Tinh tong, tinh tong…! Nghe tiếng chuông đồng hồ điểm chị nhướng đôi mắt còn dấp dính cơn mơ hướng về phía khung cửa sổ. Trời đã sáng! Chị lẹ làng bật dậy với chiếc áo len choàng ấm áp phủ lên đôi vai gầy rồi mở toang cửa bước ra sân. Mặt trời đã ló rạng và màn đêm đã nhường chỗ cho ánh bình minh. Đến bên khóm hồng gai ở sân vườn, chị nhắm mắt hít hà để cảm nhận mùi hương thơm ngát rồi lại mở to đôi mắt để ngắm những giọt sương long lanh còn đọng lại trên những cánh hoa dáng vẻ ung dung, tự tại.
Chợt nhớ ra nhà cửa còn đang bộn bề mà mười giờ bố con anh Đức đã sang, chị quày quả đi vào đánh răng, rửa mặt uống tạm cốc bột đậu cho đỡ tụt huyết áp rồi bắt tay vào dọn đẹp, chuẩn bị nấu nướng. Vốn dĩ chị không khéo léo lại sống một thân một mình nên nhà cửa, bếp núc cũng khá bừa bộn. Không sao mình sẽ làm cho căn nhà gọn gàng cái đã, cơm nước không thành vấn đề vì 3 món chính: thịt nấu đông, nem và chả cốm đã làm từ tối qua, còn những món phụ thì chờ bé Thương đến rồi 2 mẹ con cùng làm cho vui. Nghĩ vậy nên chị nhẩn nha vừa làm vừa hát theo điệu nhạc: "Em ơi mùa xuân đến rồi đó/ Xúc động lòng ta trước cuộc đời…”.
Chị là vậy vẫn hồn nhiên, tươi trẻ như thuở mười tám đôi mươi hăm hở xách chiếc ba lô vải đã sờn theo mấy chị xuôi về Hải Phòng làm công nhân kiếm tiền phụ bố mẹ nuôi các em ăn học.
Vào công xưởng rồi chị miệt mài với công việc. Mỗi ngày 8 tiếng, hôm nào tăng ca thì 12 tiếng, từ xưởng sản xuất về phòng trọ chỉ còn đủ thời gian lo cơm nước, tắm giặt và ngủ. Thanh xuân của chị cứ thế trôi đi. Đến khi chị 25 tuổi thì mẹ giục ngoắng: Con ạ! Con gái có lứa, có thì con đừng chăm chăm lo kiếm tiền nữa lo lấy chồng đi.
- Chị tưng tửng : Mẹ lo gì! Cứ để vài năm nữa, con gái mẹ lấy đâu chẳng được tấm chồng.
Nói vậy cho mẹ an lòng chứ thực ra chừng ấy năm tuổi trẻ, tiễn chân 5 chị em cùng phòng trọ lần lượt đi về nhà chồng chị cũng khát khao, rạo rực lắm. Đã nhiều lần chị mơ thấy mình đi thử váy cưới, hoặc đã bước lên xe hoa, nhưng quay đi, quay lại chẳng thấy chú rể đâu cả. Chị tỉnh cơn mơ trong thảng thốt, tiếc nuối nhưng chỉ biết nén trong lòng rồi tự nhủ: Chắc mình thuộc típ người có duyên nhưng không có phận. Vì thực ra chừng ấy năm cũng đã có 3 người đàn ông làm quen và ngỏ lời yêu, nhưng không hiểu sao họ cứ đến rồi đi như một cơn gió vậy. Dẫu chỉ là những cuộc tình chóng vánh chưa kịp sâu đậm, nhưng mỗi lần chia tay chị lại phải vật vã với nỗi cô đơn, trống trải đến hao người. Cứ thế niềm tin của chị vào đàn ông, vào tình yêu dần vụt tắt. Chị trở nên khô khan, khó tính và không muốn mở lòng với người đàn ông nào nữa. Thấy mẹ hỏi nhiều về chuyện chồng con có năm chị không về nghỉ Tết, thoái thác rằng con bốc tour đi du lịch miền Tây, miền Nam với bạn, nhưng thực ra là để né lời hỏi thăm của cô, dì, chú, bác và những lời than phiền của mẹ.
Không thể thoái thác mãi, năm tròn 30 tuổi thì chị về ăn Tết ở nhà. Đận ấy, mẹ chị sốt sắng chuẩn bị lễ lạt để đưa chị đi cắt tiền duyên. Cắt xong rồi vẫn chưa an tâm bà giữ con gái ở nhà bảo rằng phải thay đổi môi trường đi thì mới có thể kiếm được tấm chồng. Thực sự lúc này chị không mấy hy vọng sẽ tìm được ý chung nhân, nhưng phần vì mệt mỏi với cảnh chăn đơn, gối chiếc ở khu nhà trọ phần vì phải nghe lời mẹ nên chị về hẳn.
Hơn chục năm làm việc trong dây chuyền sản xuất da giày, giờ trở về quê chị không thể tìm kiếm được công việc phù hợp. Để có việc làm nuôi sống bản thân chị xin vào làm việc ở công ty môi trường Thiên Thanh. Hàng ngày quanh quẩn với việc trồng cây, chăm tỉa những đoạn đường hoa và thu gom rác thải làm sạch đường làng, ngõ phố… Công việc khá nặng nhọc, nhưng chị chấp nhận và lấy đó làm nguồn vui.
Để tiện cho sinh hoạt, các em cùng gom góp dựng cho chị ngôi nhà nhỏ với khoảng sân vườn đủ rộng để trồng rau. Ngày dọn ra ở riêng, chị bê về hơn 2 chục khóm hồng gai trồng quanh sân và lối vào nhà. Khoảng đất còn lại chị trồng rau mùa nào thức ấy để cung cấp cho nhà các em và hàng xóm láng giềng.
Cuộc sống của chị cứ trôi đi trong nhẹ nhàng không vướng bận lo toan. Một chiều Đông giá rét, vừa đi làm về tới cổng nhà chị vấp phải bọc gì đó mềm mềm biết động đậy rồi có lên tiếng ọ ẹ phát ra. Lúc đó trời đã nhá nhem nên chị sợ đến thót tim ngã bệt xuống nền đất. Khi trấn tĩnh lại chị mới bật điện thoại để soi kỹ. Thì ra đó là một em bé sơ sinh được bọc trong chiếc chăn ấm đang chóp chép gặm chiếc bao tay nhỏ xíu. Như bắt được cục vàng quý giá chị ôm đứa bé chạy một mạch về nhà mẹ. Cậu cả tức tốc gọi điện cho vợ đang đi trực ở Trạm y tế. Nhận thông tin cô em dâu hớt hải chạy về ớ á: Ơ! Đây là con chị Thanh anh Đức mới sinh hồi đầu tháng mà. Tiếp tục một cuộc điện thoại khác được gọi đi. Chỉ chừng 20 phút sau người nhà chị Thanh kia đã có mặt để đón bé về. Lúc này, chị lại thất thần như người mất của. Ấy là vì chị cứ ngỡ có ai đó lỡ làng lại biết chị mong mỏi có một đứa con để bầu bạn nên đem bé đến cho chị. Sau này, chị mới biết người mẹ ấy bị chứng trầm cảm sau sinh, lúc phát bệnh đã ôm con đặt ở cổng nhà chị. Không được nhận con một cách chính thức, nhưng vì sự hàm ơn gia đình chị Thanh, anh Đức đã coi chị như người mẹ thứ 2 của bé Thương. Với thể trạng ốm yếu, chị Thanh trụ thêm được 5 năm rồi mất. Anh Đức là bộ đội chuyên nghiệp đang công tác ở tỉnh phải xin về huyện đội để chăm sóc mẹ già, con thơ. Từ đấy, bố con anh Đức năng lại qua chuyện trò, bầu bạn.
Tết này là tròn 3 năm chị Thanh rời xa cõi tạm. Bé Thương cũng đã lên 8 vui vẻ, hồn nhiên như con chim chích chứ không còn ủ ê, èo ợt như hồi mẹ mới mất. Bé qua lại nhà chị thường xuyên nên chị biết được hết nết ăn, nết ở, thói quen của bé. Hôm cùng bà nội sang chúc Tết chị, bé thủ thỉ: Mẹ Minh ơi bố Đức bảo sau đợt trực Tết này được nghỉ phép bố sẽ sang đón mẹ Minh về ở với bố, với con với bà nội đấy, mẹ đồng ý nhé! Chị luống cuống, ngượng nghịu đưa mắt nhìn bà nội bé Thương. Thấy bà móm mém gật gù chị rổn rảng! Ừ hôm nào bố Đức đón thì mẹ sẽ sang.
Như đã hẹn. Ngày đầu tiên được nghỉ phép, bố con anh Đức đã dắt díu nhau sang nhà chị cùng ăn bữa cơm đầu xuân và bàn tính chuyện sum họp một nhà. Uống cạn ly rượu vang sóng sánh, chan chứa ánh mắt yêu thương của người đàn ông ngồi đối diện chị không hiểu nổi mình ngất ngây trong men rượu hay men tình. Chỉ biết rằng đôi má chị ửng đỏ hệt cánh hoa đào kép nở muộn đang khoe sắc bên bàn trà (bé Thương bảo vậy). Còn đôi mắt chị vừa mơ màng đấy, nhưng lại chợt long lanh giọt lệ ướt - giọt lệ của tình yêu thương của niềm hạnh phúc.