(HBĐT) - Sáng thức giấc gặp dòng sông và mặt trời trước mặt, dãy núi và vầng trăng sau lưng. Chiều ngoảnh mặt lại gặp mặt trời, dãy núi, dòng sông và ánh trăng. Mấy mươi năm như vậy tưởng như đã quá quen thân, tưởng như không còn gì mới mẻ để ngắm nghía và trầm trồ. ấy vậy mà không dễ để khỏi thốt ra lời yêu thương bởi lẽ yêu thương được nuôi dưỡng từ những điều quen thân tưởng như đã trở thành bình dị ấy.


Hoà Bình, không phải nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, không phải nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, cũng không phải nơi cha mẹ tôi sinh ra nhưng lại là nơi tôi đã gắn bó suốt mấy mươi năm có lẻ. Trong ký ức tuổi thơ của mình, tôi nhớ con đường bé xíu hai bên cỏ dại dẫn tôi theo mẹ ra đầu ngõ, tôi nhớ tiếng ve râm ran mỗi mùa mít chín, tôi nhớ dòng sông với triền bãi ngút ngát màu xanh của ngô, khoai. Nhớ những buổi sáng chăn bò, buổi chiều kiếm củi, nhớ lúc túm tụm râm ran cùng chúng bạn dưới tán cây đa cổ thụ, những lúc nô vầy thoả thích dưới dòng sông Đà nước xanh trong... Nhớ da diết nhớ!

Lớn lên trên vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là người Mường, mặc dù không phải là người Mường nhưng khi nhỏ tôi đã từng được sống trong một căn gác nhỏ vô cùng xinh xắn và ấn tượng. Căn gác có cầu thang gỗ đi lên. Chính giữa có một cái cột cái bóng loáng, có thể ngồi giữa sàn dựa lưng vào đó mà đọc truyện. Xung quanh là liếp nứa với những chiếc cửa sổ nhỏ cũng đan bằng nứa, chống cửa lên là lồng lộng gió trời. Sàn cũng là sạp nứa nâu bóng, bước chân mát rượi. Gác nhỏ ấy chỉ dành riêng cho hai chị em gái trong nhà. Hồi đó, chị em tôi thường rủ bạn đến chơi. Chúng tôi đứa nằm, đứa ngồi hóng xuống rìa ao bên cạnh ngắm con chuồn chuồn búng đuôi chạm nước trước khi đậu xuống một ngọn dong rào cạnh bờ ao, ngắm con chim chả xanh nghiêng ngó trên ngọn cây rình bắt những chú cá ăn nổi lơ đễnh, ngắm một bông súng tím nhú lên xoè nở kiêu sa giữa một đám sâm nước... ở một góc khác, bên ngoài là mây bay, lá hát. Những cây tre cọt kẹt cãi cọ nhau mỗi khi bị gió lay, ngọn tre uốn cong như chiếc cần câu mỗi khi cơn mưa ào ào đến… Những đêm trăng thì thơ mộng vô cùng, chị Hằng kiều diễm mà e lệ lả lơi cùng với những đóa hoa tre mỏng mảnh tận trên cao, gió mơn man, hoa tre đỏng đảnh khoe vũ điệu mềm mại sóng sánh dưới ánh ánh trăng khuya. Từ khung cửa sổ liếp tre ấy có mùa hạ với những hạt mưa to đùng thổi bóng trên mặt ao, có những đêm trăng mặt ao lấp lánh như ngàn vạn hạt kim cương tuyệt đẹp, có những mùa thu, nước ao xanh biếc, bụi lau rủ những bông hoa trắng muốt đứng đìu hiu trong sương mai. Vì chỉ có đám con gái tụ tập quanh khung cửa sổ liếp tre bé xíu ấy nên mọi sự quan sát và thu nhận đều là những gì nhẹ nhàng và dịu dàng lắm lắm. Khung cửa ấy như một khung hình lưu lại kỷ niệm để bây giờ mỗi khi được ngồi trước cửa vóong của một mái nhà sàn tôi lại mường tượng rõ nét về những dấu yêu khi xưa trở về từ miền ký ức.

Tụi trẻ con chúng tôi bố mẹ đến từ tứ xứ nhưng học chung trường với nhiều bạn người dân tộc Mường nên chúng tôi bắt chước nhau nói tiếng Mường và chơi chung thân thiết. Đi học về bằng đường rừng có thể xa hơn, khó đi hơn, có thể bị đỉa bâu, vắt bám, ong đốt, sâu bò... nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn theo bạn đi về bằng con đường ấy. Con đường có những bụi mâm xôi quả chín đỏ từng chùm hấp dẫn, có những cây me rừng ăn một quả mà muốn uống ba vục nước suối, có những dây đào tiên chín vàng cả dây trông vô cùng thích mắt… Con đường mà khi tôi trở về trong túi sách có thêm một gói hạt cườm để xỏ những chiếc vòng tay, vòng cổ xinh xinh… chiếc nón được trà một lớp nhựa lá rừng chống mưa dột, chưa kể những con ốc đá nhỏ xíu, những viên sỏi trắng muốt xinh xinh, hòn đá kỳ lưng tròn xoe, đen nhánh… được kỳ công chọn lựa khi đi qua những con suối chảy vắt ngang qua con đường mòn. Mẹ chả bao giờ mắng tôi khi tôi đổ ra những chiến lợi phẩm thu nhặt được từ buổi đi học về muộn ấy. Chị em tôi lại có dịp xúm xít với nhau trước những món quà, mỹ phẩm và đồ chơi của núi rừng. Hôm sau, lũ bạn thèm thuồng chiếc vòng hạt cườm của tôi và con đường lại rộn ràng bước chân của một bầy trẻ nhỏ. Chúng tôi vừa xốc lại chiếc túi sách bên vai, vừa nói chuyện râm ran bằng tiếng Mường cơ nhé! Niềm hân hoan đó cho đến giờ vẫn còn vẹn nguyên trong tôi. Sau này đi học xa nhà, bạn miền xuôi thường trêu đùa, tôi chỉ cần đếm bằng tiếng Mường từ một đến mười là cả hội tròn xoe mắt và ra dấu tay rằng đã tin phục.

Sự giao thoa văn hoá thấm vào tôi từ thủa bé thơ lúc nào không hay. Lúc nhỏ, nhà mấy đứa ở quanh một cái ao. Góc vườn sát cạnh bờ ao có một cây mỵ rất lớn, gốc nằm trên bờ còn toàn bộ thân cây bò xoài trên mặt nước, cành lá xum xuê. Buổi trưa hè, tụi trẻ chúng tôi hay tụ tập ở đó. Có thể ngồi trên thân cây thả chân khỏa nước, có thể chọn chỗ cành cao hơn lấy đà nhảy ùm xuống ao bơi lội trong vòm lá và nước ao mát lạnh. Nhà nào cũng có một chiếc cầu ao nhỏ. Giặt quần áo, băm rong, cất vó, gánh nước tưới rau... là có thể nói chuyện với qua mặt nước. Thi thoảng, chúng tôi xuống cầu ao rủ nhau tối tụ tập ngủ chơi, không cần phải xin phép vì mẹ đã nghe thấy cả rồi. Gần nhà, xa ngõ, tôi thường chạy thục mạng qua một quãng đường vòng mới đến được nhà bạn. Cả hội 5, 7 đứa dí dủm trò chuyện suốt đêm, sáng ra ngủ lăn ngủ lóc đến khi mẹ bạn gọi dậy ăn sáng bằng một đĩa cơm nếp nấu trộn sắn tươi, đánh tơi cùng mỡ lợn ngon ngậy. Đến giờ, tôi vẫn rất thích thú với tục ngủ chơi của người Mường. Gia đình có việc hỉ, các mế, các bủ được con cháu mua cho áo váy mới, khăn chéo mới. Các mế, các bủ ngồi têm trầu, nói chuyện rồi ngủ chơi lại nhà. Thật đầm ấm! Con gái đi lấy chồng làng bên rồi theo chồng đi công tác, dịp lễ, tết là đưa nhau về thăm nội, ngoại. Chồng con ngủ lại bên nhà nội, con gái được về lại nhà mế mọong ngủ chơi, các chị em gái nay đã chồng, con đề huề lại có dịp ôm nhau thì thầm chuyện to, chuyện nhỏ cả đêm, thơ ấu ùa về trong chăn ấm.

Sẽ không hiếm gặp những cô gái dân tộc Kinh mặc trang phục váy Mường cũng xúng xính hoa văn, lung linh cườm cúc; không hiếm gặp những món ăn ngon như rau đồ, cá hấp, thịt gà nấu măng chua... của người Mường trên mâm cơm do bàn tay những người phụ nữ dân tộc Kinh khéo léo chế biến; không hiếm gặp những ngôi nhà sàn Hoà Bình với cách bài trí đậm nét Mường cổ mà chủ nhân lại không phải là người có gốc gác lang Mường... Những mĩ tục giao hoà thấm đẫm trong đời sống văn hoá gọi chung là văn hoá Hoà Bình mà đã là người Hoà Bình được quyền tự hào, trân quý dù là người dân tộc Kinh hay Dao, Tày, Mông, Thái... Riêng tôi, dù phố thị có mọc lên sầm uất, dù con đường trước nhà đã mở rộng thênh thang..., tôi vẫn nhớ lối xưa cỏ dại lon ton theo chân mẹ ra đầu ngõ, tôi vẫn nhớ chiếc cầu ao nối những câu chuyện bạn bè, nhớ căn gác nhỏ bố dành cho hai chị em. Sáng ngày ra, dù vạn vật biến đổi, con người đã trưởng thành vẫn được ngắm mặt trời và dòng sông trước mặt, dãy núi và vầng trăng muộn sau lưng. Trong tôi, quá khứ, hiện tại đang tiếp tục là suối nguồn sinh dưỡng chuyển hóa những điều bình dị và thân thuộc thành những yêu thương tự hào gắn bó lâu bền mãi mãi với quê hương Hòa Bình của tôi.

 

Tản văn của Lê Thanh Hồng


 


Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Cây lộc vừng ra hoa

Nơi góc sân phía trước nhà tôi là cây lộc vừng đang độ ra hoa. Cách đây mười mùa hoa, tôi đã đưa nó từ một nhà bà con trong xóm về trồng, thay cho cây lộc vừng mà tôi đã bán đi cùng với ngôi nhà sàn.

Vùng đất một thời oanh liệt

 (HBĐT) - Tôi có người anh tham gia quân đội năm 1968, hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mấy chục năm qua, ngoài tấm bằng "Tổ quốc ghi công”, gia đình chỉ còn lưu giữ duy nhất tờ giấy báo tử mang tên Nguyễn Văn Luyện, sinh năm 1937, quê quán xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình, đơn vị: "Tiểu đoàn bộ 8 - KB”, hy sinh "tại mặt trận phía Nam”. Chị tôi cùng các cháu đã cất công tìm kiếm khắp nơi, kể cả đường tâm linh, ngoại cảm nhưng tất cả đều vô vọng.

Quê hương đổi mới

(HBĐT) - Quê tôi là vùng đồng chiêm trũng nghèo, người dân chịu thương, chịu khó, lam lũ quanh năm nhưng cuộc sống thiếu trước, hụt sau. Mỗi lần về quê, trong tôi đều có những cảm nhận khác nhau và lần này cũng vậy. Đến đầu làng, tâm hồn tôi đã dâng trào cảm xúc, hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, cảm giác thật hạnh phúc. Đó là cảm nhận của đứa con xa nhà lâu ngày mới trở về bên mái ấm gia đình, được sà vào vòng tay yêu thương của cha mẹ.

Bức tranh mùa vàng

(HBĐT) - Chiều hè, tôi muốn được đứng trên bờ đê chạy theo con sông hiền hòa quê tôi để hóng gió. Những cơn gió mát rượi từ dưới lòng sông thổi lên quyện với hương thơm nồng của cánh đồng lúa chín.

Một thời phượng vỹ

(HBĐT) - Không biết tự bao giờ sân trường tôi đã có hàng phượng vĩ. Những gốc phượng khẳng khiu lạc giữa cơ man nào là bê tông, cốt thép, cửa kính tường vôi… cứ lầm lũi như thế suốt những tháng ngày đông giá. Trong nắng tháng tư hanh vàng, nắng tháng 6 đổ lửa xuống sân trường, tán phượng đơn sơ chỉ đủ làm nên chút bóng mát đơn sơ. Nhìn lên tán cây đang đơm đầy nụ hoa, bác lao công dừng tay chổi:

Những cơn mưa mùa hạ


(HBĐT) - Cả buổi sáng chỉ dọn dẹp hai tầng ngôi nhà nhỏ xíu với hai phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn, gian bếp, vậy mà mãi đến non trưa mới xong. Nằm ngả lưng xuống giường thì nghe vọng xa xa tiếng sấm. Nhìn quầng sáng hắt bên ngoài cửa kính chợt nghĩ: nắng to vậy sao mưa được.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục