Thói quen và nhu cầu con người thay đổi ghê thật. Chuyện đời sống vật chất, giờ có khi phải xếp dưới đời sống tinh thần ấy chứ. Rủng rỉnh tý là du lịch, "phượt” cho nhẹ đầu; nghe nơi đâu "hot” lắm, nổi lắm là phải đến ngắm nghía, chụp ảnh, đưa lên "Phây-búc”. Cô Thùy Tiên, con gái nhà ông Thiên dạo này được tuyển vào làm ở cái "Rì zot” kia, nên gia đình phấn khởi lắm. Trước cô có cái tên khá mộc: Thu Làn… Nhưng sau mấy năm về Hà Nội học chuyên về văn hoá - du lịch, cô đã "lột xác". Nghe nói, cô còn có một cái tên nửa tây, nửa ta khác nữa. Chuyện này, chỉ có bạn bè cô biết thôi. Nhưng ông Thiên lại quan tâm đến phần nổi hơn. Ngay ngày đầu tiên cô từ Thủ đô về, ông đã tím cả người, nuốt miếng cơm mà thấy nghẹn trong lòng. "Trời đánh tránh miếng ăn”, để mẹ con, chị em nó hể hả sau nhiều ngày xa cách, ông bậm bạch lên tầng, cùng cái ngoắc tay cho bà Thiên. Bà cũng lũn chũn lên phòng tầng 3. Ông dạo đầu:
- Này bà, thấy con gái có gì mới không nhỉ? Ông nói như thở hắt ra.
Bà Thiên, người phụ nữ chân chỉ hạt bột, 10 năm nay không rời khỏi cái thị trấn này cười cười:
- Ô, cái Làn sắp đi làm trong khu nghỉ dưỡng kia còn gì. Ông làm bố mà không biết à…
Như chỉ đợi thế, bao điều ấm ức được dịp bung ra. Trời ạ, đúng là bà… chỉ biết lợn gà cám bã. Đến con gái mình, sau thời gian về phố thị học hành mà đã như một đứa con gái khác. Mái tóc dài, đen nhánh đã được tân trang ngắn cũn cỡn, tem tém, lơ thơ vài lọn sau gáy. Chết nỗi là đã được nhuộm bằng mấy màu: vàng, xanh, đỏ, bạc… Chỉ khác bọn trẻ ranh là nhuộm theo cách nhuộm tỉa. Rồi đôi cánh tay và gáy nó được vẽ những hình thù khó hiểu, xanh đen lẫn lộn. Nó bảo vẽ cho phong thủy. Dù không phải xăm trổ, nhưng chướng lắm. Bà đi mà bảo con nhé. Xóa mấy cái hình nhăng nhố kia đi, không bọn trẻ con lại bảo nhà này nuôi "ca-ve”. Dù bà chẳng biết ca-ve là gì, nhưng vẫn khẳng định: "Con tôi, tôi biết, nó không đến nỗi nào đâu… Ông đừng lo quá”.
Mối lo của ông về Thu Làn, à mà phải là Thùy Tiên là có cơ sở. Bực nhất, hôm nọ, nó dám nói với mẹ nó: "Mẹ đừng có lẩm cẩm. Con giờ đã là Thuỳ Tiên. Mẹ gọi cái tên vớ vẩn kia, bọn bạn con nó nghe thấy. Có mà chui lỗ nẻ”. Nó vừa lầu bầu, vừa lênh khênh đôi giày cao gót lọc cọc đi về phía nhà tắm. Trang phục của nó kiểu gì mà như đang tiến về phía bãi biển. Ông ném cái điếu cày đánh rầm vào bộ sa lông. Nhìn bộ dạng ấy, biết là ông bực lắm đấy…
Chuyện chưa dừng ở đó, khi hôm nọ ông bảo nó cùng bà Thiên sang thăm bác Lơi hàng xóm lâu nay, đang bị bệnh. Nó gạt phắt: "Già thì ốm chứ sao. Thăm nom thế lấy đâu thời gian. Con bận lắm. Mà hàng xóm có phải anh em họ hàng đâu”. Giận quá, may còn kiềm chế được, không thì cho mấy vả. Ông quát: "Ngày mày 3 tuổi, không có bác Lơi vớt kịp thời dưới ao… thì đâu có cô Thuỳ Tiên hôm nay”. Nó trề môi: "Vâng, con biết, con cám ơn rồi mà. Vì vụ đó, mà mấy Tết gần đây, con toàn mừng tuổi bác ấy "tờ xanh to” đấy. Cứ kể mãi… Nhưng gì thì gì, bác ấy cũng chỉ là người dưng, là hàng xóm thôi”. Thật chẳng còn biết nói gì với nó nữa. Nó hiểu những chuyện ân tình chỉ bằng một câu nói đãi bôi, hay phong bao lì xì hay sao? Đúng là có lớn mà chả có khôn. Bọn nó, thật không hiểu nổi. Biết là nó bực vì bác Lơi gái hôm nọ, chẳng biết vô tình hay cố ý khi nói ngoài mó nước đầu thị trấn (lại lọt vào tai nó): Con Làn nhà ông Thiên không biết học gì về mà "đỏ da thắm thịt” quá. Cả khu phố được thấy người đẹp, người sang… Chắc cũng chả có ý gì, nhưng thấy nó vôi ve trát kín người như thế, nên không nhịn nổi. Nhưng gì cũng là hàng xóm lân bang liền kề.
Chuyện xóm phố dù ồn ào đến mấy cũng phải quên, để mọi người còn chú tâm vào công việc, cuộc sống. Nhưng cụm từ "người dưng” mà Thùy Tiên nhắc đến vẫn làm ông không yên. Nhiều đêm nằm mà không ngủ nổi. Bọn trẻ nông nổi, cạn nghĩ thật chăng?! Đêm nay, nằm trằn trọc mãi. Mà "con kia” nó bảo được nghỉ ca đêm nên về nhà, mà sao giờ vẫn bặt tăm. Lòng cha mẹ nào yên nổi, khi con cái đêm hôm lọ mọ… Tiếng chó sủa, tiếng người lao xao, cả tiếng đàn ông, đàn bà… Gì mà ồn ào lúc nửa đêm thế này. Mở cửa… Chuyện gì thế… Thu Làn - Thùy Tiên quần áo rách bươm, mặt xước xát. Đã thế còn khóc thút thít. Đi cùng lại là 2 bố con "người dưng” nhà ông Lơi. Chuyện gì thế. À ra thế… chẳng biết nhân duyên hữu tình thế nào, mà khi Thu Làn đi làm về qua cánh đồng rẽ về thị trấn, lại gặp đám thanh niên bố láo trêu chọc và định "xin” tý tình, tý tiền. Thu Làn cũng chẳng vừa. Xông vào "chiến đấu". Đang lúc giằng co, thì 2 bố con ông Lơi đi tới. Thấy có người, đám thanh niên chạy dạt lên phía đồi. May quá, tiền chẳng mất, mà người còn nguyên lành.
Cùng con trai ông Lơi dìu Thu Làn vào nhà, ông Thiên bỗng thấy lòng đã nguôi nguôi giận và thấy thương con. Con gái đi làm đêm hôm vất vả. Ngày bé cũng hiền lành, nhẹ nhõm như ai. Cái gì cũng gọi bố, hỏi bố. Hết lớp 12, thương bố mẹ, không "đánh đu” đi thi đại học cho bằng bạn, bằng bè, chỉ học trung cấp, cao đẳng để ra đi làm cho bố mẹ đỡ vất vả. Giờ đi làm, lại gặp họa… Miệng ông lắp bắp: "Thật phúc đức cho con gái bác. May gặp bố con nhà cháu, không thì chẳng biết thế nào”. Anh con trai ông Lơi mau mồm, mau miệng: "Không có bố con nhà cháu sẽ có người khác mà bác. Thấy người gặp hoạn nạn là phải cứu giúp”. Thấy chưa con, họ là "người dưng” đấy, vậy mà họ ân tình, tử tế. Sau đợt này phải thay đổi nhận thức đi con nhé. Ông không nói ra mà suy nghĩ đó trào dâng trong lòng. Ôi, những đứa con mới lớn đi vào đời…