Nếu có chuyến tàu xuyên thời gian trở lại thập niên 80, 90 thì nhiều người sẵn sàng mua vé để trở về tuổi thơ, trở về với Trung thu trong hồi ức. Những mùa trăng tháng tám xưa đã phủ màu thời gian trong ký ức của tôi. Đó là hình ảnh khu tập thể với con ngõ nhỏ tấp nập lũ trẻ lít nhít mỗi mùa Trung thu đến.
Mỗi buổi chiều đi học về, chúng tôi tập trung lại, phân công nhau đứa đi lấy những cây nứa khô, đứa thì hồ dán giấy, những tờ giấy thủ công xanh, đỏ, vàng… Đứa lớn chẻ nan, vót cật để làm ngôi sao 5 cánh, còn chúng tôi bé hơn cắt giấy và dán lên khung. Cứ hì hụi làm cho đến khi không nhìn thấy rõ mặt trời, bố mẹ gọi về tắm, ăn cơm xong ngồi vào bàn học bài mà vẫn nhớ những mảnh giấy mình còn cắt dở để dán vào khung đèn. Chỉ mong nhanh đến ngày mai học xong về còn làm tiếp. Cũng phải nhờ sự góp sức của người lớn thì mỗi đứa mới có một chiếc đèn ông sao.
Đêm Trung thu khỏi phải nói là vui đến cỡ nào. Chú Tiến bụng phệ đi trước cầm chiếc đèn to nhất cài nến bên trong. Còn chúng tôi, mỗi đứa một cái bé xếp thành hàng dài nối đuôi nhau cầm đèn ông sao vừa đi, vừa hát "Rước đèn ông sao/sao năm cánh tươi màu/ cán đây rất dài/cán cao quá đầu/em cầm đèn sao/ em hát vang vang/đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan”… Mải hát cầm đèn nghiêng ngả, có đứa bị nến làm cháy mất đèn…
Lớn lên tí nữa thì gần đến rằm Trung thu, bố mẹ mua bưởi về ăn, đứa nào cũng nhặt hạt đem phơi khô, sau đó bóc vỏ và xiên giây thép để đến đêm Trung thu mang ra đốt. Đứa cẩn thận hơn thì lấy ống bơ sữa bò xiên dây qua ống làm quai xách và cho hạt bưởi vào đó để đốt. Năm đó, xóm tôi có chú khéo tay vẽ được mặt nạ hình ông bụng phệ và mượn được cái trống của trường học. Hình ảnh đoàn múa lân rộn rã sắc đỏ, vàng cùng tiếng trống, tiếng hò reo, tiếng bước chân và vũ điệu của sư tử cứ rạo rực. Lũ trẻ líu ríu bám vào vạt áo của đoàn lân cùng ca vang bài ca trông trăng. ánh trăng rằm càng về đêm càng rõ hơn và chúng tôi cùng nhau phá cỗ. Tất cả người lớn, trẻ con ngồi quây vòng tròn bên mâm cỗ cùng nhắm mắt lại và ước điều gì đó. Khi mở mắt ra thì kia là chú chó bưởi lông xù, mắt đen lay láy, đĩa hồng đo đỏ chín mọng thơm ngon, bánh nướng vàng ruộm nhân hạt sen, lá chanh thơm nức mũi, bánh dẻo trắng mềm ngan ngát hương đậu xanh.
Ấn tượng hơn, gần đến Trung thu, ngoài đầu ngõ có một ông lão ngồi nặn tò he, các con vật hay các loại hoa, quả, những hình ảnh quá quen thuộc mà đứa trẻ nào cũng yêu thích. Đứa nào cũng tròn xoe mắt ngạc nhiên trước tài hoa và trí tưởng tượng phong phú của người nghệ nhân già, chỉ với vài phút đã biến bột gạo thành những chú tò he ngộ nghĩnh.
Tháng tám nay, những đứa trẻ vẫn có thể trải nghiệm một đêm rằm trọn vẹn nhưng không còn như ngày xưa nữa. Những cửa hàng bán đồ Trung thu mọc lên nhan nhản. Đồ chơi phong phú tha hồ lựa chọn và hơn thế, ánh đèn đường lung linh đã che bớt một phần sáng của ánh trăng. Các tổ dân phố cùng góp lại mua trống, đầu sư tử và những trang phục đẹp hơn xưa đi múa khắp các xóm, tổ. Những đứa trẻ con vẫn chạy theo hò la, vui mừng.
Trung thu bây giờ niềm vui của con trẻ là được bố mẹ chở đi chơi ở những điểm vui chơi, giải trí như đu quay, câu cá, lái xe, tô tượng hoặc đến siêu thị… không còn những trò ném lon, kéo mo cau hay trốn tìm như xưa nữa.
Trung thu xưa hay nay đều có những điều kỳ diệu riêng nhưng quan trọng hơn cả là mùa Trung thu tràn đầy tình thương yêu, gắn kết được sum vầy bên gia đình, người thân, nơi mà thế hệ 7X, 8X sẽ đưa các con trở về với kỷ niệm tuổi ấu thơ của mình.
Lê Nhung