(HBĐT) - Cơn mưa phùn sáng nay như kéo thời gian trôi nhanh về những ngày giáp Tết. Sáng sớm đi chợ, phát hiện ra quán xá tẻ nhạt hàng ngày bỗng nhộn nhịp bất thường bởi một mặt hàng khác lạ - hành muối. Nhớ đến những Tết xưa, đầu tháng chạp đã tất bật nén một vại dưa hành và sau lễ cúng ông Công, ông Táo tất bật dọn dẹp nhà cửa, đi chợ - là Tết sắp về. Vì vậy, thuở bé, Tết được báo hiệu bằng khoảnh khắc tìm thấy trong cái làn nhựa đi chợ của mẹ ngoài những mặt hàng quen thuộc có thêm đôi ba cân hành củ.

Và từ đó, hương vị của những ngày giáp Tết chỉ xoay quanh những củ hành mẹ vừa mua về. Một trong những ký ức đẹp nhất về những ngày giáp Tết chính là món hành nướng thơm nức mà có lẽ bất cứ đứa trẻ nào của những năm 80 cũng đã từng nếm thử. Tôi nhớ, nơi tôi ở có một cái sân chung, bình thường là nơi tụi nhỏ tụ tập, nhưng đến những ngày giáp Tết trở nên đông vui hơn... bởi người lớn. Đậu xanh, măng khô, mộc nhĩ... cất kỹ cả năm nay được các mẹ lôi ra phơi những nắng cuối cùng để rũ tan ẩm mốc. Khoảnh sân ấy cũng là nơi các mẹ rủ nhau lột vỏ, cắt rễ hành củ trước khi đem muối. Và thời điểm ấy, trẻ con trong xóm thành lập nhóm "trộm hành". Mỗi đứa có nhiệm vụ về lấy của nhà mình vài củ hành rồi chung nhau lại đem nướng. Cái rét se lạnh, nhóm một đốm củi, dùng một chiếc cắp tự chế vùi những củ hành vào lớp than hồng. Vài phút sau, lớp vỏ ngoài cùng bắt đầu cháy hết, dậy mùi thơm, xoa xoa củ hành trong lòng bàn tay nhỏ, bóc đi lớp vò cháy xém, một làn chỉ khói bốc lên, vừa cho vào miệng vừa xuýt xoa vị ngọt ngọt, bùi bùi mà thơm nức vị hành nướng. Cứ thế, trò nướng hành kéo dài vài ba lần cho đến khi khoảnh sân chung xuất hiện những hũ hành lèn chặt, phơi sương, phơi nắng chờ ngấu để có món dưa hành bắt vị.

Ngoài nướng hành, còn một món nướng nữa mà có lẽ cho đến tận bây giờ tôi không thể quên được đó là khoai tây. So với hành nướng thì khoai tây nướng xa xỉ hơn nhiều, bởi ngày ấy, cũng giống như hành, khoai tây hầm xương là món ăn chỉ có trong ngày Tết và không phải nhà nào cũng có điều kiện mua nhiều khoai tây. Những củ khoai tây nhỏ, lùi trong than hồng nồi bánh chưng, khi chín mềm, ruột vàng ươm, nở tơi và thơm phức là những ký ức ngọt ngào của những năm tháng xưa - khi cuộc sống còn khó khăn, và Tết thực sự là một niềm náo nức với trẻ nhỏ.

Nhưng có lẽ nhớ nhất những ngày cùng mẹ tíu tít đi chợ quê, bố mua về một cành đào phai rất nhỏ, mẹ thì thích bích đào cắm bình trên ban thờ. Sau khi mua đủ những thứ cần thiết, mẹ rẽ ngang hàng quần áo, mua cho đôi giày mới, chiếc áo đẹp để diện sáng mùng Một đi chúc Tết ông bà. Chiều 28 Tết, hàng xóm tập trung trên khoảng sân chung để gói bánh chưng. Chúng tôi lại chí chóe đòi mẹ để có những "sản phẩm" của riêng mình - đó là những chiếc bánh chưng con như một cách thi tài với nhau. Thế là Tết, giản đơn, dung dị như thế!

Đi qua năm tháng, Tết giờ đã khác nhiều, trong dòng người hối hả, tấp nập, bỗng muốn sống chậm lại, thảnh thơi tận hưởng không khí chuyển giao của đất trời. Tết đang đến thật gần, có ai đó nói rằng, thời gian vốn là một vòng tròn không có quỹ đạo và Tết chính là điểm khởi đầu của quỹ đạo ấy. Con người cũng thế, cứ thế đi trong một vòng tròn của cuộc đời mình, từ những vui - buồn, bất hạnh và hạnh phúc, được và mất. Nhưng trước một sự khởi đầu mới, trên tất cả, người ta luôn luôn hy vọng và tin tưởng để có một năm mới an lành, hạnh phúc và may mắn hơn.


Tản văn của Phương Linh

Các tin khác


Con trai người lính

(HBĐT) - Ngày mai, ngày kia và có thể cả tuần sau, sau nữa sẽ tiếp tục là những chuỗi ngày bận rộn. Phải ăn, ngủ điều độ theo đúng quân lệnh để đảm bảo sức khỏe sẵn sàng tác chiến. Nghĩ vậy, nhưng tiếng kèn hiệu lệnh giờ đi ngủ của doanh trại đã vang lên từ lâu, Thiếu tá Lê Dũng vẫn không thể nào chợp mắt. Anh bật dậy mở toang cửa sổ để ngắm ánh trăng mờ ẩn sau lớp sương đêm dày đặc.

Hạnh phúc

Truyện ngắn của Trần Phan

Nốt lặng… đời thường

(HBĐT) - Anh X. không phải là bạn học cũ, chỉ mới quen thân tầm 5 - 6 năm qua các hoạt động thể thao, thiện nguyện, câu lạc bộ cùng sở thích… Nhưng chừng đó thời gian cũng đủ biết anh là người dễ chịu, chỉn chu, có quan điểm sống rõ ràng, thẳng thắn. Làm lao động tự do nên anh phải bươn chải để gồng gánh cả gia đình, nuôi con ăn học. Nhìn bề ngoài, anh là người từng trải, có nghị lực. Nhưng cũng có lần anh thở dài: "Làm ngoài, không có lương vất vả quá ông ạ. Tuy vậy, cũng rèn cho tôi tinh thần vượt khó”.

Bản ấm

(HBĐT) - Xán ngồi như tượng trên tảng đá lớn, tay mân mê bông hoa dã quỳ vừa hái, đôi mắt nó buồn xo. Trường sập rồi. Sách vở cũng bị nước cuốn trôi rồi. Thầy giáo Lương cũng đã về xuôi. Đường sạt lở thế kia, sao thầy lên bản được. Mà chắc thầy cũng không lên nữa, vì thầy bảo quê thầy cũng bị lụt, nước ngập vào tận nhà. Xán lại nhìn về phía con dốc ngoằn ngoèo thẳng đứng trước mặt, đất, đá lổn nhổn chắn ngang một đoạn đường dài. Đang bần thần nghĩ ngợi, bỗng thấy dáng ai quen lắm thấp thoáng từ giữa con dốc xa xa. Xán chăm chăm nhìn về phía ấy.

Tình người trong lũ bão

(HBĐT) - Vừa vào nhà, ông Thân thấy vợ vội vàng đưa tay chùi mắt và nhìn lảng bâng quơ sang phía khác. Xung quanh, đứa cháu ngoại và mấy đứa trẻ vẫn râm ran trò chuyện. Còn tivi thì đang chiếu toàn cảnh vùng lũ miền Trung, với những hình ảnh chân thật về con người, cuộc sống vùng lũ bão, đang gượng dậy sau đau thương, mất mát…

Sau lưng là thành phố

(HBĐT) - Hai vợ chồng Hào là công nhân lao động xa nhà. Họ đã có một đứa con gái 5 tuổi. Nhưng hai vợ chồng phải gửi con ở quê cho ông bà nội, vì nhà làm nông, mẹ Hào sức khoẻ yếu, lại không quen cảnh thị thành nên không ra nhà trọ trông cháu được. Phần nữa, hai vợ chồng Hào làm ca kíp, vợ Hào phải tăng ca thường xuyên, nếu gửi trẻ cũng không tiện đưa đón, chăm sóc con.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục