(HBĐT) - Sau khi sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình theo Nghị quyết số 830, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. TP Hòa Bình được mở rộng không gian, mở ra cơ hội liên kết vùng, tạo thêm động lực cho sự phát triển nhiều mặt của tỉnh, song trước mắt cũng đặt ra nhiều thách thức. Làm sao bố trí cán bộ cho đúng, hợp lý và quản lý sử dụng các tài sản công (như đất đai, nhà cửa, các công trình phúc lợi công cộng) sau sắp xếp cho tốt đang được đặt ra. TP Hòa Bình ngày nay đã tiếp giáp với TP Hà Nội, toàn bộ vùng hạ du sông Đà, vùng đồng bãi, đồi núi rộng lớn của huyện Kỳ Sơn đã nằm trong thành phố.

Nhớ lại cuộc hội thảo về quy hoạch thị xã Hòa Bình lên thành phố cách đây đã trên 20 năm. Vấn đề chiếm nhiều thời gian nhất tại hội thảo là vị trí đặt trụ sở của tỉnh và thành phố. Bố trí các phân khu, quỹ đất cho các khu dân cư, công trình phúc lợi công cộng và cơ sở sản xuất, kinh doanh sao cho hợp lý, trước mắt cũng như lâu dài, đảm bảo hài hòa giữa an cư và lạc nghiệp là những vấn đề nhận được nhiều ý kiến tham gia. Chắc chắn sau sáp nhập các xã, phường và thành phố sẽ phải lập lại quy hoạch tổng thể, với tầm nhìn mới rộng hơn, sâu hơn, xa hơn. Mặc dù diện tích tự nhiên được mở rộng hơn trước, song quỹ đất để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp với quy mô lớn là có hạn, chủ yếu thích hợp với phát triển công nghiệp nhẹ, dịch vụ, du lịch... không gây ô nhiễm môi trường.

TP Hòa Bình vốn nằm giữa trung tâm nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, tiếp giáp với xứ Đoài Hà Nội và vùng đất Tổ, do vậy có nhiều trầm tích văn hóa. Khác với bốn Mường, TP Hòa Bình từ xưa đã có sự xâm nhập văn hóa vùng châu thổ sông Hồng. Trước đây, hầu hết các giáp, các Tổng đều có đình, chùa, các nghi lễ cưới hỏi, ma chay gần giống cư dân đồng bằng Bắc Bộ, ngược lại chế độ lang đạo vùng này còn sơ khai hơn bốn Mường, cũng là nhà lang nhưng gia cảnh vẫn eo hẹp, túng thiếu. Dưới chế độ phong kiến, các địa phương này đều là "lang vay”, "lang mượn” nơi khác đến. Hầu hết cư dân là do du nhập từ bốn Mường và các tỉnh, thành vùng xuôi tới.

Ngày nay, miền núi nước ta hiếm có thành phố nào lại có cảnh quan "sơn thủy hữu tình” như TP Hòa Bình. Khuất sau thành phố là vùng lòng hồ thơ mộng - một vịnh Hạ Long trên núi với câu chuyện bà Chúa Thác Bờ, giữa thành phố là nhà máy thủy điện lớn nhất nhì Đông Nam Á, trước thành phố là vùng truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh với nhiều dấu tích còn hiện hữu từ thuở hồng hoang. Từ sau các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của phong kiến, đế quốc giành độc lập, thống nhất đất nước trước kia cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay đã để lại nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Đó là niềm tự hào của bà con các dân tộc trong vùng.

Chỉ tính từ thế kỷ trước, nhiều "tao nhân, mặc khách” đã đến thưởng lãm vùng đất này. Thi sỹ Tản Đà, sau những vấp ngã chốn khoa bảng, tình ái đã đi đò dọc sông Đà từ Khê Thượng, Bất Bạt, Sơn Tây lên với buổi sơ khai của thị xã Hòa Bình ngày ấy và để lại bài thơ "Chơi Hòa Bình” nổi tiếng. Nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân với tùy bút "Người lái đò trên sông Đà” đã khắc họa khá đầy đủ vóc dáng, thần thái người lái đò và dòng sông Đà thuở hoang sơ, chưa bị con người thuần phục - dòng sông với đoạn cuối. "Đà giang độc bắc lưu” (Lâm Quang Bích) đã làm nên cái trục chính của TP Hòa Bình ngày nay. Tiếp đó là nhà thơ Xuân Diệu với bài thơ "Tiếng gà trưa ở Thịnh Lang” đầy sức ám ảnh. Và còn nhiều văn nghệ sỹ khác thuộc nhiều thế hệ đã có những sáng tác văn học nghệ thuật để lại dấu ấn trong sự nghiệp của mình cũng như cho vùng đất này. Một bạn viết phía Nam đến thăm TP Hòa Bình đã thốt lên: chưa thấy nơi nào sông núi lại quấn quýt, chiều chuộng nhau như nơi này! Vẫn là sông nằm cho núi đứng, núi soi vào lòng sông bốn mùa tự trau chuốt cho mình, để mỗi lần ta ngắm nhìn lại mường tượng ra một dáng hình nào đó từng gặp trong đời.

Đồi núi bao quanh bốn mặt thành phố tựa như cái nôi bằng cật tre, cật nứa, che chắn bão giông và những cơn gió mùa Đông Bắc, cho vơi đi cái rét ngày đông, tháng giá. Với hai trục chính là dòng sông Đà và đường 6, xòe ra như chiếc quạt nan, giúp thành phố có những ngày hè bớt nóng bức. Sông núi thật ân tình với con người! Những người có tuổi đã gắn bó suốt đời với vùng đất này lại càng nhiều ký ức, với những buồn - vui, được - mất! Ngày nay, thành phố đã có nhiều bến đò, nhiều cây cầu phục vụ người qua lại, hai bờ sông không còn cách trở.

Dẫu dòng sông Đà là nguồn nước chính của sông Hồng, song từ thực tiễn cho thấy, sông Đà ngày nay không còn sung mãn như thời nhà văn Nguyên Tuân viết tùy bút nữa mà đã như người cao tuổi. Với việc khai thác sức nước làm quay tua bin các nhà máy thủy điện, phát nương rẫy phía thượng nguồn, khai thác cát sỏi, tận dụng nguồn nước hạ du cho các nhà máy nước sinh hoạt... Con người đã "phát huy” tối đa dòng sông, trái lại, việc "chăm sóc” cho dòng sông lại chưa được chú trọng thỏa đáng. Đó là một cảnh báo lớn đối với con người, trước mắt cũng như lâu dài.

Trở lại với sự kiện TP Hòa Bình được mở rộng. Bên cạnh niềm hân hoan vui mừng cũng không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng trong một số ít bà con. Đó là sự chênh lệch về hạ tầng cơ sở giữa vùng trung tâm thành phố với các thôn, xã vùng cao, vùng sâu, vùng ven, cần được đầu tư, trong khi đó nguồn nội lực của địa phương còn hạn chế. Vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo môi trường sống cho người dân trước nhu cầu ngày càng cao cũng được đặt ra.

Ngày đầu xuân, đứng dưới chân tượng Bác Hồ trên đồi Ông Tượng ngắm nhìn TP Hòa Bình mới hình thành, nghe như đâu đó tiếng vọng còi xe đang vượt dốc vào Mường, tiếng chuông nhà thờ điểm, tiếng mõ nhà chùa đón người đi lễ Phật. Với những đại lộ mới, cây cầu mới, phố phường mới… như một khung dệt lớn hiện ra trước mắt, những dòng người xe xuôi ngược, ngang dọc đang dệt nên một bức thổ cẩm đa sắc màu trên vùng đất vừa quen vừa lạ này.

Tùy bút của Đinh Đăng Lượng

Các tin khác


Khai thác ngoài quy hoạch

Thời gian gần đây, được Cung đình ưu ái nên hàng trăm dự án điện, đường, trường, trạm ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” được khởi công xây dựng.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục