(HBĐT) - Ngày nào cũng vậy, cứ 5h là chị dậy chuẩn bị cho cuộc hành trình vào với học sinh thân yêu. Cuộc hành trình lặp đi, lặp lại đã mấy năm rồi, vậy mà chị không thay đổi. Mọi người đều khuyên chị nên trở về thành phố cho đỡ vất vả lại được gần con nhưng chị không chịu. Đã chót gắn bó với những đứa trẻ vùng xa này rồi, chị không nỡ xa chúng. Sáng chị dậy sớm lo mọi thứ sẵn sàng cho con, rồi dặn dò bà cho cháu ăn để đến lớp, còn chị lên đường. Con đường từ nhà đến trường đã quá quen thuộc, đi đoạn này chị có thể hình dung ra đoạn sau, đến những khúc cua hay những “ổ gà, ổ voi” trên con đường rẽ vào trường. Cứ thế, chị cảm nhận con đường như được rút ngắn hơn, đến với những gương mặt ngây thơ, đôi mắt mở to ngơ ngác như nhanh hơn.
Chiều đến, khi dạy xong tiết học cuối cùng, chị lại tất tả trở về thành phố, ở đó có đứa con nhỏ đang ngóng chờ mẹ về. Hai mẹ con sống cùng ông bà ngoại. Vợ chồng chị lấy nhau chẳng được bao lâu thì chia tay. Cuộc chia ly nhẹ nhàng nhưng chị gần như chẳng còn gì ngoài đứa con. Chồng mải chơi, ham cờ bạc, chẳng lo gì cho cuộc sống, làm ăn được bao nhiêu anh cũng “nướng” hết vào canh bạc. Thậm chí hàng tháng trời cũng không gặp con, không trò chuyện được với con bởi sáng anh đi làm, đến lúc gần sang canh mới trở về. Không chịu được cảnh ấy, chị đề nghị chia tay và anh đồng ý. Vậy là chị ôm con về bà ngoại, lúc đó, cu T. mới hơn 2 tuổi. Kể từ ngày đó, hai mẹ con luôn có nhau. Cũng chính vì lẽ đó mà dù dạy cách nhà hơn 40 cây số nhưng ngày nào chị cũng đi đi, về về. Chị về để bù đắp cho con và cũng là lấy động lực cho chính mình để cố gắng hơn trong cuộc sống, công việc.
Hàng ngày, chị vượt 35 km đường nhựa và gần 10 km đường đất gập ghềnh, khúc khuỷu, vượt dốc, vượt ngầm mới tới được trường. Những hôm thời tiết đẹp, nắng ấm chỉ đi khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ là đến nơi, nhưng những hôm trời mưa to, gió lớn, bão lũ… thì chị “phải bò” trên đường mất 2 giờ mới tới được trường. Có những ngày mưa to, gần đến trường rồi vẫn phải quay về vì lũ lớn không qua ngầm và ngược lại cũng có những lúc phải ở trường mấy ngày vì lũ không về được. ở vùng sâu, vùng xa, mùa mưa đến thường gặp lũ. Nước trên đồi đổ về có thể cuốn trôi mọi thứ. Con lũ cứ ầm ầm, dòng nước cuồn cuộn chảy có thể cô lập từng xóm nhỏ.
Khi mới vào dạy ở trường vùng khó khăn này, với chị, mọi thứ đều lạ lẫm. Những hôm rét như cắt da, cắt thịt, chị cuốn đủ thứ từ giày, tất, khăn, mũ, áo đơn, áo kép mà vẫn thấy rét. Vậy mà học sinh của chị chỉ mặc trong một áo và ngoài một cái áo khoác mỏng manh, không khăn, không tất. Nhìn bọn chúng mà sót ruột. Từ đó, chị tìm cách để giúp đỡ các em. Về nhà, chị kêu gọi anh chị em, họ hàng, bạn bè ai có quần áo cũ, không dùng đến cho chị xin. Mọi người đều ngạc nhiên nhưng chị kể về học sinh của mình, về cuộc sống còn khó khăn của trẻ em vùng sâu, vùng xa, sự thiếu thốn, vất vả của gia đình chúng. Vậy là chị nhận được sự đồng tình của mọi người cùng san sẻ, giúp đỡ. Cứ thế, chị giúp học sinh trong lớp mình chủ nhiệm rồi phát động trong toàn trường. Chị động viên các em cố gắng học tập để sau này có tri thức phục vụ cho bản làng, cho chính cuộc sống của mình.
Những tình cảm, sự chia sẻ, động viên đã kéo chúng gần hơn, yêu quý, gần gũi chị, không e dè, sợ sệt nữa. Tuy những món quà chị mang đến cho chúng không phải là mới nhưng thật đáng quý và trân trọng. Từ phong trào của lớp chị, bạn bè, đồng nghiệp trong trường làm theo, tạo thành việc làm đầy ý nghĩa, đem lại cho mọi người niềm vui, hạnh phúc. Ngoài ra, vào mỗi dịp kỷ niệm, các trường hoặc xã, huyện có phong trào văn hóa, văn nghệ mời là chị tham gia. Là cô giáo dạy nhạc, tổng phụ trách Đội của trường nên chị làm biên đạo múa, hướng dẫn hát nhạc cho các phong trào. Vì vậy bất cứ phong trào gì chị cũng tham gia để lấy tiền gây quỹ lớp và số tiền đó chị thưởng “nóng” cho những bạn điểm cao, học thuộc bài, hiểu bài ngay trên lớp nhằm tạo hứng thú trong học tập và tránh không để tình trạng các em bỏ học giữa chừng.
