(HBĐT) - Là con thứ ba trong gia đình, cả nhà quen gọi cậu là út nhưng tên gọi của cậu trên khai sinh, học bạ là Thắng - Đào Xuân Thắng. Họ Đào sinh ra vào mùa xuân, khởi đầu của một năm mới, bởi vậy cha mẹ đặt tên Thắng cho có khí thế đầu đi đuôi lọt.

Nhà có ba chị em, chị cả, anh hai và cậu út. Chị cả lấy chồng đã có hai cháu, cháu lớn đang học đại học, cháu thứ hai 10 tuổi học lớp 5. Mỗi lần cậu về, đứa thứ hai của chị cứ xà vào lòng cậu đòi kể chuyện biên giới, nghe cậu kể nó thích lắm cười rôi vỗ tay réo lên "hoan hô cậu”.
Mỗi lần cậu út về được chị gái chiều vì cậu em xa nhà nơi núi rừng hẻo lánh. Lần nào cậu về chị cũng giục:
- Mẹ đã già, em lấy vợ đi để mẹ mừng, mẹ chỉ mong thế.
Cậu út lại lý do:
- Lính biên cương rong ruổi, cuộc đời binh nghiệp khó lắm chị ơi!
- Hay để chị làm mối cho cậu nhé!
- Không được đâu chị, người tít tắp trên vùng biên giới, người ở dưới xuôi ngóng chờ tội lắm.
Mỗi lần cậu út về phép mẹ lại tươi tỉnh hẳn lên. Mẹ xăm xăm vào bếp nấu những món ăn mà cậu thích. Nhớ hồi bố còn sống cậu còn nhỏ nên được bố cưng chiều. Cứ chiều hè, bố cõng cậu đi quanh làng Nậm vào nhà bác Na, chú Tặng. Mỗi lần về phép, cậu mua cho mẹ khi thì chiếc khăn trùm đầu, khi chiếc áo len màu mận chín.
Nhớ hồi cậu út nhập ngũ mẹ cứ thấp thỏm không yên, mẹ lo luyện tập vất vả sức khỏe có chịu được không? Tốt nghiệp trường sĩ quan biên phòng, do học tập, rèn luyện tốt được phong quân hàm Thiếu úy, cậu  út được điều về đồn biên phòng phía bắc tỉnh Cao Bằng. Thấm thoắt đã gần 8 năm.
Giữa khu rừng biên giới có ngôi trường, ở đó có đàn em nhỏ tung tăng đến trường, có các cô giáo từ dưới xuôi lên dạy học. Cô nào cũng tươi trẻ, có mái tóc dài mượt.
Có đến 2 năm rồi, cậu út chưa về phép. Lần này do dịch covid, với quân hàm Trung úy, cậu út được đơn vị điều lên lãnh đạo một trung đội, dựng đồn dã chiến để kiểm soát người vượt biên mang theo mầm bệnh và chống bọn tội phạm buôn bán ma túy trái phép. Gần đến Tết, tình hình lại căng thẳng nhưng những người lính luôn quyết tâm và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuối năm, với tập thể đoàn kết, trách nhiệm cấp trên xét Trung úy Thắng được thưởng phép về quê đón Tết cùng gia đình và nghe đâu nhân dịp được nghỉ phép, Thắng sẽ đưa cô giáo về ra mắt  gia đình.
Cuối năm, cây đào bên bể nước đã chúm chím những nụ hồng và có nụ đã nở hoa. Nhìn hoa đào, mẹ thầm nghĩ, chắc sẽ có niềm vui đến, mẹ ước ao và mong vậy.
Sáng 28 Tết, cậu út về cùng một cô gái. Mẹ thấy mừng, bước chân cứ ríu lại. Chiều 28 được tin cậu út về, cả nhà chị gái cùng các cháu và gia đình anh trai tề tựu đông đủ. Nhìn cậu út quân hàm đã thêm sao lại có bạn gái cùng về, mẹ xuất khẩu thành thơ: Lên sao lên bậc là mừng/ Nhưng thêm cô vợ lại càng mừng hơn.
Quây quần bên mâm cơm, cô giáo -bạn gái cậu út nói chuyện nhỏ nhẹ, có duyên, mẹ, chị gái và chị dâu vui  lắm. Cô giáo quê Quỳnh Phụ - Thái Bình nên cha mẹ đặt tên là Quỳnh, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ra trường được phân công lên Cao Bằng công tác. Cô tâm sự:
- Bố cháu ngoài 70, là cựu chiến binh, mẹ làm ruộng, anh cả công tác trên huyện, chị gái dạy học trường làng, cháu là con út thứ ba như anh Thắng lại công tác xa, mẹ già cũng sốt ruột lắm. Nhưng là thanh niên phải tiếp bước cha ông, cháu xung phong lên vùng cao gieo con chữ.
Sáng hôm sau, Quỳnh về - Thắng lấy xe máy đèo Quỳnh ra bến xe liên tỉnh. Tết đó cả nhà vui lắm, nhất là mẹ, nhìn vẻ mặt mẹ rạng rỡ hẳn lên. Mẹ tự hào về đứa con út của mẹ, đứa em út của anh chị và là anh bộ đội của cả gia đình.

Truyện ngắn của Văn Song


Các tin khác


Xuân ấm quê Mường

(HBĐT) - Nhớ hôm trước khi lên đây, anh Tổng Biên tập dặn: "Tôi được biết bà con trên Hòa Bình đồng thuận với các chính sách của tỉnh lắm, bảo ban nhau tạm ứng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để thi công đúng tiến độ. Người dân sẵn sàng hiến đất để làm đường. Cậu phải tìm những tấm gương đi đầu gương mẫu để viết nhé. Tớ tin nếu cậu khai thác được sẽ có một bài "đinh" của số cuối năm đấy…”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục