(HBĐT) - Trưa nay gặp bạn gái, Long không biết phải nói với Uyên thế nào về việc mẹ anh muốn Uyên đến nhà. Không rõ đó là "tín hiệu” đáng mừng hay là đáng lo đây.

Chuyện là, ở xã Vạn này không ai là không biết đến Long. Anh cao to, trắng trẻo lại giỏi giang, năng động. Sau khi ra trường, lúc chúng bạn còn đang lớ ngớ xin việc, Long đã tự kiếm đủ tiền sau mấy năm làm thêm để mua xe máy, mua điện thoại, rất phong độ.

Năm tháng qua đi, đám thanh niên trong xã đứa thì đi làm công nhân, đứa ở nhà gắn bó với đồng đất quê hương và đều lập gia đình, có cuộc sống ổn định nhưng Long thì mỗi khi Tết đến vẫn đi về "đơn thân lẻ bóng”. Gặp Long, đám con gái trong làng khúc khích cười khi anh đi vụt qua: "Đẹp giai thế này mà ở vậy, chắc có vấn đề… hí hí”. Người già nhìn anh thì bảo nhau: "Thằng này đàng hoàng, tử tế mà không đứa nào chịu lấy chắc kén quá”. Chỉ những ai thật thân tình mới biết Long còn mải mê lao theo những dự định làm ăn, buôn bán. Anh muốn tìm một hướng đi mà vẫn lúng túng chưa tìm ra cách…

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều người kinh doanh, buôn bán đã phải thay đổi cách làm ăn. Người ở làng Vạn thấy Long chẳng đi đâu nữa, ngày nào cũng đạp chiếc xe đạp địa hình quang thung lũng. Hôm thì mò xuống mấy bụi chuối hoang, hôm xem mấy bãi đất bỏ trống rồi ghi ghi chép chép. Thấy Long bỗng nhàn nhã lạ thường, nhiều người lại đoán chắc cu cậu đang gặp khó chuyện làm ăn nên đi chơi cho khuây khỏa.

Một hôm, trong bữa cơm tối, Long quay sang nói với mẹ:

- Mẹ có thể cho chúng con vay thêm ít vốn được không ạ? Con đang có việc cần mẹ giúp lúc này.

Nghe hai chữ chúng con, bà Lan giật mình. Chuyện là sáng nay lúc đi chợ, bà nghe cô Hoài bán thịt lợn bảo:

- Bác ơi, hình như anh Long nhà bác đang tán con bé Uyên đó ạ. Hôm nọ em thấy hai đứa đèo nhau đi khắp chợ, hỏi han giá cả, tình tứ lắm.

Xưa nay bà Lan ghét nhất là việc con bà phải lòng mấy đứa con gái quê. Công sức ông bà bao năm nuôi con ăn học, mong con về thành phố, lấy vợ phố mới có ngày mở mày, mở mặt. Thế nên, bà phải hỏi cho ra nhẽ:

- Con làm gì thì làm nhưng mẹ nói trước nhé, mẹ không đồng ý chuyện con đi lại với cái Uyên. Con gái gì mà suốt ngày chạy lông nhông ngoài đường.

- Mẹ à, Uyên là bí thư chi Đoàn, con về đây cũng muốn phối hợp với em ấy vì công việc hợp tác mẹ ạ.

Từ lúc biết, mẹ nhất quyết không giúp vốn, Long lại đi sớm, về muộn hơn. Nghe người ta nói, Long với Uyên còn đưa nhau vào bản vùng sâu chơi. Uyên cũng đã đem vàng đi bán ngoài thị trấn, chuyện càng ngày càng gay go. Đến nước này thì bà phải mời thầy cúng về giải cái phép bùa ngải mà con Uyên đã làm với con mình mới được. Ấy vậy mà tối hôm trước, bà đang nấu cơm thì nghe tiếng ông Hoàng gọi.

- Bà bỏ bếp núc đấy lên đây mà xem con trai bà kìa…

Vừa chạy lên đến nơi, bà đã thấy Long và Uyên trên màn hình ti vi, cổ bà như có cục gì nghẹn lại.

- Cái bọn này, sao ti vi người ta cũng biết thế kia. Thật chả ra thể thống gì.

- Bà hay nhỉ, chưa hiểu đầu đuôi thế nào đã lu loa. Bà không thấy chúng nó là tấm gương được truyền hình về làm phóng sự kia à.

Lúc này, bà Lan mới dán mắt vào màn hình. Đúng là, mấy hôm trước bà định bụng nhờ mối lái trên mạn Sơn La, Điện Biên mua hộ con lợn rừng ăn Tết. Nhưng ngặt nỗi dạo này đang dịch bệnh, xe cộ đi lại khó khăn nên chưa biết xoay cách nào thì bà nghe có người mách: "Ở đây giờ người ta cũng nuôi giống lợn rừng đó bà à. Mà toàn người trẻ thôi. Họ vay vốn và biết kĩ thuật chăn nuôi nên chất lượng thịt đảm bảo lắm…”. Bà Lan nghe mà cứ tưởng chuyện tận đẩu tận đâu, hóa ra…

Sáng bà Lan dậy rất sớm dù tháng Chạp ở đây sương giăng đầy sân và giá rét. Không hiểu sao, từ tối qua đến giờ, trong lòng bà như có một ngọn lửaấm áp. Nhớ ngày nào, hai ông bà còn trẻ như thằng Long và cái Uyên bây giờ cũng năng nổ cùng anh chị em trong chi Đoàn đi đầu nhận khoán đất, trồng rừng, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ngày ấy đất thì nhiều, người thì thừa chỉ lo không có sức làm. Giờ tụi trẻ thông minh thật, biết đầu tư thâm canh, cái gì mà nông nghiệp 4.0, nông nghiệp xanh, chuỗi sản xuất… gớm nghe khó nhớ quá mà thấy thích, thấy tin. Mải nghĩ thế nào mà thằng Long dắt xe qua trước mặt bà Lan vẫn không để ý. Đến khi nó chào bà và nổ máy bà mới hớt hải: "Long ơi, quay lại mẹ bảo…”. Long nghe mẹ gọi vừa bất ngờ vừa sợ. Nhất là khi bà Lan còn dặn trưa nay nhớ nhắn cái Uyên qua đây mẹ muốn bàn việc, Long càng hoang mang.

Gần trưa, thấy hai đứa rón rén đi vào sân, bà Lan giật mình ngẩng lên:

- Long, đi từ sáng đến giờ, qua hai cái chợ mà về tay không à. Không mua con cá hay cân thịt về.

Long nghe thế là biết mẹ có ý mời Uyên ăn cơm nên anh thấy nhẹ cả người, đứng ngây ra.

- Thôi, tí đi bắt gà. Giờ hai đứa vào đây nghe mẹ bảo đã:

- Thế chúng mày định nuôi đàn lợn rừng đến bao giờ?

- Chúng con… (Long và Uyên nhìn nhau).

- Khổ, ý mẹ là bao giờ đàn lợn được xuất chuồng. Tầm này người ta bắt đầu mua ăn Tết rồi đấy. Chứ mẹ biết thừa, chủ trương từ chính quyền và Đoàn thanh niên hỗ trợ các con vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội đúng không?

Long và Uyên phấn khởi kể lại ý tưởng mà Long đã bàn với Đoàn thanh niên xã. Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền và bà con để giúp đỡ, hướng dẫn thanh niên vay vốn, chăm sóc đàn lợn rừng đúng kĩ thuật. Bà Lan nghe xong nói:

- Giờ các con có định cho "cựu đoàn viên” làng Vạn này góp sức không nào? Mẹ nghĩ kĩ rồi, việc làm của các con rất ý nghĩa, tìm ra hướng đi xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn, giảm nghèo bền vững cho đất Mường mình. Mẹ có ít tiền cũng muốn góp sức cùng các con để mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng số lượng đàn lợn lên, được không nào.

Long và Uyên thật sự ngỡ ngàng chỉ biết cảm ơn lí nhí, đúng lúc ấy, ông Hoàng từ trong nhà đi ra lớn tiếng:

- Gớm, đợi bà hiểu ra thì bọn trẻ khổ rồi. Phải xem tôi đây này. Chính tôi đã lái xe giúp chúng nó mấy chuyến chở lợn giống, thức ăn về đấy. Tôi biết sớm muộn gì bà cũng sẽ hiểu ra. Thanh niên chỉ cần tu chí làm ăn, có ước mơ, dù đi làm xa hay gây dựng từ chính quê hương mình đều tốt cả, phải không nào?.

Bà Lan không còn giấu được niềm vui, nhìn Long và Uyên:

- Thế còn chuyện hai đứa, định thế nào?

Long bối rối nhìn Uyên chưa biết nói gì, bỗng Uyên reo lên:

- Hoa đào nở rồi kìa, đẹp quá!

Cây đào thế còi cọc mà Long mua về năm ngoái cấy xuống đất quê hương làng Vạn giờ đã nở. Hoa đào nở báo hiệu mùa xuân ấm áp, no đủ trên quê hương Hòa Bình.


Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Duyên tháng Chạp

(HBĐT) - Đường làng Đặm chưa có đèn nhưng ổ gà lại nhiều vố số. Tháng Chạp này, xe chở gỗ đi qua nhiều hơn, đường lồi lõm hơn, giữa cái thời con gái khó hiểu thế này đêm hôm Hạo biết tìm vợ ở đâu?

Những mùa đông ấm êm...

(HBĐT) - Không hẳn nghe nhà hàng xóm mở "Thương nhớ mười hai” trên Youtube, hay nghe Tấn Minh tâm trạng, da diết trong "Những mùa đông yêu dấu”, mà chỉ vì một chiều mùa đông chợt thấy những ngọn khói lam chiều bay lên từ cánh đồng ngoại thành. Tiếng trẻ đùa nghịch bên bờ suối, cạnh đàn bò vàng nhởn nhơ gặm cỏ. Thoảng trong gió, có "mùi” mùa đông se lạnh, cùng tiếng rơi của đám lá bàng đỏ đầu phố xào xạc mỗi khi đêm về...

Thạch Sanh tân truyện: “Om văn bản”

(HBĐT) - Thương con gái yêu và đàn cháu lít nhít, lấn bấn mãi, Vua cha mới can thiệp với cấp dưới để tuyển dụng Phò mã Thạch làm văn thư tại một cơ quan lớn ở vùng "Rừng xanh, núi đỏ”.

Xuân ấm quê Mường

(HBĐT) - Nhớ hôm trước khi lên đây, anh Tổng Biên tập dặn: "Tôi được biết bà con trên Hòa Bình đồng thuận với các chính sách của tỉnh lắm, bảo ban nhau tạm ứng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để thi công đúng tiến độ. Người dân sẵn sàng hiến đất để làm đường. Cậu phải tìm những tấm gương đi đầu gương mẫu để viết nhé. Tớ tin nếu cậu khai thác được sẽ có một bài "đinh" của số cuối năm đấy…”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục