(HBĐT) -Chòm dân cư xóm núi phía nhà ông Đạt hôm nay đông vui, nhộn nhịp hơn ngày thường. Dòng suối chảy bên trái ngọn đồi thoai thoải cũng như có tiếng chảy róc rách, với làn điệu vui hơn. Khoảng 5 giờ đã thấy nam nữ thanh niên rửa bát, rửa nồi ở đó. Tiếng nói, tiếng cười của lớp trẻ khiến các bác trung niên ở phía cuối vườn cũng thấy xôn xao trong lòng. Gió thu nhẹ thổi vờn trên những tán lá sấu xanh mướt. Ông Đạt, người chủ trì cuộc liên hoan hôm nay trao đổi:

- Khoảng 8 giờ, anh Tân và các đồng đội từ Hà Nội sẽ đến. Lúc đó, cỗ bàn cũng tạm ổn. Làm một số thủ tục mang tính lễ nghi, sau đó là liên hoan. Mà mấy ông ở xã bên không biết đã lên đường chưa? Để khách đến sớm hơn chủ nhà là không được… Chú nào gọi điện đi…

Ông nói và cười lớn. Ánh mắt lấp lánh niềm vui. Bộ quân phục ông mặc hôm nay là món quà đồng đội tặng nhân ngày gặp lại. Chả là mấy năm nay, anh em đồng ngũ ở chiến trường C mới lại hội tụ được. Cũng là nhờ "cái anh” phây-búc, zalo đấy chứ. Đặc biệt, nhờ sự quyết tâm, nhiệt huyết của anh Tân và nhóm bạn Hà Nội. Ra quân, ông như bao người lính khác lấy vợ, sinh con, xây dựng cuộc sống nơi quê nhà. Đành rằng cũng tham gia một số công việc xã hội ở địa phương, nhưng cũng gói gọn trong tầm xóm, xã thôi. Mấy anh em đồng ngũ ở một vài xã lân cận cũng thỉnh thoảng gặp gỡ, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống. Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, thật muôn màu. Người có cuộc sống tạm ổn, con cái đuề huề. Người còn khó khăn, xoay vần trong "cơm áo gạo tiền”, nhất là với người có hoàn cảnh như ốm đau, bệnh tật… Nhà cậu Hy xã bên cũng vất vả thật. Vợ không được giỏi giang như người ta, đâu đã già mà mắc bệnh nhớ nhớ quên quên. Lắm hôm đi chợ về đến cổng mà còn chẳng nhận ra lối về nhà mình. Con lại mắc bệnh hiểm. Mà cậu ấy đâu lười nhác… Cuộc sống thôn dã cứ nghĩ là sẽ bình lặng đến mức nhàm chán sẽ diễn ra mãi như vậy. Cho đến một sáng… Tân, cậu bạn đồng ngũ xuất hiện. Đến ào ào như ngọn gió rồi lại mất tăm một thời gian. Rồi lại trở lại ấm áp, ấn tượng hơn lần đầu:

- Tôi được giao viết một số chương về lịch sử sư đoàn. Hôm nọ, tôi trở lại địa điểm ban đầu anh em mình huấn luyện trước khi vào chiến trường để kiếm ít tư liệu. Vội quá, nên lần trước chả kịp hỏi han về nhau… Còn lần này, lại một việc khác. Ban liên lạc đồng ngũ có ý tưởng sẽ giúp đỡ về giống, vốn, kiến thức, nghề nghiệp cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Nghe đã thấy mát hết tâm can. Đồng đội với nhau không cần những điều đao to búa lớn làm gì. Cứ giản dị và ý nghĩa là nhất thôi. Được dịp, ông và Tân dốc bầu tâm sự. Chuyện quê, chuyện làm ăn, chuyện đồng đội và những cảnh ngộ… Hôm đó, đích thân ông dẫn cậu bạn đi mấy nhà. Cậu ấy ghi ghi, chép chép… Rồi lần sau, có cả phóng viên đến ghi hình, phỏng vấn…