Từ những việc làm nhỏ nhưng rất tâm huyết đó đã giúp chị có được tình cảm của các em. Học sinh trong lớp, trong trường đều quý mến, lúc nào chúng cũng ríu rít bên chị như người thân. Những tình cảm của học sinh với chị thật cảm động, chúng như những đứa con mà chị hàng ngày yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ. Tình cảm gần gũi, thân thương đó của học sinh mà bất cứ khi nào nghĩ đến đều mang đến cho chị cảm giác thật nhẹ nhàng, bình yên.
Một kỷ niệm mà chị không quên và cứ nghĩ đến là lại buồn cười và có cảm giác thật khó tả. Đó là lần vì mưa lũ, chị không về nhà được phải ở lại trường. Thấy cô ở lại, những em nhà gần trường đến chơi. Nhìn cô giáo ăn cơm đạm bạc với mấy hạt lạc rang, một em đã về nhà mang đến cho cô giáo mấy quả su su và thật thà nói:
- Em thấy cô ăn cơm không có rau, em mang mấy quả này đến cho cô, ở nhà mẹ em toàn chặt nấu cho lợn ăn thôi.
Nghe những lời nói chân tình của học sinh mà chị ứa nước mắt, chúng ngây thơ và hồn nhiên quá. Chính sự hồn nhiên, ngây thơ đó của học sinh mà chị muốn gắn bó với nơi xa xôi này. Bố mẹ cũng giục giã chị thu xếp xin về gần nhà dạy cho đỡ vất vả nhưng chị cứ khất lần mãi. Những tình cảm gắn bó, những sợi dây gắn kết ở nơi còn gian khó cứ níu kéo chị…
Thuý Ngọc
(HBĐT) - Quá nửa đêm, cả khu phố chìm trong giấc ngủ bỗng rộ lên tiếng cãi vã, một giọng đàn bà nói nhỏ nhưng đêm vắng vẫn đủ cho các nhà xung quanh nghe rõ:
(HBĐT) - Cuộc sống như một dòng chảy không ngừng. Chợp mắt, đi qua miền bình yên mùa xuân diệu kỳ rồi ngẩn ngơ hàng phượng nở rực vào mùa hạ bỏng rát. Thoáng chốc, lòng lại bâng khuâng, xuyến xao khi mùa Trung thu gõ cửa.
(HBĐT) - Bác Hồ của chúng ta vốn là người giản dị. Hình ảnh Bác cao lồng lộng và thật vĩ đại nhưng trong sinh hoạt đời thường cũng như khi Bác xuất hiện thật gần gũi và ấm áp. Bác thật quen thuộc trong bộ áo quần kaki bạc màu, cổ sờn, ve áo hơi tù. Hiện tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vẫn lưu giữ bộ quần áo đó, bộ quần áo Bác Hồ đã mặc trong ngày lễ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
(HBĐT) - Hồi còn nhỏ, nỗi thèm thuồng lớn nhất của những đứa trẻ quê nghèo như chúng tôi là những cây kem, viên kẹo. Một trăm đồng mua được hẳn 10 viên kẹo cốm màu xanh thơm nức mà không có tiền mua. Mỗi buổi trưa, chiếc xe kem đi qua với tiếng mời gọi kêu vang khắp xóm trên, làng dưới như một sự quyến rũ không thể nào ngồi yên. Chị em tôi lục đục đi tìm dép rách, chai thủy tinh cũ không dùng để đổi. Có chai, dép rách đổi được 1 hoặc 2 que kem, may mắn sẽ được mỗi người 1 que còn nếu không 3 chị em tôi ăn chung một que và nếu không có gì đổi, chúng tôi đành nuốt nước miếng nhìn sự tươi mát ấy đi qua những rặng tre để cho cơn thèm thuồng nhỏ dần theo tiếng xe kem trong mỗi trưa nắng vàng.
(HBĐT) - Tháng 7 chạm ngõ bằng cơn mưa bay nhè nhẹ báo thu sang. Cái nắng gay gắt của chiều hè đã dần dịu. Những đóa sen cuối mùa, những nụ hồng trắng... được nâng niu chuẩn bị cho đại lễ Vu Lan báo hiếu. Tháng 7 không chỉ là tháng ngâu và nhiều người quan niệm là tháng cô hồn mang đến những điều đen đủi mà đáng trọng hơn đó là khoảng thời gian lắng đọng nhất trong một năm để con cái hướng về cha mẹ với tất cả sự biết ơn và lòng hiếu thuận.