Tản văn của Bùi Huy
Không biết vô tình hay hữu ý, người bạn cũ là cô giáo dạy văn ở một trường vùng cao gửi vào zalo đoạn đầu bài thơ Chiều xuân của nữ thi sĩ Anh Thơ: Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/ Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời… Kèm theo đó là lời nhắn: Tết này về quê gặp bạn cũ không? Nhớ sao những bài hát, bài thơ xuân ngày đó…
Lời nhắn nhủ như khơi gợi thêm về mùa xuân đang đến cận kề. Tết thời Covid-19, không thể tụ tập, dập dìu thăm thú nơi này, nơi khác như trước, nhưng lòng người trước một mùa xuân, trước một cái Tết Nguyên đán chắc chắn vẫn nguyên vẹn chẳng hề đổi thay. Ai có thể không xao động trước thời khắc giao mùa, tiễn năm cũ và chào đón năm mới cùng bao điều thiêng liêng. Thời chiến tranh, thời bao cấp, bao khó khăn, gian khổ là thế, đôi khi cận kề với cả hiểm nguy và cái chết, vậy mà tình yêu mùa xuân, tình yêu cuộc sống vẫn bật lên, nảy mầm thành thơ ca, nhạc họa. Mỗi người đều rạo rực nhớ đến hình ảnh hoa đào rực rỡ nơi góc vườn, đóa hoa vi-ô-lét tím ngát nhớ người đón Tết xa quê; là hình ảnh đám trẻ đi lấy cây nêu về cắm đầu ngõ, giếng nước, chuồng trại, trước nhà… Anh ĐT một cây bút viết khá đa dạng các thể loại văn chương, nghệ thuật, có thời ở miền Nam và chiến trường K bồi hồi: "Khi mà cả đơn vị có 1 cái đài bé tý, ngồi quây quần bên nhau nghe chương trình thơ, nhạc mừng xuân mà như uống từng lời. Thời biên giới chưa bình yên, cả đơn vị lặng người khi nghe bài thơ "Điểmtựa” được ngâm trong chiều 30 Tết. Rồi khi ca sĩ Thu Phương hát qua đài Tiếng nói Việt Nam "Em ơi mùa xuân đến rồi đó”… cả đơn vị như vỡ òa tiếng nói, tiếng cười cùng những lời chúc đồng chí, đồng đội cùng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”. Mỗi lời thơ, câu hát như "liều thuốc” xốc lại niềm lạc quan, tin tưởng cho mọi người… Mỗi điều kiện, mỗi hoàn cảnh lại có những cảm nhận riêng khi đón nhận những món quà tinh thần…Anh H, có một thời đóng quân ở biên giới Lào Cai tâm sự rằng: "Sau này, nhà nào cũng có tivi, thậm chí 1 - 2 chiếc thật hiện đại, sắc màu, bắt mắt… nhưng cái thời cả xóm, cả làng chỉ có 1 -2 chiếc Ra-đi-ô, thì việc thưởng thức các chương trình nghệ thuật mùa xuân thì đúng là "đặc sản”. Mẹ tôi kể rằng, sáng mồng 1 Tết, đài phát bài "Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhạc sĩ Thuận Yến qua tiếng hát Thanh Hoa - Tiến Thành. Cả nhà lặng đi vì nhớ đứa con đang xa nhà nơi biên giới. Nếu không phải ngày Tết chắc mẹ tôi khóc mất. Sau này, khi có nhiều đôi song ca xuất hiện, cả nhà vẫn chỉ hay mở nghe bản thu này…”. Một kỷ niệm đẹp và ký ức không quên. Còn cô bạn làm cô giáo nơi vùng cao kia, chẳng từng ngâm bao lần "Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, chép cho bạn bè bao bài hát, bài thơ về mùa xuân, về người lính. Chắc bạn bè vẫn lưu giữ những câu hát trong "Đi qua vùng cỏ non” (Trần Long Ẩn), "Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải - Trần Hoàn). Ngày nào đó, nơi sân khô hợp tác xã, bạn mảnh mai nhưng tự tin lên đơn ca: "Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/Ơi con chim chiền chiện/Hót chi mà vang trời”. Cái thời phim ảnh ở các bãi chiếu phim xã là số một, cả nhóm bạn bè chẳng phát sốt về bộ phim ca nhạc "Hát về đất nước”, trong đó, bài Mùa xuân gọi do ngôi sao nhạc nhẹ thời đó hát khiến bao trái tim tuổi 17, 18 bừng lên những mùa xuân khát vọng: "Mẹ ơi sáng nay xuân về/ Mẹ trông ra ngoài hiên nắng/ Mẹ trông đứa con xa nhà/ Rồi mùa xuân anh ấy sẽ về…”. Những mùa xuân đẹp đã từng trải nghiệm, những mùa xuân ước vọng phía trước đang chào đón; và trong miền ký ức những câu thơ xuân, những điệu nhạc xuân vui vẫn tha thiết cất lên vào những ngày quê hương chuyển mùa…
Chiều nay, trong khi nơi góc vườn, nồi bánh chưng xanh đang sôi sùng sục, thơm lừng mùi lá dong thì đứa bé hàng xóm đang hát karaoke cùng bạn: "Mùa xuân có bao điều lạ”: "Én có gì lạ báo mùa xuân sang/ Và đất có gì lạ cành mai vàng ươm/ Mùa xuân có gì lạ làm lòng em rộn ràng…”. Giọng hát mộc mạc, non nớt nhưng lại ẩn chứa bao niềm vui và háo hức của một đứa trẻ trước thềm xuân. Câu hát cứ ngân lên, nhân lên làm ấm áp lòng người…