(HBĐT) - Từ ngày người bạn học cùng lớp "vỡ lòng” về hưu, thấy hay gắn bó với quê, mảnh vườn và cánh đồng trước nhà. Cũng vì thế, vào cuối năm, lại có dịp cùng trở về để được cảm nhận cuộc sống, cũng như nhịp thở, sắc màu cánh đồng quê nhà. Bạn bộc bạch: Mình là người sinh ra ở đây, vết bùn dính lưng ngay từ thời lẫm chẫm biết đi. Sau này về Hà Nội học đại học, đi làm nơi này, nơi khác, ở phố thị ánh đèn sáng như sao sa, rực rỡ, vậy mà trong giấc mơ lại chỉ thấy cánh đồng, cánh diều và tuổi thơ thời chăn trâu, cắt cỏ. Ấm áp, thân thương vô kể… Nên khi đến tuổi nghỉ hưu, tôi chọn đất quê này và trở lại…
Ngày cuối năm, cánh đồng quê nhà không còn không khí tất bật của ngày mùa mà có chút lắng lại, êm đềm cho những ngày đón xuân mới. Ruộng đã gặt, thửa thì trơ gốc rạ chờ ngày làm đất, thửa đã có những luống mạ mới gieo được che phủ tấm ni lông, nhằm phòng tránh sương giá. Mùa này, đàn châu chấu dần thưa thớt, nên đàn sáo núi cũng không thấy lượn lờ. Nhưng những vạt đất vẫn sinh sôi, nảy mầm những cây rau, củ quà xanh mướt chuẩn bị cho những phiên chợ Tết. Những luống rau xà lách cuốn chặt, những vạt rau mùi vươn nhánh ở những khoảng đất bên suối dường như chỉ cần chạm vào là dậy mùi thơm. Vạt khoai tây, vạt súp lơ cũng đang chờ ngày thu hoạch… Có thể mấy ngày nữa, những luống cải già làm giống kia sẽ trổ bung những sắc vàng rực rỡ, mời gọi ong bướm dập dìu. Phía xa, một cặp vợ chồng trẻ đang dẫn dòng nước vào khu ruộng chuẩn bị bừa lần một. Tiếng nói, tiếng cười hòa tiếng gió xuân vi vút. Ai cũng muốn làm nốt những phần việc còn lại trên đồng để còn chuẩn bị đón Tết. Anh chồng vui vẻ bắt chuyện: "Làm ruộng giờ không "con trâu đi trước, cái cày đi sau” nữa bác ạ. Cơ giới hết, vừa nhanh, đất vừa ngấu, kỹ”.
Chỉ tay về phía cánh đồng xa, nơi đám trẻ đang quần thảo quả bóng da, giọng bạn bỗng trầm lại: Ông nhớ khu đồng ven suối kia không… Ngày ấy toàn rau dại. Ngày nào tôi và ông chả làm một tải cho lợn. Nhiều hôm ra đó tắm suối, ham đá bóng quên cả việc chính. Bóng chỉ là quả bưởi khô, hoặc búi lá chuối cuộn chặt lại… Bọn trẻ bây giờ sướng thật. Giày, bóng đều bảo đảm cho hoạt động thể thao. Khu đó, thời cha mẹ chúng mình còn trẻ là nơi để trồng bông, nay tháng sau là vụ rau, vụ ngô mới…
Cánh đồng quê bỗng gợi nhớ thật nhiều bao điều thân thương, gần gũi. Những người bạn tuổi thơ nay đang tạm rời quê làm ăn nơi xa, những cánh diều và trò chơi ngày nhỏ; những vạt lúa, vạt khoai lang ngày giáp hạt, cùng ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi gia đình, mỗi con người. Bỗng thấy nhớ làn khói lam chiều bốc lên từ những cành ngô khô vừa thu hoạch; mùi ngô nướng thơm lừng không gian. Tiếng nói, tiếng cười râm ran khắp nơi. Và chính đám trẻ mới là chủ nhân, "vai chính” trên cánh đồng mỗi khi chiều buông. Tiếng đuổi trâu, tiếng trêu đùa nhau… Rồi cả lũ ngồi trên lưng trâu thong dong về xóm, trên tay là những nùn rơm đã gần lụi lửa, là lồng chim sáo chân đỏ mỏ vàng, no bụng bởi những "bữa tiệc” châu chấu muộn ngoài đồng. Chuyện "no đói” của cánh đồng đã có cha mẹ lo lắng, trẻ nhỏ chỉ chăm lo cho những niềm vui tuổi thơ của mình.
Bao năm rồi, hình bóng mẹ cha chăm chút trên cánh đồng làng luôn trở về như một lời nhắc nhở cho một thời vô tâm, vô tư của ngày xưa… Bao thế hệ đã đi về, làm ăn, kiếm sống trên cánh đồng làng; bao ngọt lành cũng được đón nhận từ đây. Cánh đồng bao dung, chở che và đem đến cho bao người nỗi nhớ, tình thương khi xa nhà; cánh đồng như người thân vỗ về bao tâm tư, những thăng trầm đời người. Quê nhà bao điều để nhớ đến và cánh đồng cũng là một phần của ký ức…
Chiều nay, gió đông đã nhạt dần mà thay vào đó là gió xuân nhẹ, ấm đang tràn dần, len lỏi trên cánh đồng bãi…
Tản văn của Bùi Huy
(HBĐT) - Nhớ hôm trước khi lên đây, anh Tổng Biên tập dặn: "Tôi được biết bà con trên Hòa Bình đồng thuận với các chính sách của tỉnh lắm, bảo ban nhau tạm ứng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để thi công đúng tiến độ. Người dân sẵn sàng hiến đất để làm đường. Cậu phải tìm những tấm gương đi đầu gương mẫu để viết nhé. Tớ tin nếu cậu khai thác được sẽ có một bài "đinh" của số cuối năm đấy…”.