Cuối thu, tiết trời bắt đầu se lạnh. Buổi sáng, những cơn gió hanh hao thổi chiếc lá vàng nằm trên hè phố. Hạt sương sớm long lanh ngơ ngác trên thùy lá. Đêm, cơn gió khe khẽ rít trên mái phố, cây cổ thụ trước hiên nhà xao động, những chiếc lá cuối cùng bật cành, lao mình vào gió trong cuộc hành trình tìm về đất mẹ. Chiếc lá về nơi đất mẹ để ủ ấm những mạch ngầm cội rễ trong giá lạnh. Đợi mùa xuân cây tung lộc biếc xanh. Bay ngang qua thành phố, tiếng chim khắc khoải ướt đẫm sương, bừng tỉnh những giấc thu. Lòng chợt miên man, vậy là đã đến mùa chim di trú.

Những đàn chim bay về phương Nam để kiếm thức ăn, tránh mùa đông lạnh giá. Qua thành phố, qua những con đường sáng đèn, rặng cây ngay hàng, thẳng lối. Con phố hoa lệ luôn hấp dẫn mọi người nhưng đâu phải là chốn dừng chân của chúng. Sau một ngày bay mỏi cánh, những chú chim phải dừng lại trú chân trên những rừng cây phía bên kia thành phố khi màn đêm buông xuống. Tựa như vừa bay qua một sa mạc khô cằn, đại dương lạnh lẽo. Dường như sự mệt mỏi, đói và khát thấm vào tiếng kêu khắc khoải, buồn bã loang trong màn đêm. Ngày mai, chúng phải tìm những cánh đồng, khe suối để uống nước, kiếm thức ăn cho lại sức mà bay tiếp thêm một chặng đường dài. Cứ như vậy, chúng bay, đậu rồi lại bay, một hành trình dài đầy khắc nghiệt.

Có những chú chim phải bỏ dở cuộc hành trình vì không còn đủ sức để bay đến phương Nam ấm áp. Chúng sà xuống những cánh đồng vừa gặt xong, tìm kiếm thức ăn và trú lại đó như một sự an bài số phận. Sương lạnh thấm vào từng tấc đất, gốc rạ, phủ nâu cả cánh đồng, chúng vẫn phải ngày ngày kiếm ăn. Những đàn chim ở quê tôi cũng mang giấc mơ di trú. Giấc mơ cho sự sinh tồn. Chỉ một số con cò, vạc không đủ sức bay hay không nỡ xa làng quê mà tụ lại tạo thành một đàn kiếm ăn khắp đồng, mặc những cánh chim từ phương trời nào bay ngang qua đây như mời gọi. Cánh đồng nâu trơ gốc rạ, xơ xác dưới đông giá lạnh được điểm xuyết bằng những cánh cò, cánh vạc làm cho bức tranh đồng quê cũng thêm phần ấm áp. Cánh đồng thơm thảo, nhiều thức ăn nhưng cũng nhan nhản những cái bẫy của con người là mảnh lưới trong suốt, tiếng chim mồi hấp dẫn của đám thợ săn đang chờ chúng. Cánh chim tự do không nghe rõ tiếng kêu buồn bã của con chim mồi nên sà xuống và sập bẫy. Thiên nhiên giăng cái bẫy giá rét bủa vây xung quanh. Từ nhỏ, đám mục đồng chúng tôi đã quen với sự có mặt của những cánh chim trên đồng vào mùa đông. Hình ảnh những cánh chim dù giá rét vẫn phải bay khắp cánh đồng kiếm ăn trở thành một điều gì đó thân thuộc, vừa thú vị, vừa đáng thương. Chúng đậu trên lưng trâu, bay theo đàn trâu để bắt những chú châu chấu từ gốc rạ bay ra. Những cánh chim bay thấp thoáng trên cánh đồng nâu sẫm cũng chẳng sợ bọn trẻ chăn trâu, chúng sà xuống gần đống lửa ấm áp mà chúng tôi đang sưởi. Chúng tôi hiểu được nỗi lòng của tiếng chim hoảng hốt khi phải xa đàn nên vẫn thường bí mật làm sập bẫy của thợ săn chim. Dần dà họ cũng chán mà bỏ đi nơi khác. Những cánh chim lại thỏa sức bay đùa vờn nhau, theo đàn trâu kiếm ăn trên đồng. Nhà tôi, trước mặt là cánh đồng, sau lưng là đồi. Những ngày mưa, thả trâu rồi ngồi bên cửa voóng nhìn ra đồng mà thương cho những cánh chim. Sương sớm lạnh giá và mưa phùn làm bộ lông chúng ướt mèm, đàn chim cúm rúm nhón từng bước một như dò dẫm trong đêm. Chiều tối, trời rét hơn, chúng bay về rừng tìm chốn ngủ mong những tán cây chở che khỏi những cơn gió lạnh. Đêm, không gian yên bình, vắng lặng, phía sau cánh rừng, trên những lũy tre làng bỗng phát ra những tiếng kêu éc éc của chim lợn nghe buồn. Theo sau là những tiếng trở mình của mấy chú chim non. Tiếng kêu của chúng cũng làm con người khắc khoải theo. Mùa đông càng trở nên cô quạnh hơn. Ngày ấy, tôi hỏi mẹ:

- Sao đàn chim không đi tránh rét hả mẹ?

Mẹ xoa đầu tôi và bảo:

- Chúng già rồi hoặc có thể chúng đang nuôi con nhỏ, không thể bỏ con bay theo đàn được.

Mẹ giảng giải: Quy luật sinh tồn của cuộc sống buộc đàn chim phải tránh rét. Nhưng sự sống của những chú chim non cũng rất quan trọng. Chúng cần được bảo vệ, chăm sóc trước thời tiết khắc nghiệt. Diều đó đòi hỏi sự hy sinh rất lớn lao của thiên chức làm mẹ. Dù có giá lạnh, khó khăn đến đâu nhưng chim mẹ vẫn bươn mình ra giữa cánh đồng đầy rẫy những nguy hiểm để không chỉ nuôi bản thân mà còn vì đàn con nhỏ đợi mẹ nơi cánh rừng kia. Dó không chỉ là bản năng của sự sinh tồn mà còn chứa đựng trong đó là tình mẫu tử thiêng liêng... Không biết điều suy đoán "Có thể…” đó của mẹ tôi có đúng hay không nhưng mẹ luôn dạy chúng tôi những điều hay như thế. Đó cũng là sự cảm thông, thấu hiểu của tình mẫu tử. Mặc dù lúc đó, chúng tôi có thể chưa hiểu hết những gì mẹ nói.

Lớn lên, tôi đi học rồi đi làm xa, miền quê nghèo như nhiều người khác trong làng. Như những cánh chim di trú kia, không chịu được những khó khăn của cuộc sống quê mình nên phải bay tới quê người tìm nơi trú ngụ, mưu sinh, tôi cũng mang theo những giấc mơ phố thị. Những lúc gặp khó khăn, tôi lại nghĩ về bố mẹ ở quê, người đã vất vả nuôi tôi ăn học và tự nhủ cần phải cố gắng hơn nữa.

Bất chợt, bên ban công nhà hàng xóm vang lên một tiếng chích chòe báo sáng từ chiếc lồng sơn son. Trời đã vào đông, lòng vẫn còn ngổn ngang bao điều suy cảm.


                                                                      Bùi Đức Thắng

(Báo Văn nghệ Hòa Bình)

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Thương chiếc đèn lồng thủ công

(HBĐT) - Một mùa Trung thu nữa lại về. Bước ra phố trong đêm, tôi choáng ngợp vì ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng. Hai bên vỉa hè, người người bày biện gian hàng bánh Trung thu nhan nhản. Trẻ con thành thị tụm năm, tụm bảy xách đèn lồng điện tử nói cười nhốn nháo. Không khí Trung thu cũng như thuở nào nhưng sao nó nhạt nhẽo, hững hờ quá đỗi!

Yêu thương bình dị

(HBĐT) - Sáng thức giấc gặp dòng sông và mặt trời trước mặt, dãy núi và vầng trăng sau lưng. Chiều ngoảnh mặt lại gặp mặt trời, dãy núi, dòng sông và ánh trăng. Mấy mươi năm như vậy tưởng như đã quá quen thân, tưởng như không còn gì mới mẻ để ngắm nghía và trầm trồ. ấy vậy mà không dễ để khỏi thốt ra lời yêu thương bởi lẽ yêu thương được nuôi dưỡng từ những điều quen thân tưởng như đã trở thành bình dị ấy.

Vẫn còn những mùa gió

(HBĐT) - Đang yên đang lành thì được lệnh của bác trưởng họ: "Về có việc gấp. Nhà bác có biến”. Tức tốc về. Nhà yên ắng, chẳng có việc gì. Hàng tre bên chái nhà vẫn rì rào khúc hát ngàn năm: bình yên như chưa bao giờ giông gió, nắng mưa. Chỉ lạ là vợ chồng con trưởng bác không ở nhà. Anh Thiều đi vắng đã đành, đằng này, chị Len cũng không có mặt.

Nỗi đau mang tên chất độc da cam dioxin

(HBĐT) - Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ông bà đến với nhau sau cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ngày ấy ông là lính chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Khi rời quân ngũ ông trở về với một cánh tay đã mất. Bà là cô thôn nữ liền đem lòng yêu anh lính. Tình yêu của họ cũng đơn sơ, giản dị, mộc mạc như cái tên của ông bà. Ông Binh, bà Nết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục