(HBĐT) - Ngày cuối tuần, quán XX đông hơn ngày thường. Tầng 1, tầng 2 kín bàn. Chủ quán mặt tươi như hoa vì quán đắt khách. Còn nhóm các cháu bưng bê phục vụ thì tất tả, ai đấy mồ hôi nhễ nhại. Tuy vậy, các cháu vẫn động viên nhau: "Khách đông thế này, đến kỳ nhận lương thế nào anh chủ quán cũng thưởng thêm. Bọn mình cố gắng để khách đến ăn thấy vui, thoải mái, ngon miệng…”.
Nhóm bưng bê phục vụ cũng khá đa dạng về thành phần, xuất thân: Học sinh THPT nghỉ hè đi làm để kiếm thêm "tiền tiêu vặt”; có em đã học và thi xong đang chờ điểm thi tốt nghiệp THPT; một số em ở huyện, nhà không có điều kiện học lên nên ra thành phố "lập nghiệp”. Nam, nữ đủ cả; tuổi ngang nhau nên dễ thân, dễ gần, luôn quan tâm giúp nhau trong công việc. Đã thế, ai cũng hiền lành, tử tế, không có nét ăn chơi đua đòi nên thực khách khá hài lòng… Nhiều vị khách có tý bia, khoác vai mấy cháu rủ "uống cốc bia” cho vui đều nhận được lời từ chối nhã nhặn: "Chúng cháu còn nhiều việc phải làm bác ạ. Chúng cháu không được phép ngồi ăn uống cùng khách”.
Chiều ấy, quán có nhóm khách tầm tuổi trung niên. Nhìn rõ là khách VIP, có tiền… Nổi bật có một bác nhìn ăn mặc trau chuốt. Đi ăn theo nhóm bạn bè mà cũng sơ vin, tay áo buông chùng, cúc cài kín mít. Hẳn là lụa tơ tằm. Chỉ là thiếu đeo ca vát… Nhìn từ đầu đến chân, cứ gọi là bóng lộn, lấp lánh. Nghe họ trao đổi, thì bác ấy vừa chủ trì, chủ chi, khao anh em, bạn bè vì vừa có lộc, "ăn nên làm ra”… Các món được đưa ra, theo đúng thực đơn, ngon lành, thơm lừng, bắt mắt. Mọi việc khởi đầu có vẻ thuận, vì ai đấy đều đã ngồi vào vị trí và gật gù nhìn các món ăn. Nhưng việc đầu tiên là bác ấy vẫy vẫy cháu gái có khuôn mặt khá lành phụ trách tầng 2 lại. Ôi, gì thế. Bác "choảng” luôn: Mấy đứa này… sao đũa lại có vẻ mốc, cong thế này. Bát thì chưa được sạch trắng lắm, ly uống rượu trông nhom nhem thế”. Cháu ấy có vẻ bị choáng vì mấy tháng làm ở đây chưa bị ai phàn nàn và để ý "kỹ” đến mức này. Quán này cũng đâu phải quán cơm bụi. Đến khi một cháu trai khác chuyển bát nước chấm xì dầu pha mù tạt lên thì tiếng bác ấy vống hẳn lên. Đích thân bác ấy nếm và thẳng tay "hẩy” đi đòi bát khác. Lúc cháu kia quay lưng xuống tầng để đổi cho bác, giật mình vì nghe tiếng quát: "Cậu kia… quay lại đóng cửa. Chả có ý thức gì cả, nóng bỏ bố ra”. Thực khách mấy bàn xung quanh giật mình đều quay lại nhìn. Cháu kia quay lại rối rít xin lỗi: "Tại cả 2 tay cháu đều kín đồ phải bê, nên không kịp khép cửa ạ, cháu xin lỗi”. "Làm ăn thế, tôi bảo chủ quán đuổi hết. Có biết tao là ai không”… Cháu phục vụ mặt tái dại, bối rối. Mấy người cùng bàn nhắc: Thôi cháu xuống dưới đi, không sao đâu. Bước đi, nhưng sau lưng vẫn còn tiếng gắt: "Làm thế mà đòi tiền công…Vớ vẩn. Bảo ông chủ quán cho thay người phục vụ nhé”… Bữa ăn hôm đó, mấy người ăn cùng nhìn nhau ngao ngán. Mất cả vui…
Lần đầu tiên bị khách nói xối xả, cháu gái không giữ được bình tĩnh. Xuống tầng dưới rồi mà nước mắt ngắn, nước mắt dài. Cứ ngỡ anh chủ quán "tế” cho trận, không ngờ anh ấy vỗ vai: "Không sao đâu 2 em. Làm công việc này, đôi khi phải đối mặt với các vị khách ghê gớm như thế đấy. Họ cứ nghĩ là bỏ tiền ra là được quát mắng người này người khác… có thực khách còn khó tính hơn nữa ấy chứ". Để 2 người phục vụ kia nguôi nguôi, anh chủ quán kể: Có thực khách còn sưng hô "mày tao” với nhóm phục vụ; lỡ sánh tý nước canh ra bàn là kêu toáng lên chả cần để ý xem những người ngồi xung quanh nghĩ gì… Có gì, chúng ta đều phải rút kinh nghiệm để việc phục vụ khách ăn tốt hơn.
Bùi Huy
(HBĐT) - Lâm thấp lại hơi béo, được cái da trắng, nói năng nhỏ nhẹ. Vừa mới hôm nào leo lên cái ghế phó phòng nay đã lại tiếp quản chức trưởng phòng khác.
(HBĐT) - Mấy ngày nay, chị H. thấy con gái có điều gì đó là lạ. Mấy lần sà xuống cạnh mẹ, gọi: "mẹ ơi, mẹ ơi” rồi lại lảng ra. Mới đầu, chị cho đấy là thói ẩm ương của con gái mới lớn, nhưng nhìn kỹ ánh mắt nó lại thấy điều gì đó không ổn. Mới khai giảng năm học, chả lẽ đã có gì mâu mắc với bạn bè hoặc ai đó? Cái gì cần đóng góp đầu năm học thì bố mẹ đã lo đủ rồi còn gì… Nghi có chuyện gì đó, chị hỏi thẳng. Con gái bộc bạch luôn: "Con mấy lần định hỏi bố mẹ nhưng sợ bố mẹ phản đối nên lại thôi. Nhà bạn Miên khó khăn quá…”.
(HBĐT) - Trước tình trạng ô tô quá tải gây hư hỏng đường sá, ảnh hưởng đời sống dân sinh tồn tại nhiều năm, Triều đình quyết định chọn vùng "Rừng xanh, núi đỏ” làm điểm về xử lý xe quá tải để rút kinh nghiệm triển khai trên toàn quốc.
(HBĐT) - Vừa rồi đi họp lớp, được gặp lại bạn bè tôi thấy ai cũng "phát tướng” hơn, nói cười hớn hở. Trong cuộc vui ngày hội ngộ, mọi người đều thấy thiếu một bạn nam. Có người thắc mắc: "Tâm đâu? Bùi Văn Tâm, hình như ở một tỉnh Tây Bắc nào đó nhỉ?”.
(HBĐT) - Ngày người bạn học phổ thông vào Nam lập nghiệp cũng vào cuối hạ đầu thu… Nhóm bạn chen nhau vào sân Hàng Cỏ tiễn bạn. Đông đúc, ồn ào, xen chút xô bồ… nhưng vẫn thấy thoảng đâu trong gió, chút chớm hanh hao của mùa thu Hà Nội. Bởi lá vàng bay bay, bởi lòng người thơ thới xen lẫn chút bùi ngùi ngày bạn chia xa Hà Thành…