Tân là trai Hà Nội chính gốc. Có tài về hội họa và viết lách. Hồi đang tại ngũ cũng đã có một giải thưởng văn nghệ của một tạp chí danh tiếng. Nhưng đồng đội nể nhất chính là chuyện cậu ấy đã có giấy báo trúng tuyển vào đại học, vẫn gác lại để lên đường nhập ngũ. Không ai ngờ, chàng tân binh có mái tóc điệu bồng bềnh như nghệ sĩ, với khuôn mặt tròn, làn da trắng như con gái ấy lại chả thua ai trong các đợt hành quân dã ngoại. Bơi trong đêm, vượt dốc đèo cao vút… cứ ngỡ trai Hà thành sẽ không thể vượt qua, vậy mà cứ về đến đích trước. Nhiều đêm, mấy anh chàng ở xóm núi, chưa một lần đi thăm Hà Nội, nghe kể về Hồ Gươm, công viên Thống Nhất, kem Tràng Tiền… mà mộng mơ bay bổng. Hồi đó, nhập ngũ, như ông đây cũng đâu đã học xong cấp III, nên nói đến giảng đường đại học cứ như một giấc mơ xa vời mà lấp lánh. Nghe cậu ấy kể chuyện hài thì thôi rồi. Người kể tỉnh bơ, còn mấy cậu tân binh cười như được mùa…

Mỗi lần là một việc. Giờ cậu ấy làm việc ở một tạp chí chuyên ngành, nhưng vẫn canh cánh câu chuyện về anh em đồng ngũ. Sắp tới, cậu ấy sẽ ra một cuốn sách và một triển lãm về những năm tháng ở chiến trường. Trước khi có cuộc đó, Tân sẽ về đây để gặp gỡ anh em vùng này…

Nhóm mấy anh em xã bên vừa nhấp xong chén chè ấm nóng thì nghe tiếng ô tô. Mọi người đổ xô ra. 5 ông trong trang phục lính từ trên xe bước xuống. Quân trang mới thơm phức. Tân này, Dũng "cầu lông”, An "bánh mỳ”… rồi 2 người nữa, mãi sau này ông Đạt mới nhớ ra. Tân luôn là người hoạt ngôn nhất, giới thiệu, dẫn dắt mọi người túm lại với nhau. Vẫn là cái bắt tay thật chặt. Với Hy, ông Tân nhấn mạnh: "Đã có quỹ tấm lòng vàng của tạp chí của tôi "đỡ đầu”. Giờ ông cứ an tâm. Đầu tiên phải cho cháu về Hà Nội khám tổng thể đã. Tất cả chi phí đó đã xong. Chiều nay, cháu sẽ ra cùng tôi. Anh đi cùng để cho cháu an tâm hơn…”. Cậu Hy, người chiến sĩ gan lỳ có tiếng năm xưa, với mái tóc ngắn, cứng như rễ tre lại là người dễ mềm lòng. Nói lý nhí cám ơn mà nước mắt cứ ứa ra. Biết đâu, nhờ chuyến đi khám này mà có hướng để điều trị phục hồi… Rồi câu chuyện của những người lính năm xưa lại kéo mọi người trở lại với thực tại với những đầu tư cho một số lính cựu "nuôi trâu, bò vỗ béo” sắp tới sẽ triển khai. Ông Tân vẫn sang sảng: Cũng chỉ mong cái "cần câu” chúng tôi trao sẽ được các bạn "câu” được nhiều cá to, cá ngon...

Lần đầu tiên, bà con xóm núi được ăn cốm gói trong những lá sen được hơ lửa dẻo thơm. Còn Ban liên lạc tặng Nhà văn hóa xóm bức ảnh chụp Hồ Gươm một sớm thu… Nhìn vào bức ảnh, thấy ngan ngát trong không gian hương mùa thu êm dịu, trong lành. Hương mùa thu núi rừng, hương cốm Hà thành, mùi rượu men lá chưng cất lan tỏa không gian. Xóm núi như bừng thức trong ngày mới chung vui với niềm vui lan tỏa.

Truyện ngắn của Bùi Huy

 


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục