(HBĐT) - Ra Giêng, khi hơi hướng mùa xuân vẫn còn vấn vương khắp nơi, nhận được lời mời của đồng nghiệp ở nơi "con sông Hồng chảy vào đất Việt” - Lào Cai: Lên mùa này không chỉ đi các chợ phiên Cán Cấu, Bắc Hà, đèo Ô Quy Hồ, khám phá rừng Hoàng Liên Sơn, đỉnh Phan Xi Păng, danh thắng du lịch Sa Pa mà còn có thể lên biên giới, lên cột cờ Lũng Pô bên sông Hồng, thăm anh em đồn biên phòng và bà con vùng biên…
Hoa đào, hoa mận nở rực rỡ chào đón du khách gần xa… Lời mời khơi gợi lại những ngày tháng 2 hào hùng năm nào, về những tháng ngày biên cương Tổ quốc không bình yên; về những ngày cả nước cùng chung tay, chung sức, không quản hy sinh giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của đất Mẹ. Mùa xuân biên cương bao giờ cũng có sức hút đối với bất kỳ ai…
Trước đây, biết đến các vùng đất biên giới chủ yếu qua kênh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những bài viết, ký sự, bài thơ, bài hát về các vùng đất biên cương đã là một phần không thể thiếu trong mỗi ngày Tết, ngày xuân và cả trong cuộc sống học tập, lao động sản xuất thường ngày. Những người thuộc thế hệ 5X, 6X, 7X và những ai dành tâm huyết cho biên cương, cho quân và dân nơi đây làm sao quên được các cụm từ "biên giới Tây Nam”, "biên giới phía Bắc” trong mỗi bản tin, bài báo, nhất là những năm biên giới không bình yên; cảm nhận rõ nét, sâu sắc câu thơ, lời nhạc của Tạ Hữu Yên - Phạm Minh Tuấn trong bài "Đất nước”: "Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc/ Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con”. Tập thơ, ký "Trận tuyến phía Bắc” được nhiều bạn đọc tìm và truyền tay nhau dù giấy in xấu, mờ. Sinh viên các trường đại học thời đó chép cho nhau những bài thơ mang hơi thở cuộc sống và chiến đấu ở các tỉnh biên giới lúc đó. Nhiều bài sau đó được phổ nhạc: Tôi không thể nào mang về cho em/ Trên những đồi biên cương chảy máu/ Mắt đồng đội sau những ngày chiến đấu/ Khẩu súng ghì nóng bỏng đất Hoà An (Tôi không thể mang về cho em - Hoàng Nhuận Cầm). Nhiều bài hát phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người như: "Chiều dài biên giới”, "Chiều biên giới”, "Hoa sim biên giới”, "Thư về cho em”… Những địa danh mỗi khi nhắc đến đều khiến lòng người hậu phương thấy yêu thương, gắn bó, như: Pò Hèn, Cao Ba Lanh (Quảng Ninh), Đồng Đăng, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Vị Xuyên (Hà Giang)… Lớp lớp thanh niên, sinh viên đã lên đường mang câu hát "Hãy cho tôi lên đường” thôi thúc. Biên giới một thời rực lửa, ác liệt, bao lớp người đã kiên cường lên tuyến đầu giữ đất đai, cây cỏ từng thấm đẫm tâm huyết, máu xương của bao đời. Cả nước hướng về biên giới, hải đảo bằng những việc làm thiết thực nhất. Tình yêu biên giới, tình yêu đất nước được lan tỏa, nhân lên mãi không ngừng…
Rồi có lúc, cũng có dịp đến các vùng biên từng một thời lửa đạn, nay yên bình phát triển. Mảnh đất Hà Tiên (Kiên Giang) phía Tây Nam, mảnh đất biên cương vùng Móng Cái (Quảng Ninh), cột mốc ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Sóc Giang (Cao Bằng)… Thật kỳ lạ, chạm tay vào cột mốc, nhìn rừng núi biên cương xanh ngắt mờ xa, thấy thiêng liêng vô cùng như chạm vào quá khứ, lịch sử hào hùng, "gặp” được bao lớp người đi giữ cương thổ Việt Nam. Cách đây vài năm, trong đêm lửa trại ở huyện vùng biên Phong Thổ (Lai Châu), được thăm đền và nghe câu chuyện về Nàng Han huyền thoại cầm quân đánh giặc năm xưa, giữ yên cả một vùng biên rộng lớn; nghe về cuộc sống chiến đấu của các chiến sỹ đồn biên phòng Ma Lu Thàng anh hùng, càng thấy ý nghĩa của mỗi tấc đất biên cương hôm nay. Tiếng suối Nậm Cúm sát đường biên thao thiết chảy đêm ngày, như một "nhân chứng sống” về những con người kiên cường, hiên ngang nơi phên dậu Tổ quốc. Nơi cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn - Hà Giang), thượng nguồn sông Lô ở cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), hay nơi dòng sông biên giới - sông Hồng ở Lào Cai… đều có dấu chân miệt mài không mỏi của những chiến sỹ biên phòng, sát cánh cùng đồng bào các dân tộc giữ vững biên cương. Xuân này lại lỡ hẹn với hoa đào vùng biên, bỗng nghe đâu đó câu hát "Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa…” mà thấy xốn xang trong lòng, mong ước có dịp trở lại miền biên viễn xa xôi và thân yêu của Tổ quốc.
Tản văn của Bùi Huy
(HBĐT) - Là con thứ ba trong gia đình, cả nhà quen gọi cậu là út nhưng tên gọi của cậu trên khai sinh, học bạ là Thắng - Đào Xuân Thắng. Họ Đào sinh ra vào mùa xuân, khởi đầu của một năm mới, bởi vậy cha mẹ đặt tên Thắng cho có khí thế đầu đi đuôi lọt.
(HBĐT) - Từ ngày người bạn học cùng lớp "vỡ lòng” về hưu, thấy hay gắn bó với quê, mảnh vườn và cánh đồng trước nhà. Cũng vì thế, vào cuối năm, lại có dịp cùng trở về để được cảm nhận cuộc sống, cũng như nhịp thở, sắc màu cánh đồng quê nhà. Bạn bộc bạch: Mình là người sinh ra ở đây, vết bùn dính lưng ngay từ thời lẫm chẫm biết đi. Sau này về Hà Nội học đại học, đi làm nơi này, nơi khác, ở phố thị ánh đèn sáng như sao sa, rực rỡ, vậy mà trong giấc mơ lại chỉ thấy cánh đồng, cánh diều và tuổi thơ thời chăn trâu, cắt cỏ. Ấm áp, thân thương vô kể… Nên khi đến tuổi nghỉ hưu, tôi chọn đất quê này và trở lại…
(HBĐT) - Đường làng Đặm chưa có đèn nhưng ổ gà lại nhiều vố số. Tháng Chạp này, xe chở gỗ đi qua nhiều hơn, đường lồi lõm hơn, giữa cái thời con gái khó hiểu thế này đêm hôm Hạo biết tìm vợ ở đâu?
(HBĐT) - Không hẳn nghe nhà hàng xóm mở "Thương nhớ mười hai” trên Youtube, hay nghe Tấn Minh tâm trạng, da diết trong "Những mùa đông yêu dấu”, mà chỉ vì một chiều mùa đông chợt thấy những ngọn khói lam chiều bay lên từ cánh đồng ngoại thành. Tiếng trẻ đùa nghịch bên bờ suối, cạnh đàn bò vàng nhởn nhơ gặm cỏ. Thoảng trong gió, có "mùi” mùa đông se lạnh, cùng tiếng rơi của đám lá bàng đỏ đầu phố xào xạc mỗi khi đêm về...
(HBĐT) - Thương con gái yêu và đàn cháu lít nhít, lấn bấn mãi, Vua cha mới can thiệp với cấp dưới để tuyển dụng Phò mã Thạch làm văn thư tại một cơ quan lớn ở vùng "Rừng xanh, núi đỏ”.