(HBĐT) - Mặt trời đã ngả về hướng tây, những tia nắng xiên chéo vào gáy ông Lạng. Bình thường, vào giờ này, chả mấy khi ông ló mặt ra ngoài trời. Với cả, ông còn đang lúi húi chuẩn bị cám bã cho đàn lợn đang dụi mõm kêu đói phía sau nhà.
Nhưng hôm nay, nắng thì mặc nắng, mỗi bước di chuyển của ông mặt trời trên nền da trời xanh trong lại càng làm ông thấy nóng ruột, thằng Thành đi đâu từ hôm qua tới giờ, chẳng nói chẳng rằng, điện thoại không gọi được. Chiều nay, nó không về, tức là nó đi thật rồi, nó lại theo vết xe đổ? Không khá lên được, ờ nhưng nó vẫn là con mình cơ mà.
Năm ấy, ông Lạng là bộ đội vừa xuất ngũ trở về, chỉ có hai bàn tay trắng nhưng nhờ những ngày đóng quân ở nơi xa, Lạng học hỏi được cách nuôi lợn nái và thả cá, nuôi gà. Đời thằng đàn ông mới 25 tuổi cột chân vào V.A.C kể cũng tù túng, quanh năm, suốt tháng, quần áo quyện mùi cám bã, tanh tưởi mùi cá mú, đám con gái trong làng không ai chê cười anh nhưng cũng chả để mắt tới. Nhiều hôm đi ăn cưới, anh phải tắm gội rất kỹ để bay bớt mùi hôi hám ấy, người ta vẫn có phần ngài ngại khi ngồi gần anh.
Ấy thế mà, như các cụ bảo, nồi méo thì cũng có vung méo thật mà cô Huệ xóm dưới thì nào phải vung méo cũng xinh xắn, nết na, chỉ phải tội là con không có cha chính thức. Lạng cũng mồ côi mẹ từ lúc còn bi bô. Từ khi anh về làm rể, ngôi nhà của mẹ con Huệ lần đầu tiên có bàn tay đàn ông sửa sang từ cái quạt trần khô dầu kêu suốt đêm đến sân bê tông bị sụt vỡ, cái nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Hai vợ chồng lại cặm cụi chăn nuôi tích góp từng ngày, chờ đợi đứa con đầu lòng ra đời.
Ấy vậy mà điều tưởng thật giản đơn như bao cặp vợ chồng khác lại trở thành vô vọng. Một năm rồi 2, 3 năm qua đi, Huệ như bông hoa đã héo tàn theo từng ngày. Họ hàng, bà con làng trên, xóm dưới bắt đầu bàn tán, giục giã mà bụng Huệ vẫn lép kẹp. Lắm bữa bưng bát cơm lên, hai vợ chồng không nói với nhau lời nào bởi cả hai đều biết căn bệnh của mình không thể có con, đó là những ngày tháng họ chìm trong bi kịch, nếu như không có một chuyện thương tâm xảy ra.
Ông cậu của Huệ là một người buôn bán vàng bạc ở phố huyện, ông có đứa con trai rất khó bảo. Thằng Hà, em họ cô tính rất lì lợm, đã thích gì thì không ai cản được, bất quá nó lại làm liều. Mới vào lớp 10, nó đã cắm xe đạp lấy tiền chơi điện tử. Bố mẹ làm gắt quá, nó mượn xe bạn đi cắm, bỏ học giữa giờ ra quán nét. Đến lúc mấy ông chủ quán bị bố mẹ nó dằn mặt không dám chứa chấp, cả nhà mới ngã ngửa, Hà đã mắc nghiện ma túy.
Những ngày sau đó, gia đình ông cậu của Huệ khốn khổ. Một ngày, thằng Hà dẫn về một con bé, đầu cắt tém, mặc quần bò rách te tua. Mẹ nó còn chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì nó lễ phép bảo:
- Tôi phải cưới vợ, bố mẹ không cưới, bọn tôi đi.
- Nhưng mày phải hứa cưới xong phải đồng ý đi cai tao mới cưới - Mẹ nó gay gắt.
Cái đầu nó gật gật, chẳng biết là do nó đồng ý hay đó là sự mệt mỏi của dân nghiện rồi đám cưới cũng được diễn ra rất đàng hoàng. Bà con lối phố còn mải say sưa bàn tán về cái bụng lùm lùm của cô dâu thì mấy tháng sau một thằng cu kháu khỉnh ra đời. ông nội bé đặt tên là Thành. Người ta lại bảo, biết đâu nhìn đứa con kháu khỉnh mà thằng Hà tu tỉnh lại.
Thế rồi, người ta tìm thấy xác Hà dưới gầm cầu, nó phê thuốc lại ngã xuống dòng suối giữa mùa đông lạnh giá. Chẳng đợi đến lúc cai sữa cho con, mẹ Thành đã bỏ nhà theo một người đàn ông khác mà không bao giờ quay trở lại. ôm bé Thành vào lòng, Huệ rơm rớm nước mắt, thương cậu, thương em, thương cháu, trách đứa em dâu nhẫn tâm bỏ con. Cô bỗng thấy thương cho cả số phận mình.
Nhìn cảnh ấy, ai cũng bảo, giờ hợp lý nhất là vợ chồng Huệ - Lạng đón cháu về nuôi cho vui cửa, vui nhà lại vừa là máu mủ nhà mình. Huệ len lén về hỏi Lạng, anh trừng mắt quát cô té tát. Lạng bảo cô suy nghĩ thế nào mà về hỏi anh việc ấy, sao không bế nó về luôn vì anh cũng mong, cũng yêu thằng bé biết đến chừng nào. Anh cấm cô không bao giờ được nói với Thành về bí mật cuộc đời nó trước khi nó trưởng thành, đây là nhà của nó, hai vợ chồng mình không coi nó là con mình thì còn biết yêu thương ai?
Huệ chạy đi đón thằng Thành về bằng những giọt nước mắt nóng hổi của niềm hạnh phúc được làm mẹ. Những tưởng, đó là những giọt nước mắt cuối cùng bởi từ hôm đó, hai vợ chồng chăm chút, nâng niu trong những đêm bé Thành sốt khi mọc răng, khi trái gió, trở trời. Ngày Thành được mẹ đưa đến trường. ông Lạng đứng sau hàng rào sắt để ngắm những bước chân đầu tiên của con vào lớp. Hai bố con cùng loay hoay đánh vật với những bài toán khó.
Tốt nghiệp phổ thông, dù được bố mẹ chăm chút, quan tâm chuyện học hành nhưng 2 năm liền, Thành vẫn thi trượt đại học. Biết lực học của con có hạn, ông Lạng đành dẫn con đến trường học nghề lái xe. Thành bắt đầu với nghề phụ xe, lúc đầu còn là những chuyến xe tuyến gần, khách vắng, nó nằng nặc đòi anh chị cho đi phụ tuyến xa để có thêm thu nhập. Thành bảo cố gắng đi làm lấy kinh nghiệm rồi sau này, nhà mình có tiền vay mượn mua xe để nó chạy.
Thế mà chiều hôm kia, những giọt nước mắt của bà Huệ lại rơi xuống. Lúc đó cũng tầm mặt trời xế bóng chưa thấy con về, điện thoại không liên lạc được, hai ông bà thấy lo lắng. Bỗng bà Nhàn ở xóm trên hớt hải chạy xuống:
- Các bác có biết thằng Long nhà em đi đâu không?
- Tôi đâu có biết, cháu nhà tôi có bao giờ chơi với con bác đâu - Bà Huệ nhanh nhảu đáp lại.
- Có đấy, lúc nãy thấy có người bảo thằng Thành nhà bác lúc sáng đến rủ thằng Long nhà em đi. Nhà em đang giữ nó ở nhà để đưa cháu đi cai giờ biết tìm nó ở đâu?
Nghe đến đây, hai vợ chồng ông Lạng tái mặt, nghĩ đến thân hình con trai ngày một gầy đi, nếu mà đúng nó đến tìm thằng Long, cái thằng xì ke chuyên trộm cắp vặt ở xóm ấy thì nguy hiểm thật rồi. Vào nhà, bà Huệ lại phát hiện ra trong tủ hụt mất mấy triệu đồng tiền mua thức ăn chăn nuôi. Tưởng đã được yên ấm, ai ngờ, ông trời lại không thương đôi vợ chồng già cả một đời lam lũ, ăn ở hiền lành.
Ông Lạng tuy cố an ủi vợ rằng Thành với Long đã có thời phổ thông từng học cùng lớp nên có cớ để gặp nhau, nào là phải tin ở con mình, ở những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Từ ngày được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, ông Lạng luôn tự hào về gia đình mình tuy chưa giàu có gì nhưng đã thoát nghèo bằng mô hình chăn nuôi hiệu quả. Hơn nữa con cái lại ngoan ngoãn không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xóm, làng. Thế mà giờ đây, chính ông cũng đang đau lòng và sốt ruột. Hỏi bác tài xe khách thì chỉ biết chuyến này Thành không đi phụ, nó xin nghỉ vì có việc gì đó bận lắm...
Thành bưng bát cơm từ tay mẹ, tối nay, mất điện, nó ra ngồi ngoài thềm nhà ăn cơm, bà Huệ cầm cái quạt nan vừa phe phẩy quạt cho con, vừa trách yêu. Thành nuốt vội miếng cơm rồi ngước lên nhìn mẹ:
- Mẹ à, con có lỗi là lấy tiền của mẹ mà không xin phép nhưng nếu chậm thêm thời gian nữa, thằng Long nó nguy mất. Thỉnh thoảng qua đấy, con sẽ nghe ngóng hỏi thăm tin tức của nó.
- ờ (bà Huệ cười), thế sao con biết được trung tâm cai nghiện đấy rất có uy tín?
- Thì con là dân chạy xe mà mẹ, vào đấy, xa tụi ở đây, chắc nó sẽ cai được.
ông Lạng đi từ ngoài ngõ vào, tay cũng đang cầm một chiếc quạt nan:
- Vợ chồng bà Nhàn mừng lắm mình à. Nhà có điều kiện nên mai ông ấy sẽ vào thăm thằng Long, ông bà cứ cảm ơn mãi. Tôi bảo có cảm ơn thì cảm ơn thằng Thành ấy, nhờ nó mới tìm ra chỗ cai nghiện hiệu quả cho con nhà ông bà.
Nói rồi, ông quay sang Thành:
- Mà con trai bố năng động nhưng hơi tự tung, tự tác đấy nhé, đúng là cái gen của tôi đấy bà nhỉ?
Bà Huệ cười rồi lại liếc nhìn con, Thành đâu biết mấy ngày qua bố mẹ hoài nghi nó, nhìn con gầy đi vì vất vả, bà Huệ thấy thương con nhiều hơn. Thành ăn no rồi lên giường ngủ khì để sáng hôm sau còn đi phụ xe. Đêm nay, cả làng bị mất điện, ai cũng cầm trên tay chiếc quạt nan vừa phe phẩy, vừa kêu trời oi bức. Vậy mà riêng vợ chồng ông Lạng, bà Huệ lại cảm nhận một cơn gió thổi mát rượi và cơn gió ấy sẽ mang đến sự mát lành cho cuộc đời này.
Bùi Việt Phương
(Tổ 4, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình)
(HBĐT) - Bác Hồ của chúng ta vốn là người giản dị. Hình ảnh Bác cao lồng lộng và thật vĩ đại nhưng trong sinh hoạt đời thường cũng như khi Bác xuất hiện thật gần gũi và ấm áp. Bác thật quen thuộc trong bộ áo quần kaki bạc màu, cổ sờn, ve áo hơi tù. Hiện tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vẫn lưu giữ bộ quần áo đó, bộ quần áo Bác Hồ đã mặc trong ngày lễ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
(HBĐT) - Hồi còn nhỏ, nỗi thèm thuồng lớn nhất của những đứa trẻ quê nghèo như chúng tôi là những cây kem, viên kẹo. Một trăm đồng mua được hẳn 10 viên kẹo cốm màu xanh thơm nức mà không có tiền mua. Mỗi buổi trưa, chiếc xe kem đi qua với tiếng mời gọi kêu vang khắp xóm trên, làng dưới như một sự quyến rũ không thể nào ngồi yên. Chị em tôi lục đục đi tìm dép rách, chai thủy tinh cũ không dùng để đổi. Có chai, dép rách đổi được 1 hoặc 2 que kem, may mắn sẽ được mỗi người 1 que còn nếu không 3 chị em tôi ăn chung một que và nếu không có gì đổi, chúng tôi đành nuốt nước miếng nhìn sự tươi mát ấy đi qua những rặng tre để cho cơn thèm thuồng nhỏ dần theo tiếng xe kem trong mỗi trưa nắng vàng.
(HBĐT) - Tháng 7 chạm ngõ bằng cơn mưa bay nhè nhẹ báo thu sang. Cái nắng gay gắt của chiều hè đã dần dịu. Những đóa sen cuối mùa, những nụ hồng trắng... được nâng niu chuẩn bị cho đại lễ Vu Lan báo hiếu. Tháng 7 không chỉ là tháng ngâu và nhiều người quan niệm là tháng cô hồn mang đến những điều đen đủi mà đáng trọng hơn đó là khoảng thời gian lắng đọng nhất trong một năm để con cái hướng về cha mẹ với tất cả sự biết ơn và lòng hiếu thuận.
(HBĐT) - Vậy là đến thời điểm này các sĩ tử đã biết điểm thi THPT quốc gia. Mới đó mà đã 1 tháng, giờ chỉ còn chọn trường, chọn khoa và nộp hồ sơ. 12 năm đèn sách của con cũng làm những người làm cha, làm mẹ như chị hồi hộp chờ đợi. Nhớ lại hôm đưa con đi thi, trong thâm tâm chị Lan vẫn thầm biết ơn tấm lòng sẻ chia ấy. Nếu hôm đó không có tấm lòng rộng mở chẳng biết mẹ con chị xoay xở ra sao.
(HBĐT) - Tháng 7 chạm ngõ cũng là khi những cánh phượng bắt đầu rơi rụng, một vài bông sót lại trên cành, phai sắc đỏ nhạt dần. Mùa thi cũng đã khép lại với những em học sinh cuối cấp. Có vui buồn, lo lắng, phấn khích cho những dự định tương lai. Tháng 7 theo mẹ ra đồng, bắt đầu cho vụ mùa mới. Những dẻ mạ non cắm sâu vào lớp bùn non, lá phất phơ trước làn gió nồm đang thổi, hứa hẹn mùa mới tốt tươi.
Truyện ngắn của Bùi Huy