Gọi là anh Dũng vì anh lớn tuổi nhất lớp, cách đám lau nhau như ông có đến 8 - 9 tuổi. Anh là bộ đội xuất ngũ đi học nên dạn dày, từng trải, xứng là đàn anh của lớp. Có chuyện gì mâu mắc nhỏ lẻ lớp nọ lớp kia, giữa các phòng trong ký túc xá với nhau, qua tay anh đều đâu vào đấy. Ấn tượng đầu tiên anh xuất hiện trong lễ khai giảng là bộ quân phục khá bạc màu, gương mặt đen, rắn rỏi và có vết sẹo dài tầm 8 cm ngay cằm. Thương binh nhẹ… Hôm nay gặp lại, anh trẻ trung đỏm dáng với áo trắng cộc tay, quần âu may rất đẹp. Lúc chạm mặt, anh Dũng vỗ vỗ vai: "Anh nhớ nhất ngày xưa chú thật rạng ngời khi mặc chiếc áo màu xanh trứng sáo… Cả phòng có việc gì như sinh nhật bạn gái, hay đám cưới ai cũng đăng ký để diện còn gì?”. Ồ, bao năm vậy mà anh còn nhớ chuyện này. Anh nhắc đến chiếc áo, chắc vì liên quan đến nhiều chuyện gì đó nữa chăng? Bởi chính ông cũng còn thấy bí ẩn, mập mờ. Hồi đó, có lần chiếc áo đi "sơ tán” đâu đó nửa tháng, tạo ra bao bàn tán xầm xì từ các bạn cùng phòng, cùng dãy. Nhưng vào tuổi vô tư, ít âu lo nên mọi chuyện cân bằng nhanh, dù có lúc ông cũng thấy tiếc, thấy buồn khi nghĩ tới hình ảnh của cha hồ hởi đi chợ bán gà, đi mua áo...
Phía bàn bên kia, "đôi chim cu” là vợ chồng anh T nổi bật nhất khoa hồi đó tíu tít trò chuyện với các bạn. Dù ở gần Hà Nội, nhưng đây là lần đầu tiên anh xuất hiện trong cuộc họp lớp. Lần thì bảo đi công tác nước ngoài, lần bảo bận hội thảo, tọa đàm gì đó… Vợ anh, nữ sinh đẹp nhất khóa hồi đó. Học chuyên ngành kinh tế nhưng mềm mại, uyển chuyển như nữ sinh trường nghệ thuật. Nghe nói con nhà "trâm anh thế phiệt”, danh giá lắm. Cô là người trong mộng của bao nam sinh cùng trường. Nhưng T là người chiến thắng. Mọi người cùng lớp coi đó như là chiến công chung. T là người khéo ăn, khéo nói và nhất là khả năng nắm bắt tâm lý người khác…
Mấy năm học đại học, ông chơi khá thân với anh Dũng. Ông nhận ra người anh cựu binh này có sự chín chắn, chững chạc và độ tin cậy cao. Nên có chuyện gì ông cũng chia sẻ với anh, như chuyện gia đình, tình yêu... Chiếc áo màu xanh. Đó là một kỷ vật của người cha từng là lính chiến đã vào sinh ra tử trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Cha anh bảo: tặng con chiếc áo màu xanh như là sự gửi gắm cho con mãi bình yên, hòa bình. Ý nghĩa thế chứ. Để đủ tiền mua chiếc áo đó, cha ông phải bán đi lứa gà ri đang lớn, kèm mấy bụi măng rừng. Rồi ông cất công đạp xe 15 km đường rừng xuống chợ Vại để tìm mua, tặng món quà cho con trai vào đại học. Đó cũng là chiếc áo mới duy nhất trong bọc quần áo ông mang từ quê về trường nhập học. Cũng vì điều đó mà ông ít dám mặc chiếc áo đó, cũng vì thế đám bạn được diện ké... Nhưng chuyện chiếc áo "sơ tán” đi đâu đó nửa tháng vẫn là câu chuyện dang dở. Chuyện này liên quan đến "quán cô Vi”, người chuyên thu gom tem phiếu đường, thịt và cả phiếu ăn hàng tháng của đám sinh viên nếu vào thời kỳ "thủng túi”. Đấy là chưa kể các món hàng khác như quần áo, giày dép. Thời mà mua gì phải xếp hàng chờ đợi thì việc "quán cô Vi” tấp nập sinh viên giao dịch là điều dễ hiểu. Nói như ngôn ngữ hiện nay, hồi đó cô ấy làm dịch vụ cầm đồ. Mỗi chiều, cô đi các tầng bán các loại hàng ăn uống như khoai lang, bánh rán, lạc rang... Tiếng cô rao làm rộn ràng từng dãy hành lang. Mà sinh viên làm gì có tiền. Toàn cắm ký. Cô đồng ý tất. Hồi đó tiếng Nga đang thịnh, nên ai hỏi mua và ký chịu, cô "đa-đa” (đồng ý) luôn. Miễn làm sao khi gia đình tiếp tế phải trả cô đủ. 5 dãy nhà 5 tầng tối nào cô cũng lượn đủ. Có thể ai đó chẳng nhớ hết tên các bác ban giám đốc ký túc xá, nhưng chẳng sinh viên nào không biết cô... Sổ nợ của cô chi chít những con số, nhưng mạch lạc lắm vì mỗi tầng, mỗi phòng đều có trang mục riêng. Chẳng ai dám "bùng" của cô đồng nào... Tiếng rao véo von, trầm bổng của cô cùng dải tóc dài được tết lại buông thõng… trở thành hình ảnh nằm lòng vừa đáng nhớ, vừa "đáng sợ” đối với mỗi người (nhất là đến kỳ phải thanh toán)…
Ông thì chưa đến quán cô bao giờ. Nhưng khi chiếc áo bốc hơi một cách bí ẩn, anh Dũng đã rủ ông ra đó. Ông ở tít ngoài cổng, mình anh Dũng vào. Nhưng tiếng cô Vi ngọt ngào như mía lùi vẫn lọt vào tai ông: "Nó bảo áo nó mà. Cô thương tình mua lại. Tiền nó đã nhận và có một đứa khóa trên đã đặt tiền mua lại rồi... Nhưng mà nghe chú kể thì để tôi nghĩ lại”. Tiếng anh Dũng chắc nịch: "Nhưng cô đừng kể với ai nhé. Nó đang có người yêu, sắp cưới. Chuyện loang ra hỏng mất. Cô nhớ giúp cháu. Đây, cô nhận cho cháu”. Anh Dũng ra khuôn mặt giãn giãn, bớt căng hẳn nhưng chẳng nói gì. Sau này nghe đám bạn kể, anh Dũng đi lùng không dưới 10 quán na ná như quán cô Vi để nắm tình hình. May mắn thế nào cô Vy đã không làm khó anh...
Sau tuần ông về quê trở ra đã thấy chiếc áo xanh được giặt như mới, là phẳng phiu treo ở móc đầu giường. Màu xanh quen thuộc khiến ông chựng lại ngay cửa phòng. Phía cuối phòng, nhóm bạn đang lăn lóc chép lại lần cuối luận văn tốt nghiệp. Chẳng mấy mà chia xa căn phòng này… Chiếc áo màu xanh giờ vẫn được ông cất giữ trong tủ quần áo. Dù cha ông đã về trời…
Truyện ngắn của Bùi Huy