(HBĐT) - Ông Mạnh chầm chậm lôi trong cái hòm tôn ra mấy thứ cũ kỹ từ những năm xa lắc xa lơ, thời ông còn là một anh lính đi B. Một con dao nhỏ dài chừng 30 cm, to bằng 2 ngón tay được bọc trong tờ giấy xỉn màu cánh dán, một chiếc mũ tai bèo cũng đã bạc màu, chiếc bình tông bị trầy tróc sơn, bộ quần áo quân phục không còn rõ là màu xanh được gấp gọn gàng, tấm ảnh đen trắng đã loang lổ đi nhiều, có những gương mặt không còn nhìn rõ được nữa… Ông cứ đưa tay mân mê từng món đồ, đôi mắt già nua nheo nheo nhìn vào từng vật.

Ông không hề hay biết thằng Tính đã đứng bên từ khi nào. Nó nhìn những thứ ông nội bày ra một cách chăm chú, đôi mắt tỏ rõ sự tò mò, ngạc nhiên. Tính sà xuống bên ông. Nó đưa tay đỡ lấy cái bình tông. Chiếc bình tuy cũ nhưng chạm vào vẫn cảm nhận được chất mát lạnh chạy vào da thịt. Ông Mạnh nhìn chiếc bình trên tay cháu, chầm rãi kể:
- Ngày đi lính, ông và đồng đội mỗi người sẽ được cấp phát một bình như này để đựng nước. Vậy mà có những đợt hành quân giữa rừng bị thiếu nước uống. Chiếc bình có khi chẳng còn giọt nước nào. Trong một chuyến trinh sát, ông được giao đi tìm nguồn nước uống cho mình và đồng đội. Cháu biết không, mệt, khát, cổ họng cứ khô rang. Lúc gần như tuyệt vọng ông tìm thấy một con suối. Chưa kịp mừng thì ông phải bật khóc, khi nhìn thấy con suối cạn khô, trơ đáy. Ông tức giận đã ném chiếc bình xuống lòng suối.
Ông Mạnh chỉ tay vào chỗ hơi bị móp của chiếc bình nói đó là do bị đập vào hòn đá dưới suối. Rồi ông trầm ngâm:
- Cũng nhờ lúc đó ném nó. Khi bình tĩnh lại, ông đi xuống nhặt chiếc bình. Tự nhiên, có một linh cảm gì đó, lạ lắm khiến ông nằm xuống, áp tai vào những viên đá cuội đang nằm lổng chổng dưới chân mình. Lòng suối khô mà sao nghe chất mát lạnh từ đá, lại như nghe có tiếng nước nhỏ giọt. Ông vội vàng đưa mắt nhìn khắp nơi tìm kiếm. Chẳng thấy gì ngoài một con suối khô chạy dài và tiếng lá rừng reo. Lúc đó, ông nghĩ chẳng lẽ do khát quá mà mình bị ảo giác, liền cúi xuống nghe lại thật bình tĩnh. Khi xác định đúng là tiếng nước, ông nhặt từng viên đá vứt ra một bên, ngay chỗ ông ném chiếc bình tông xuống dần lộ ra một hố nhỏ bằng bắp chân, sâu chừng 2 gang tay bị chèn bởi những viên đá. Những giọt nước thi thoảng từ các kẽ đá lại nhỏ xuống. Có lẽ đó là nước của cả khu rừng dồn hết cả vào cái vũng này rồi, ông vui mừng nghĩ vậy. Nhưng làm thế nào để lấy được nước? 
Vũng đó quá nhỏ và nước cũng không nhiều đến độ ông có thể cho chiếc bình xuống mà múc. Sau một hồi loay hoay, ông nghĩ ra cách lấy chiếc lá cuốn lại như cái chén uống nước, rồi múc từng chút nước đổ vào bình. Khi phát hiện ra hố nước, ông mừng như lập được một chiến công. Lúc đó nghĩ mình có thể uống hết cả hố nước kia cũng được. Nhưng nghĩ đến đồng đội cũng đang khát, đang chờ, ông không thể uống trước một mình. Ông múc cẩn thận, tránh để rơi vãi ra ngoài. Ông vét đến những chút nước cuối cùng. Cho tay xuống hố, để chất mát lạnh của nước thấm vào tay rồi cho lên miệng.
- Làm vậy để làm gì ông?
- Để đỡ khát chứ sao?
Thằng Tính tròn xoe mắt ngạc nhiên.
- Thực ra đó chỉ là cách đánh lừa cảm giác thôi.
- Vậy sao ông không uống nước trong bình.
- Còn đồng đội đang chờ. Ông mang bình nước về, ai cũng mừng run. Ai cũng khát, nhưng mọi người không dám uống nhiều, chia nhau từng ngụm một. Còn để dành cho chặng đường phía trước nếu chưa tìm được nước.
Ông nhìn tấm ảnh trên tay cháu nội rưng rưng như nhìn suốt vào những ký ức năm nào. Ông đưa tay run run chỉ vào người đứng ngoài cùng, dáng người cao, miệng cười tươi, vẻ rất thư sinh:
- Đồng chí Minh. Vì cao nhất nên hay gọi là Minh kều, hát hay, vui tính, hy sinh trong một đợt tổ trinh sát của ông bị trúng ổ phục kích của giặc. Khi biết mình bị thương có thể không qua được, một mình đồng chí ấy đã nhử bọn địch, đánh lạc hướng của chúng cho các đồng chí còn lại trong tổ rút.
Ông lại chỉ vào một người bên cạnh:
- Tâm hếch. Bình thường nói rất nhiều, hay pha trò chọc cười mọi người nhưng khi thực hiện nhiệm vụ thì lại vô cùng nghiêm túc. Còn đây là Quân, quê ở Kẻ Sặt. Hẹn ông khi nào hòa bình sẽ về quê nhau chơi. Cậu ấy hy sinh trong trận đánh ở Xuân Lộc.
Ông Mạnh cầm lên mấy món đồ khác trong hòm: một mảnh giấy đã cũ ghi lời bài hát, một chiếc bút máy, vài vỏ đạn… Món nào cũng gợi cho ông nhớ lại những kỷ niệm đã qua với bao người đồng đội đã gắn bó trong những năm chiến tranh khói lửa. Ông lại kể cho cháu nghe. Tiếng ông nhè nhẹ, êm êm như vọng về từ ký ức. Thằng Tính nghe ông kể cũng không giấu nổi vẻ xúc động. Nó nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của ông:
- Các ông ngày xưa đúng là những tấm gương yêu nước, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn mà chẳng toan tính điều gì. 
- Mỗi thời mỗi khác cháu ạ. Này nhé, bây giờ như sinh viên, học sinh các cháu, yêu nước là cố gắng học tập cho thật tốt, sau này đem tài trí của mình mà giúp cho đất nước ngày càng giàu mạnh; người nông dân sản xuất thật giỏi là yêu nước; chấp hành pháp luật, đấu tranh loại trừ các tệ nạn xã hội… cũng là yêu nước. 
- Vâng, cháu hiểu rồi ông ạ. Như chúng ta bây giờ ở trong nhà là yêu nước phải không ông?
- Đúng rồi. Trong khi cả nước gồng mình chống giặc dịch. Các quân nhân, bộ đội, y, bác sỹ ngày đêm vất vả trong các khu cách ly, các bệnh viện để chiến đấu ngăn chặn con vi rus Corona thì chúng ta ở nhà là yêu nước. 
Nói rồi ông lại chầm chậm xếp lại các kỷ vật vào trong hòm, vừa xếp ông vừa đọc câu thơ: Ngày xưa đánh giặc xông ra/ Bây giờ đánh giặc ở nhà mới ngoan. Tính nghe ông nói thì cười thích thú, rồi nó bỗng giật mình:
- Thôi chết, cháu đến giờ học trực tuyến rồi ông.
Ông Mạnh gật đầu, xua tay ra chiều nói cháu vào học. Ông cười thầm, đó, dịch bệnh không ra ngoài tụ tập, ở nhà học hành chăm chỉ, không sao nhãng; lúc rảnh rỗi lướt phây búc thì chia sẻ, tuyên truyền cách phòng, chống dịch, chia sẻ những điều tốt đẹp…, thế cũng là yêu nước rồi.

Truyện ngắn của Lê Phượng

Các tin khác


Trở lại đất Bắc

(HBĐT) - Từ ngày anh Huỳnh đưa vợ chồng, con cái về quê cha đất tổ ở miền Tây Nam Tổ quốc, anh cũng có vài lần về thăm quê vợ. Chuyện đó cũng là bình thường mà, vì nơi đây anh có trên 10 năm sinh sống và gặp được người bạn đời tâm đắc. Nhưng lần này lại khác, nên bác tôi triệu gần hết mấy cháu xa gần về để xin ý kiến.

Mầm xanh hy vong

(HBĐT)- Những cành hoa ban nở trắng, tím con đường phố xá. Cây đào nhà ai vẫn còn vương vấn nụ hoa hồng đào đường đê phố bờ sông. Trên mỗi góc phố, chồi non lộc biếc muôn loài cây làm mềm mại không gian bởi vẻ bé nhỏ, nhưng mãnh liệt, khao khát vươn lên trời xanh...

Người chị của tôi

(HBĐT) - Mẹ đặt tên chị là Nhàn, còn tên tôi là Hương. Nhàn là nhàn hạ, an nhàn. Hương là hương thơm, tỏa hương cho đời. Mẹ muốn hai chị em tôi sau này đều được sung sướng, không phải lặp lại cuộc đời cơ cực, bất hạnh như mẹ. Mẹ bảo, dù khổ thế nào, mẹ cũng sẽ cho hai chị em tôi đi học như người ta. Trước là để biết cái chữ. Sau nữa là để sống có ích, để không bị người đời coi thường. Mùa nào việc ấy. Khi mót lúa, mót khoai; khi mò cua, bắt ốc; khi lại kéo tép, tát cá. Mẹ có thể nhịn đói, có thể ăn khoai, ăn sắn chứ nhất định không để chị em tôi thiếu bữa cơm trắng. Hai chị em tôi cứ thế lớn lên từ đôi bàn tay chai sần, đen đúa của mẹ. Nhưng rồi… khi chị Nhàn lên 9, tôi lên 7, mẹ đã đột ngột ra đi giữa một ngày mưa tầm tã ngoài đồng. Thương mẹ, chị em tôi khóc cạn nước mắt. Nắm tay tôi, giọng chị khản đặc:

Ngày xuân trên thành phố mới

(HBĐT) - Sau khi sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình theo Nghị quyết số 830, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. TP Hòa Bình được mở rộng không gian, mở ra cơ hội liên kết vùng, tạo thêm động lực cho sự phát triển nhiều mặt của tỉnh, song trước mắt cũng đặt ra nhiều thách thức. Làm sao bố trí cán bộ cho đúng, hợp lý và quản lý sử dụng các tài sản công (như đất đai, nhà cửa, các công trình phúc lợi công cộng) sau sắp xếp cho tốt đang được đặt ra. TP Hòa Bình ngày nay đã tiếp giáp với TP Hà Nội, toàn bộ vùng hạ du sông Đà, vùng đồng bãi, đồi núi rộng lớn của huyện Kỳ Sơn đã nằm trong thành phố.

Tháng ba... hoa gạo đỏ

(HBĐT) - Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Sơn Nam, một người bạn cũ từ TP Hồ Chí Minh trở về quê hương "rừng cọ, đồi chè” Phú Thọ đúng vào tháng 3. Bạn chia sẻ dòng trạng thái trên facebook: Cũng hơn 10 năm rồi mới được đứng dưới cây gạo cổ thụ ngay đầu làng vào đúng dịp tháng 3. Là một sự ngẫu nhiên, nhưng cũng như sự sắp đặt để khơi gợi lại kỷ niệm. Chẳng nhớ ai đã trồng và trồng năm nào mà khi lớn lên, đi học đã thấy cây gạo xù xì, vươn cao. Hồi nhỏ, chỉ quan tâm những tổ chim la đà trên cành cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục