Truyện ngắn của Minh Châu

Dòng nước đục ngầu cuốn phăng mọi thứ. Lũ đã về. Cánh đồng bỗng hoá biển, hoá sông. Lũ về nhanh quá, con người còn không kịp trở tay huống chi mùa màng. Mất trắng. Ông gom vội số tài sản cả đời kiếm được vào chiếc túi da của vợ rồi chạy vội đến bệnh viện nơi vợ nằm điều trị do bị ngã nước. Lơ ngơ thế nào mà ông bỏ quên cái túi xách ở ngoài phòng chờ cho đến khi vợ hỏi, ông thất thần chạy ra tìm thì cái túi đã không cánh mà bay. Ông chết điếng ngồi sụp xuống sàn nhà. Cùng lúc đó ở phòng bên cạnh đứa con gái giúi vào tay cha những xấp tiền dày cộm và cả vốc vàng lạnh ngắt lạnh ngơ.

- Con lấy đâu ra chỗ này. Ăn cắp phải không?

- Không cha à, con nhặt được ngoài đường.

- Tiền đã cũ, đã nhàu, còn vàng thì có dính cáu bẩn. Hẳn là người đánh rơi không giàu có gì, họ đã khổ sở làm việc và tích cóp mới có được con à. Hãy trở lại nơi đó và trả lại cho họ đi con.

- Mình đang cần mà cha.

- Rất cần là đằng khác, nhưng quý nhất của đời người là đạo đức, phẩm hạnh con à. Có khi vì đánh mất tiền mà hạnh phúc gia đình đổ vỡ, thậm chí đánh đập nhau thì thật là oan ức quá.

Đứa con gái trở lại chỗ nhặt túi xách ngồi chờ ai đó. Chẳng ai nhìn cái túi trừ ông. Ông định lao tới giật cái túi nhưng kịp chựng lại. Cô gái nhìn thánh thiện, xinh xắn quá… không thể nào…

- Cháu có cái túi giống cái túi mà chú đã đánh rơi quá.

- Vâng, cái này không phải của cháu, nhưng chú nói xem có gì bên trong.

Ông kéo con bé ra phía xa xa nói thật nhỏ như sợ người ta nghe thấy:

- Hơn 5 triệu đồng được cột thành hai bó và 3 lượng vàng, trong đó có 1 sợi dây chuyền, 1 cái lắc, 1 đôi bông tai có mặt đá màu đỏ và 2 chiếc nhẫn.

- Còn gì nữa không chú.

- Những giấy tờ quan trọng cháu à. Tên chú là Sâm. Nguyễn Sâm.

- Cháu đang tìm người đánh rơi đây. Đúng là của chú rồi. Cháu xin gởi lại.

Ông run run nhận lấy cái túi từ tay cô gái, mắt rơm rớm nước cùng lời cảm ơn chân thành. Ông không dám tặng gì cho cô gái. Một bó tiền ư. Biết bao năm mới làm ra được, nhưng thế thì có đáng gì so với cả khối tài sản kia. Nếu không gặp người ngay thì nó đã vĩnh viễn ra đi không về. Ông chần chừ rồi cũng cầm xấp tiền giúi vào tay cô gái.

- Cháu không dám nhận đâu. Cha cháu không cho.

- Cha cháu cũng đang nằm ở đây sao? Đưa chú đến thăm ông ấy được không?

- Dạ được.

Cha cô gái gầy gò quá. Hẳn là rất lam lũ. Ca mổ thông ống mật chưa diễn ra vì không có tiền. Số tiền không lớn nhưng ông không có, còn bệnh viện thì không biết đang tìm phương cách gì. Ông nhẩm đọc tên cha cô gái trên bảng điều trị treo trên đầu giường. Cùng huyện nhưng khác xã, chưa từng gặp nên cũng chẳng biết nhau. Sau vài lời thăm hỏi nghĩa tình ông xin phép cáo lui.

Về, kể hết ngọn ngành với vợ. Vợ ông trầm tư một lúc:

- Của đi thay người ông à. Mình có nhà cửa, ruộng đất, vườn tược còn người ta thì không. Hơn nữa nếu không phải là người tốt thì làm sao ông tìm lại của đã mất ấy được. Ông lên đóng tiền cho ca mổ của ông ấy và thanh toán hết viện phí giúp người ta là cách hay nhất ông à.

- Bà nói cũng phải. Tôi đi đây.

Ánh đèn điện trong phòng hình như cũng sáng hơn. Vợ ông vui lên trông thấy. Khuôn mặt bà đã hồng hào hơn. Bà đã đúng khi bớt đi một chút tư lợi và dành nhiều chăm nom cho người khác. Gieo lành thì gặt được quả lành. Ngày mai bà ra viện rồi. Bà muốn hát một vài câu gì đó nhưng con trai bà đã đến.

Bà đem câu chuyện kể cho con trai nghe. Xong, vội giục con:

- Con qua thăm người ta cho phải phép, mang hết sữa và trái cây mà con đã mua sang biếu người ta luôn. Nhớ là không được đá động gì đến tiền nong con nhé.

- Dạ, con biết mà.

Hành lang bệnh viện về khuya vắng ngắt. Xa xa có bóng ai đó vừa thoáng qua, tiếng con gái gọi phía hàng cây giữa sân:

- Phải Tùng không? Lan đây mà. Đi đâu mà khuya khoắt thế?

- Sang thăm ân nhân của bố và mẹ mình. Lan chăm ai vậy?

- Cha.

Lan và Tùng là đôi bạn chung trường thời lên 5 lên 7. Tùng không lạ gì cô bạn học thích lội sông, băng đồng ngay giữa trời trưa nắng cháy. Còn leo trèo thì khỏi phải nói, Lan ốc tiêu mà chẳng chịu thua ai. Nhà nghèo cha mẹ phải cày thuê, cấy mướn nhưng công việc luôn có nên cũng không đến nỗi nào.

- Con chào bác, bác là bác Thản phải không ạ?

- Đúng rồi con, chào con. Cha Lan vừa trả lời vừa nhìn chăm chăm người đối diện.

- Con mang ít quà quê sang biếu bác…

- Con, có phải con là…

- Dạ phải, bố con có đến đây khi tối.

Hẳn là ông ấy rồi. Cha Lan không phải nghĩ suy gì bởi ngoài ông ấy ra thì đâu có ai thăm hỏi gì đâu.

- Ông bà ấy thật là giản dị và tốt bụng, bác biết lấy gì mà đền đáp đây.

- Dạ bác chớ bận tâm ạ.

Đúng lúc ấy bác sỹ trực bước vào căn dặn:

- Sáng mai bác không được ăn uống gì nhé. Mai mổ.

Cha Lan mừng cuống:

- Cảm ơn các bác sỹ đã thương cho hoàn cảnh của tôi.

- Chỉ tận tụy hết lòng chứ tiền bạc thì người nhà của bác đã lo cả rồi.

Thoáng bất ngờ rồi cha Lan ôm chầm lấy Tùng, ông hiểu ra tất cả. Những giọt nước mắt sung sướng tuôn trào. Lau nước mắt cho cha và nhìn Tùng bằng ánh mắt trìu mến.

- Tui nợ ông câu hỏi khá lâu mà chưa dám trả lời, giờ trả lời luôn nhé cho ân nghĩa rạch ròi. Tui chỉ dám làm vợ ông khi ông là rể tốt của cha tui. Ông thấy sao?

Tùng đỏ mặt mà không biết phải làm gì khác. Bác sỹ cười thật tươi bởi lần đầu tiên ông nghe những câu thoại về tình yêu, về hôn nhân thật hồn nhiên của lớp trẻ. Cha Lan cũng cười. Ông liên tưởng đến đời người là những con ong thợ miệt mài xây dựng những công trình chỉ để cho con cháu mai sau. Thành quả của hiện tại được tạo dựng từ hôm qua, tốt đẹp cho mai sau phải gây dựng từ bây giờ. Gieo lành thì chắc chắn sẽ gặp những điều tốt lành.


Các tin khác


Niềm vui giản dị

(HBĐT) - Nội vào nhà kẻo lạnh! Cháu đi học, chiều cháu về!- Ừ! Cháu đi đi! Đi đường cẩn thận!- Dạ. Cháu biết rồi nội ạ!

Chuyện cũ ngày thường

Truyện ngắn của Bùi Huy

Khúc hát biên cương

(HBĐT)- Gần đến ngày Biên phòng Việt Nam(3/3), nhận được tin nhắn của một người chiến sĩ biên phòng từng gặp ở Thanh Thủy-Vị Xuyên vài năm trước: "Bộ đội biên phòng chúng em đang đi tuần tra, kiểm soát dịch ở vùng biên giới Xín Mần(Hà Giang) anh à”. Nhịp sống của người chiến sĩ và nhân dân vùng biên viễn xa xôi luôn trong dòng chảy chung của đất nước. Bỗng những vùng đất, con người nơi đây lại sáng lên cùng câu hát "Chiều biên giới”(thơ Lò Ngân Sủn, Nhạc: Trần Chung): Chiều biên giới em ơi/Có nơi nào cao hơn/Như đầu sông đầu suối/Như đầu mây đầu gió/ Như trời quê biên cương.

Những “chiến sĩ” áo trắng…

(HBĐT)-Những ngày cuối tháng 2, khi đất trời vẫn còn vương đậm hương mùa xuân….thì cả xã hội lại hướng về nghề y, về những người thầy thuốc - những người coi sự nghiệp trị bệnh cứu người là trách nhiệm, là lẽ sống của mình. Tháng 2 năm nay, đối phó với dịch bệnh, các y, bác sĩ luôn là những người âm thầm chịu nhiều áp lực, vất vả, thậm chí là nguy hiểm nhất. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) đang diễn ra, càng cho thấy những phẩm chất đáng quý của đội ngũ nhân viên ngành Y.  Họ thực sự là những "chiến sĩ” áo trắng quả cảm, qua đó làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ áo trắng trong tâm trí mỗi người dân.

Vì em thương anh

Truyện ngắn của Thu Đình

(HBĐT) - Sen… Sen! Hình như anh kia mới vào làm bảo vệ ở xí nghiệp may mình thì phải? Mà tao để ý, sao thấy anh ấy lúc nào cũng đeo khẩu trang?           

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục