công ty đâu. - ông Thái trả lời.
Hoàng cứ đi thâu đêm suốt sáng. Thời gian đầu, cô giáo Thủy nghĩ là con mình chơi bời với đám bạn cùng lứa, khuya quá thì ngủ lại nhà bạn vậy thôi, Hoàng cũng nói với mẹ như thế. Mãi về sau thấy Hoàng xin tiền mẹ nhiều lần và số tiền cũng khá lớn, cô Thủy hỏi qua mấy người bạn của con mới biết Hoàng lao vào con đường cờ bạc. Khi Hoàng hơn 20 tuổi, cô Thủy tính chuyện lấy vợ cho con, mong rằng khi vui thú vợ chồng, với lại người đàn bà cũng như cái dây cương mềm có thể ghì được con ngựa bất kham thì may ra nó mới có cơ hội bỏ cờ bạc. ở trường có một cô giáo dạy môn vật lý mới về, cô Thủy thấy vừa mắt, vừa mũi nên có ý định vun vén cho Hoàng. Cô thường đưa cô bé tên Nga về nhà chơi mà rất ít khi gặp Hoàng nhưng rồi lửa gần rơm cuối cùng cũng bén. Cưới vợ xong, cũng chỉ được dăm hôm rồi đâu vẫn đóng đấy.
ông Thái cũng nghĩ con mình chỉ chơi bời chút ít cho vui nên không ngăn cản kiên quyết. Còn cô giáo Thủy thương con, nếu nói nặng lời, nó dỗi bỏ đi thật thì không biết tìm đâu nên Hoàng lại càng tự do đi về, tự do lấy tiền trong tủ cô cũng không quan tâm. Mãi đến một buổi tối có một tốp thanh niên 4 đứa trợn trạo đến nhà đòi nợ ông bà mới vỡ lẽ, số tiền nợ lên đến gần hai trăm triệu đồng. Khất lần khất lượt mãi không xong. Nửa tháng sau, bọn chúng mang đến nhà một bó dao, kiếm ném đánh xoảng xuống đất, buộc ông Thái ký vào giấy nợ sau một tuần phải trả hết. Thế là lô đất cơ quan cấp cho ông từ hơn 10 năm trước phải bán vội.
Nga sinh ra trong một gia đình không mấy hoàn chỉnh. Sau khi bố mẹ bỏ nhau, Nga sống với mẹ. Mẹ Nga lấy một người chồng tuổi nhiều hơn một giáp. ông này gia đình cũng trục trặc nên dọn đến ở cùng mẹ con Nga. Hơn một năm sau mẹ Nga sinh thêm một bé gái. Mẹ Nga lại rất chiều con, đến nỗi ông bố dượng phản ứng tiêu cực, mượn chén rượu để giận cá, chém thớt. Dù sự việc cãi cọ diễn ra như thế nào thì mẹ Nga vẫn tìm cách bênh vực con gái. Nga chỉ việc đi học không phải làm gì cả, mọi việc ở nhà mẹ lo hết.
Con gái đến tuổi thì phải gả chồng nhưng đối với Nga hai chữ “lấy chồng” không đồng nghĩa với việc “đi làm dâu”. Từ tấm bé chưa ai đưa vào tay Nga cái chổi để quét nhà chứ nói gì đến vo gạo cắm nồi cơm điện... Cô giáo Thủy ngoài giờ lên lớp còn phải dạy thêm buổi tối, thế là gia đình từ khi có thêm người mới lại chẳng đâu vào đâu, ai muốn làm gì thì làm. Có lần cả nhà đông đủ nhưng không ai đi chợ nấu nướng phải ra quán mua cơm hộp. Mọi sự trở nên rắc rối kể từ khi Nga sinh bé Quỳnh Hoa, thời gian đầu có bà ngoại đến trông nom, giặt giũ. Với con dâu, cô giáo Thủy nghĩ: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” chứ có ai nói dạy con dâu đâu, mình có đẻ nó ra đâu mà dạy, không khéo nó vặc lại cho thì phải dại mặt. Mà chết nỗi thằng chồng nó có ra gì đâu mà dạy được vợ chứ. Nghĩ vậy nhưng cô vẫn tìm cách hướng dẫn con dâu nhiều thứ nhưng giá như đứa khác không biết thì khi có ngưởi chỉ bảo phải tiếp thu, đằng này nó nói với cô là cái gì ở trên mạng cũng có hết, không cần mẹ phải dạy.
Hàng ngày nhìn con dâu bật nhạc ở máy điện thoại di động cho bé ngủ, bật Ipad cho bé vừa xem hình, vừa ăn bột, cô giáo Thủy nghĩ bây giờ nuôi con sướng thật, việc gì cũng máy làm hết, kể cả giặt giũ, chỉ tiếc là đứa bé không được nghe những lời ru của mẹ. Nghĩ vậy thôi chứ chính cô nuôi Hoàng từ bé có bao giờ cô hát ru cho nó ngủ đâu mà bà Hiền ấy sao không biết hát ru cho trẻ con ngủ nhỉ?
ở chung trong một nhà có người lớn còn chưa ăn ai, đằng này lại tạo cho chúng nó cái thói tự do vô tội vạ.
Nói vậy nhưng ông Thái cũng buông xuôi và thế là tiền thuê nhà chung cư, tiền thuê người trông trẻ, ông bà lo, còn hai đứa tự lo lấy việc nuôi nhau, nuôi con. Vợ chồng Hoàng ra ở riêng được khoảng ba, bốn tháng. Đến một ngày, cô trông trẻ tạt qua nhà cho biết là thôi không làm nữa, chúng nó đánh nhau sưng cả mặt mũi, mẹ con ôm nhau về ngoại rồi. Hôm sau, Hoàng về nhà cầm theo lá đơn ly dị có đủ chữ ký của hai người, ông Thái và cô giáo Thủy mới hiểu mọi chuyện đã đi đến hồi kết.
Sáng ra, cô giáo Thủy điện đến trường xin nghỉ một buổi để đi tìm con, điện thoại của nó tắt máy. Cô đến những nhà bạn bè của nó đều không có. Tìm cả buổi mà không thấy tăm hơi Hoàng ở đâu, cô trở về trong vô vọng.
Bữa chiều hôm đó, hai vợ chồng cô giáo Thủy chỉ ngồi nhìn mâm cơm. ông Thái chỉ uống rượu suông. Không ai nuốt được lấy một hạt. Cô nghĩ không hiểu tại sao bao nhiêu tai họa lại giáng xuống gia đình mình? Con cái tại sao không có trách nhiệm với chính bản thân mà cứ làm khổ bố mẹ như vậy? Nhưng cô nào có nghĩ được tất cả những cái mà cô gọi là tai họa đó đều bắt nguồn từ chính bản thân cô, chồng cô và cả ông, bà thông gia nữa. Những người mà lẽ ra phải giành nhiều thời gian cho việc dạy dỗ con cái hơn, trang bị cho chúng kỹ năng sống và điều quan trọng nhất là gieo vào tâm hồn chúng tình cảm yêu thương của con người. Mà đến hôm nay dù cô có nghĩ được như vậy, mọi việc cũng đã muộn.
Họ cứ ngồi lặng câm bên mâm cơm mà không biết ngoài sân nắng đã tắt.
N.T.L
(Phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình)
(HBĐT) - Tháng 7 chạm ngõ bằng cơn mưa bay nhè nhẹ báo thu sang. Cái nắng gay gắt của chiều hè đã dần dịu. Những đóa sen cuối mùa, những nụ hồng trắng... được nâng niu chuẩn bị cho đại lễ Vu Lan báo hiếu. Tháng 7 không chỉ là tháng ngâu và nhiều người quan niệm là tháng cô hồn mang đến những điều đen đủi mà đáng trọng hơn đó là khoảng thời gian lắng đọng nhất trong một năm để con cái hướng về cha mẹ với tất cả sự biết ơn và lòng hiếu thuận.
(HBĐT) - Vậy là đến thời điểm này các sĩ tử đã biết điểm thi THPT quốc gia. Mới đó mà đã 1 tháng, giờ chỉ còn chọn trường, chọn khoa và nộp hồ sơ. 12 năm đèn sách của con cũng làm những người làm cha, làm mẹ như chị hồi hộp chờ đợi. Nhớ lại hôm đưa con đi thi, trong thâm tâm chị Lan vẫn thầm biết ơn tấm lòng sẻ chia ấy. Nếu hôm đó không có tấm lòng rộng mở chẳng biết mẹ con chị xoay xở ra sao.
(HBĐT) - Tháng 7 chạm ngõ cũng là khi những cánh phượng bắt đầu rơi rụng, một vài bông sót lại trên cành, phai sắc đỏ nhạt dần. Mùa thi cũng đã khép lại với những em học sinh cuối cấp. Có vui buồn, lo lắng, phấn khích cho những dự định tương lai. Tháng 7 theo mẹ ra đồng, bắt đầu cho vụ mùa mới. Những dẻ mạ non cắm sâu vào lớp bùn non, lá phất phơ trước làn gió nồm đang thổi, hứa hẹn mùa mới tốt tươi.
Truyện ngắn của Bùi Huy
(HBĐT) - Không biết từ thời điểm nào mà quán nước chè của bà H. béo lại trở thành điểm dừng chân của khá nhiều khách (người qua đường, bà con cùng dãy phố, thực khách của các quán ăn gần đó...). Sáng, trưa, chiều tối lúc nào cũng có người túm tụm. Có thể vì bà chủ hoạt ngôn, phúc hậu và nữa là chè của bà ngon có tiếng cùng các câu chuyện thế sự không dứt... Hôm nay, bà bạn ở cuối dãy phố rảnh rang nên 2 bà có dịp uống chè đá, cắn hạt hướng dương. Đừng tưởng người già ngồi một chỗ là hết chuyện và không biết gì… Vừa thấy một anh còn khá trẻ ăn mặc tề chỉnh phóng xe lướt qua, bà H. béo đánh mắt và hỏi bà bạn:
(HBĐT) - Đang là mùa vải, xoài. Ngoài đường phố, các gánh hàng rong hai sọt vải màu đỏ tươi đi rong khắp các ngõ phố. Một vài anh xe thồ chở đầy xoài ửng vàng. Vào mùa xoài, mùa vải giá cả chỉ vài ba chục đồng một cân. Thế những trong bếp nhà chị Thảo thỉnh thoảng lại xuất hiện một rổ quả xoài, quả to lẫn quả bé, vừa xanh, vừa vàng và một vài chùm vải màu đỏ tươi bên mớ rau ngót, rau bí, lá lốt, hương nhu.